Điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, gây hàng loạt hậu quả cho Hà Nội
“Có thể nói không phải ít mà nhiều dự án điều chỉnh quy hoạch khá tùy tiện. Điều này làm tăng mật độ dân số trong nội thành và tạo ra rất nhiều hậu quả về xã hội”, ông Tưởng Phi Chiến – nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Nhìn lại 10 năm sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (từ 2008), UBND TP Hà Nội nêu ra hàng loạt “thành tựu” đạt được trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, theo góc nhìn của các chuyên gia, điểm nhức nhối của Hà Nội vẫn là ùn tắc, ô nhiễm môi trường và việc “xé rào” điều chỉnh quy hoạch.
Tất cả đều rất khó khăn
Về kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, TP Hà Nội cho biết, có nhiều dự án đã được triển khai và hoàn thành như hệ thống đường dẫn cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, hoàn thành cầu Nhật Tân; đang triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, tuyến Nhổn – Ga Hà Nội…Số điểm ùn tắc giao thông năm 2010 là 124 điểm, đến nay giảm xuống còn 37 điểm.
UBND TP Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận tốc độ tăng hàng năm của ô tô là 10,2%, xe máy là 6,7%, trong khi đó tốc độ phát triển hạ tầng giao thông của TP chỉ ở mức bình quân 3,9%. Sự phát triển nhanh của phương tiện cá nhân dẫn đến ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như sự phát triển KTXH của TP.
Nhớ lại 10 năm trước, ông Nguyễn Văn Khôi – nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hạ tầng kỹ thuật thời điểm hợp nhất có muôn vàn khó khăn. “Mọi thứ đều thiếu và yếu, dẫn đến ùn tắc, ngập úng, thiếu nước sạch thường xuyên xảy ra. Đặc biệt nhất là trận mưa lịch sử vào ngày 30 và 31/10/2008, sau khi hợp nhất được 2 tháng. Thành phố phải ra quân trên mọi lĩnh vực, mọi địa bàn nhưng hai tuần sau nước mới rút hết”, ông Khôi nói.
Tuy nhiên, theo ông Khôi, với những nỗ lực của chính quyền thành phố và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, từ đó đến nay, Hà Nội đã từng bước khắc phục được những khó khăn về hạ tầng giao thông đô thị và hạ tầng xã hội. Cụ thể, trong vòng 10 năm Hà Nội đã làm được 223km đường, chỉnh trang 400km. Hà Nội cũng đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị. Các dự án cấp nước sạch cho nhân dân Thủ đô cũng đã đi vào hoạt động.
Vẫn tập trung xây dựng hạ tầng cho nội thành
Đánh giá về công tác quy hoạch (về KT-XH và quy hoạch xây dựng), ông Tưởng Phi Chiến – nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng còn nhiều yếu tố chưa đáp ứng được yêu cầu. “Tất nhiên cũng có những khó khăn liên quan đến nguồn lực đầu tư xây dựng, nhưng cũng có nguyên nhân từ chủ quan chúng ta làm thực sự chưa quyết liệt, thực hiện chưa đồng bộ”, ông Chiến nói.
Qua thực thế, ông Chiến nhận thấy, về hạ tầng giao thông đô thị, trong 10 năm qua, Hà Nội vẫn tập trung chủ yếu đầu tư xây dựng cho khu vực nội thành. Trước khi hợp nhất, những khu vực như Hà Đông, Sơn Tây và các huyện ngoại thành đã triển khai nhiều dự án lớn nhưng sau nhiều năm thi công vẫn chưa xong.
“Chính do hạ tầng chưa đồng bộ như vậy mới dẫn đến tình trạng quá tải rất lớn trong nội đô. Điều đó dẫn đến ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, ùn tắc giao thông”, ông Tưởng Phi Chiến nói và cho rằng, Hà Nội giải quyết vấn đề này còn quá chậm, không đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra.
Về những tồn tại kể trên, ông Chiến cho rằng, trước hết là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố. “Trong đó cũng có trách nhiệm cá nhân chúng tôi, những người tham gia công tác ở thành phố trong nhiều năm”, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nói thêm.
Về công tác di dời các bộ ngành, cơ sở y tế, giáo dục ra ngoại thành, UBND TP Hà Nội đánh giá là còn chậm, chưa đồng bộ. Quỹ đất sau di dời được sử dụng làm cơ sở 2 hoặc lập dự án đầu tư xây dựng kinh doanh, thương mại, không bàn giao cho Hà Nội quản lý, khai thác sử dụng để bổ sung hạ tầng xã hội, kỹ thuật cho địa phương. Đánh giá về vấn đề này, ông Tưởng Phi Chiến – nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, có một phần trách nhiệm của các cơ quan ở Trung ương làm chưa quyết liệt.
Hà Thanh/Tiền Phong