Thách thức trong bảo tồn di sản thế giới ở Việt Nam
Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn, trở thành điểm đến của đông đảo khách du lịch. Song việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản đang đứng trước thách thức lớn.
Công trinh xây dựng không phép xuyên vùng lõi di sản Tràng An ở xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình) bị buộc tháo dỡ. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Nhiều di sản bị xâm phạm
Vịnh Hạ Long – di sản đã 2 lần được UNESCO công nhận, nhưng đã từng nhận được khuyến nghị từ Trung tâm Di sản Thế giới (TTDSTG) của UNESCO. Theo những khuyến cáo này, TTDSTG đã bày tỏ những lo ngại về các cộng đồng ngư dân sinh sống trong vùng lõi di sản, làm ảnh hưởng đến di sản. Dù sau đó Quảng Ninh đã có những chính sách tái định cư cho ngư dân, song UNESCO cũng lưu ý về việc một số hộ gia đình gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường sống mới, và có khả năng quay lại Vịnh thực hiện “các hoạt động bất hợp pháp”.
Đối với quần thể danh thắng Tràng An, TTDSTG UNESCO ngày 22/3/2018 đã bày tỏ sự quan ngại về việc xây dựng bất hợp pháp lối đi trong núi Cái Hà, vùng lõi của Quần thể danh thắng. UNESCO đặc biệt khuyến nghị về việc trao quyền cho Ban quản lý Di sản thế giới và tiếp cận tích cực hơn trong việc cung cấp các hướng dẫn và đối thoại với cả khu vực tư nhân và người dân địa phương để cải thiện việc thực thi pháp luật và ngăn chặn vi phạm tương tự trong tương lai.
Tại vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Quyết định 41COM7B.33 gần đây nhất của TTDSTG UNESCO, đã nêu lên mối lo ngại về các vấn đề khai thác trái phép, săn trộm, các loài xâm lấn và đề xuất về dự án cáp treo đến hang Sơn Đoòng.
Ngay như phố cổ Hội An, một ví dụ điển hình của Việt Nam trong việc bảo tồn di sản với nhiều giải thưởng, và luôn được đề cập đến như một thành công của UNESCO ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Song, di sản này cũng gặp phải những thách thức lớn, đó là sự yếu kém trong quản lý các đập thủy điện ở thượng lưu sông Thu Bồn gây ra lũ lụt ảnh hưởng nghiêm trọng đến di sản. Sự gia tăng của các công trình bê tông và xây dựng trong vùng đệm, nằm rất gần đô thị cổ, cùng với sự gia tăng nhanh chóng của các khách sạn và cơ sở hạ tầng du lịch xung quanh thị trấn, giao thông quá tải và thiếu sự phối hợp của các lực lượng chức năng tạo gánh nặng lên vùng lõi chật hẹp của di sản…
Hội An cũng gặp phải những thách thức lớn trong bảo tồn di sản. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Khó khăn trong bảo tồn di sản
Theo đánh giá của ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đa dạng của đất nước tạo thành nguồn lực lớn cho du lịch và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông Michael Croft cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều “vùng xám”, cản trở hiệu quả quản lý di sản, trong đó, chức năng và thẩm quyền của Ban quản lý Di sản là một trong những lý do khiến cho di sản dễ dàng bị xâm hại, bởi các Ban quản lý Di sản thế giới ở Việt Nam không có chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này gây hạn chế rất lớn trong công tác kiểm tra, thi hành luật tại địa điểm bảo vệ di sản, quyết định tái phân bổ thu nhập từ di sản… mà chỉ có thể báo cáo và chuyển giao cho các cơ quan chính phủ khác hoặc cấp cao hơn rồi chờ xử lý.
Lấy ví dụ từ vụ việc vi phạm tại Quần thể danh thắng Tràng An, dù Ban quản lý Di sản phát hiện sai phạm từ khi công trình mới bắt đầu được xây dựng, và yêu cầu doanh nghiệp tháo dỡ, song doanh nghiệp vẫn ngang nhiên xây dựng công trình, và đưa vào khai thác. Vụ việc chỉ được đưa ra ánh sáng khi báo chí vào cuộc phản ánh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc quyết liệt, sai phạm mới được xử lý.
Bên cạnh đó, một số quy định chồng chéo và mâu thuẫn đang cản trở việc quản lý di sản hiệu quả. Sự trùng lặp và xung đột chủ yếu xảy ra trong các văn bản quy phạm pháp luật. Chẳng hạn như sự chồng chéo giữa Luật Di sản văn hóa và các nghị định về quản lý di sản văn hóa và di sản thế giới với các Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và Luật Du lịch. Những sự chồng chéo trong các quy định này tạo rào cản cho sự thống nhất quản lý của Nhà nước, tạo kẽ hở cho quy trình thực thi và cản trở những hoạt động đầu tư, tu bổ dài hạn, có chất lượng.
Để bảo tồn di sản hiệu quả, theo ông Michael Croft, cần loại bỏ sự chồng chéo trong các quy định pháp luật, đồng thời tăng cường quyền lực quản lý nhà nước về di sản ở cả cấp Trung ương và địa phương bằng cách trao cho một cơ quan duy nhất thuộc Chính phủ, trong trường hợp này là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cũng theo ông Michael Croft, để tăng cường trao đổi học thuật và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý di sản trong khu vực và quốc tế, Việt Nam nên sớm thiết lập Ủy ban ICOMOS Việt Nam. Việc này sẽ giúp cho Việt Nam có thể đóng góp tiếng nói của mình tại một cơ quan cố vấn chuyên môn về các vấn đề di sản văn hóa thế giới.
Việc quản lý di sản thế giới không chỉ giới hạn trong lĩnh vực văn hóa. Vì vậy, cần có biện pháp thúc đẩy sự tham gia của các cơ quan quản lý và đối tác ngoài ngành văn hóa, giúp họ nhìn nhận đúng vai trò ngày càng tăng của công tác bảo tồn di sản, xét trên cả phương diện kinh tế và chính trị. “Bảo tồn di sản chỉ thực sự có hiệu quả, nếu như mối quan tâm của các bên liên quan được đặt trên cùng một bàn đối thoại, với mục tiêu bao trùm là phát triển bền vững”, ông Michael Croft khẳng định.