09/08/2018

Vi phạm trật tự đô thị trong ngõ, ngách: Thiếu chế tài xử lý

Sau một thời gian dài thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự đô thị, ATGT, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh đã giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, những chuyển biến đó hiện mới dừng lại ở tuyến phố có tên, còn tại các ngõ, ngách vi phạm vẫn đang diễn ra khá phức tạp.

636680449333191076-20180724_074907

Phương tiện lấn chiếm lòng đường tại ngách 46, ngõ 71, phố Hoàng Văn Thái.

Hai gam màu sáng – tối
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số tuyến đường lớn như Trần Duy Hưng, Giảng Võ – Láng Hạ, Xã Đàn – Ô Chợ Dừa, Kim Mã… công tác quản lý trật tự đô thị đã dần đi vào nền nếp. Tình trạng người dân ngang nhiên lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh gây cản trở, mất ATGT đã từng bước được khắc phục, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên, tại các ngõ, ngách, các tuyến đường chưa được đặt tên trong các khu đô thị vẫn còn nhiều tồn tại. Đơn cử như tại các tuyến đường quanh khu tập thể Trung Tự, khu tập thể Vĩnh Hồ (đường Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa), ngõ 71 phố Hoàng Văn Thái, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, khu tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân)… tình trạng các hộ kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi họp chợ diễn ra khá phổ biến. Điều đáng nói, không chỉ gây cản trở, mất ATGT, trong quá trình hoạt động, những vi phạm này đang để lại những hệ lụy không nhỏ liên quan đến công tác vệ sinh môi trường.
Theo một số người dân sinh sống trong khu tập thể Vĩnh Hồ, trong quá trình hoạt động, các hộ kinh doanh ngang nhiên xả rác thải ra đường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt là những ngày nắng nóng. Mặc dù chính quyền địa phương vẫn thường xuyên bố trí người thu dọn rác, phế thải, nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi.
Lỗ hổng từ chính sách
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo một số phường cho biết, dù các lực lượng chức năng vẫn thường xuyên tuần tra, kiểm soát, đẩy đuổi… nhưng để xử lý triệt để vấn đề trên là điều không hề đơn giản.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung Trần Xuân Duy, hiện để xử lý các hành vi vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, các lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP các lực lượng chức năng không được phép xử lý tại các tuyến đường không có tên, các ngõ, ngách.
Đồng quan điểm trên, lãnh đạo một số phường trên địa bàn quận Ba Đình chia sẻ, đối với các trường hợp vi phạm trật tự đô thị tại các ngõ, ngách, các tuyến đường chưa được đặt tên, các lực lượng chức năng chỉ có thể nhắc nhở chứ không thể xử phạt. Tương tự, đối với chế tài về xử lý hành vi xả rác sai nơi quy định, lãnh đạo một số phường cũng cho rằng, để làm được điều này, các lực lượng chức năng phải tiến hành quay phim, chụp ảnh được hành vi vi phạm.
Theo các chuyên gia, Điều 12, Nghị định 46/2016/NĐ-CP dù đã nghiêm cấm các hành vi sử dụng hè phố để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông… nhưng lại chỉ giới hạn trên đường đô thị, tức các tuyến đường đã được đặt tên.
Do đó, để nâng cao hiệu quả quản lý trật tự đô thị, đặc biệt là các ngõ, ngách, các tuyến đường chưa được đặt tên, các cơ quan quản lý nên xem xét sửa đổi quy định liên quan đến phạm vi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đặc biệt là cụm “đường đô thị”.