Ùn tắc giao thông (UTGT) đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với sự phát triển của Hà Nội. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh quỹ đất ngày càng eo hẹp, TP cần hướng tới việc phát triển không gian ngầm và kéo giãn mật độ giao thông ra ngoài khu vực lõi đô thị.
Chưa phát huy được các nguồn lực
10 năm sau khi mở rộng địa giới hành chính, diện tích của Hà Nội đã tăng lên hơn 3 lần, dân số đạt trên 7 triệu người và gần 6 triệu phương tiện các loại đăng ký lưu hành trên địa bàn. Cùng với đó còn có một lượng không nhỏ người dân và hàng triệu phương tiện vãng lai khác hàng ngày lưu hành trên đường phố, tạo nên áp lực giao thông vô cùng lớn cho TP.
Điều đáng nói là đa số những chuyến đi đều hướng đến hoặc xuyên qua khu vực lõi đô thị, nơi mà diện tích đất dành cho giao thông vốn đã rất eo hẹp. Đường sá chưa đáp ứng lưu thông, thiếu đồng bộ cùng với thực trạng thiếu trầm trọng diện tích đất dành cho giao thông tĩnh khiến khu vực nội thành Hà Nội phải đối diện với vấn đề UTGT hầu như mỗi ngày.
Trục đường Vành đai 2 giúp giảm tải giao thông khu vực trung tâm Thủ đô. Ảnh: Phạm Hùng
|
Các chuyên gia cho rằng, khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã có những điều kiện, cơ hội rất tốt để cải thiện tình hình giao thông. Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng UTGT vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là khu vực nội thành. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, khi mở rộng địa giới, Hà Nội có thêm đất đai nhưng cũng gia tăng mạnh về dân số và lượng phương tiện. “Đất đai, nguồn lực con người, kinh tế là điều kiện để bố trí lại không gian, kiến trúc đô thị, phát triển giao thông nhưng chưa thấy phát huy được mấy hiệu quả. Trong khi đó, hệ lụy từ gia tăng dân số và phương tiện giao thông đã trở thành vấn đề khiến Hà Nội phải đau đầu” – ông Thắng nhìn nhận, đồng thời cho rằng, trong bối cảnh quỹ đất dành cho giao thông còn thấp như hiện nay, muốn giải quyết vấn nạn UTGT, Hà Nội trước hết phải tập trung vào các giải pháp mang tính chiến lược. Đặc biệt, TP cần quy hoạch lại cấu trúc đô thị để mở rộng không gian dành cho giao thông.
Phân bố lại mật độ đô thị
Thạc sỹ quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ, muốn giải quyết cơ bản, triệt để vấn đề UTGT, Hà Nội cần kết hợp cả 2 nhóm giải pháp “cứng” và “mềm”. Ông Thành phân tích, giải pháp “mềm” là sử dụng cả chế tài hành chính lẫn kinh tế nhằm kiềm chế sự gia tăng, dần dần tiến tới giảm bớt tần suất lưu thông của phương tiện cá nhân; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. “Hạn chế được phương tiện cá nhân vừa tăng thêm được không gian giao thông, hạn chế UTGT vừa có ý nghĩa bảo vệ môi trường” – ông Thành nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần phải có những giải pháp quy hoạch lại cấu trúc tổng thể, mở rộng không gian giao thông thông qua việc kéo giãn mật độ đô thị. Ông Thành nhận định, hiện Hà Nội có thể khai thác quỹ đất đô thị dành cho giao thông theo hai hướng. Một là với khu vực nội đô nên tập trung khai thác không gian ngầm với việc đầu tư, xây dựng các tuyến tàu điện ngầm, bãi đỗ xe ngầm… Không gian trên cao cũng có thể hướng tới khai thác nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn tại khu vực lõi đô thị. “Mặt khác, nên nhanh chóng hoàn tất việc di chuyển một số trụ sở của cơ quan, ban, ngành, trường học, bệnh viện ra khỏi lõi đô thị. Đưa các điểm thu hút đông người dân đi – đến ra các vùng còn quỹ đất rộng sẽ giảm hẳn mật độ giao thông ở vùng “nóng” trung tâm, phân bổ đều áp lực trên toàn địa bàn Hà Nội.
Nhiều chuyên gia còn lưu ý, TP cần nhanh chóng hình thành các đô thị vệ tinh với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, đủ năng lực đáp ứng giao thương, kết nối nội bộ và liên vùng. Các đô thị vệ tinh này vừa có ý nghĩa quan trọng đối với việc phân bố đều mật độ dân cư, giảm tải về giao thông; vừa kích thích sự phát triển đồng bộ, song hành giữa nội và ngoại thành Hà Nội.
Sau 10 năm mở rộng, Hà Nội đã có những đột phá mạnh mẽ, vươn lên tầm vóc một đại đô thị văn minh và hiện đại. Nhưng muốn phát triển bền vững, tất yếu phải giải quyết được vấn nạn UTGT, mở rộng không gian giao thông, kết nối tốt từ trong đến ngoài, góp phần thúc đẩy hiệu quả kinh tế – xã hội.
Đặng Sơn/Kinh tế đô thị