Siết chế tài, nâng trách nhiệm
Tăng cường huấn luyện kết hợp với kiểm tra, đánh giá thường xuyên là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Hà Nội. Ảnh: Kỳ thư |
Báo cáo về “Tình hình, kết quả tăng cường các biện pháp bảo đảm công tác phòng cháy và chữa cháy, ứng phó, khắc phục xử lý sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố”, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn xảy ra 411 vụ cháy; trong đó có 2 vụ cháy lớn, 7 vụ cháy nghiêm trọng làm 4 người chết, 9 người bị thương; thiệt hại ước tính trên 263 tỷ đồng và 1,8ha rừng. Ngoài ra, địa bàn thành phố còn xảy ra 2 vụ nổ, làm 5 người bị thương, gây thiệt hại 325 triệu đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã tích cực khắc phục hạn chế, yếu kém, tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về vấn đề này. Tuy nhiên, nêu rõ 5 hạn chế, tồn tại, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp. Công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, cơ sở còn sơ hở. Việc kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy còn chậm và sót lọt…
Mở đầu phần thảo luận, nhấn mạnh mức độ nguy hiểm của tình hình cháy, nổ, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố cho rằng, hiện nay, lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp còn nhiều khó khăn. Do đó, nếu không chuẩn bị tốt để thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” thì không thể ứng phó kịp thời khi xảy ra cháy, nổ. Giám đốc Công an thành phố cũng cho rằng, các biện pháp xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy phải nghiêm, quyết liệt hơn.
Cho rằng công tác phòng cháy, chữa cháy đã có chuyển biến tích cực thời gian qua, nhưng Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam nhận định, vẫn còn nhiều nơi chính quyền chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm; công an một số nơi cũng chưa làm hết trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xử lý nghiêm vi phạm để ngăn chặn cháy, nổ như thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện.
Phản ánh ý kiến từ cơ sở, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết, trên địa bàn quận có 350 ngõ nhỏ rất khó tiếp cận nếu xảy ra cháy, nổ. Đồng chí kiến nghị, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố giúp cho quận phương án ứng phó đối với những địa bàn này. Trong khi đó, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ, lực lượng tham gia chữa cháy rừng rất đông, nhưng trang bị còn yếu; hạ tầng để đưa phương tiện chữa cháy tiếp cận rừng cũng rất bất cập…
Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu
Trao đổi về vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, UBND thành phố đã đưa ra yêu cầu rất chặt chẽ là đối với các chủ đầu tư có công trình vi phạm về phòng cháy, chữa cháy mà chưa khắc phục thì không cấp chủ trương đầu tư dự án mới. Bằng cách này, thời gian qua, tiến độ khắc phục các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy đã được đẩy lên. Tuy nhiên, tình hình công tác này vẫn còn rất khó khăn. Đồng chí đề nghị, trước mắt các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra lại toàn bộ vật tư, trang bị liên quan cũng như các phương án, kế hoạch về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để khi phân công công việc là có thể triển khai thực hiện được ngay.
Kết luận hội nghị giao ban, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, nhờ sự tập trung, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn thời gian qua đã lan tỏa, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong xã hội. Đồng chí biểu dương UBND thành phố đã ban hành kế hoạch ứng phó với sự cố thiên tai, xác định 10 rủi ro có thể trở thành thảm họa từ đó đề ra giải pháp đề phòng, phổ biến cho cán bộ và nhân dân; HĐND thành phố đã tổ chức giám sát 3 kỳ liền về vấn đề phòng cháy, chữa cháy…
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đã có thời gian bị buông lỏng. Hiện nay, nguy cơ xảy ra cháy nổ vẫn rất cao, trong đó, trên 18,6% số cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ và còn 24% nhà ống kết hợp kinh doanh mặt tiền bị bịt kín, làm “chuồng cọp”. Nguyên nhân để xảy ra cháy, nổ có nhiều, nhưng lý do không kém phần quan trọng là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền còn hạn chế. “Chợ bị cháy thì phải xem xét công tác quản lý nhà nước hạn chế ở chỗ nào chứ không phải là đổ lỗi cho người dân” – đồng chí Hoàng Trung Hải nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, trong 3 năm gần đây, mỗi năm còn xảy ra trên 800 vụ cháy mà chưa có chiều hướng giảm là rất đáng lo ngại. Vấn đề là trong bối cảnh như vậy, nhiều hộ gia đình, cơ quan, đơn vị chưa có phương án phòng cháy, chữa cháy; khi xảy ra cháy, nhiều người chưa biết ứng phó ra sao, thoát hiểm theo lối nào. Như ý kiến của các đại biểu, việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, hộ gia đình chưa tốt. Việc xử lý vi phạm còn theo phong trào, làm ồ ạt một thời gian rồi lại chìm xuống. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chế tài xử lý vi phạm cũng chưa nghiêm…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ đạo, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố phải coi phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ quan trọng nhất vì đây là vấn đề liên quan đến tính mạng của người dân. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên phải xác định đây là nhiệm vụ của mình; chủ động tuyên truyền thường xuyên, phổ biến sâu về phòng cháy, chữa cháy; phân công rõ trách nhiệm từng cấp, từng người.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của phương châm “4 tại chỗ”, đồng chí Bí thư Thành ủy cho rằng, lực lượng tại chỗ hiện nay có số lượng đông, chẳng hạn có hơn 18.200 đội phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở với 156.000 hội viên cùng hàng nghìn đội dân phòng… Do vậy, phải phát huy được lực lượng này, khắc phục tính hình thức; trọng tâm là tăng cường tập huấn, huấn luyện kết hợp với kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Đồng chí cũng lưu ý cần sớm thành lập các đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành tại 6 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Đồng chí Hoàng Trung Hải chỉ đạo, các cơ quan chức năng thành phố phải tăng cường công tác xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; áp dụng biện pháp cưỡng chế nghiêm minh. Đồng chí lưu ý, tất cả nhà chung cư trước khi đưa dân vào ở phải được kiểm tra đủ điều kiện an toàn; các cơ quan có trách nhiệm như Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phải ký vào biên bản nghiệm thu. “Những nguy cơ mất an toàn như cháy, nổ rình rập chúng ta hằng giờ, hằng giây. Nên ngoài các biện pháp của các cơ quan chức năng, từng cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, từng gia đình hộ dân phải chủ động xây dựng phương án chữa cháy cho mình. Mỗi thành viên trong gia đình phải nắm chắc những chi tiết cần thiết như chìa khóa để ở đâu, khi xảy ra cháy thì chạy đường nào…” – Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Liên quan đến công tác cứu nạn, cứu hộ, đồng chí Hoàng Trung Hải chỉ đạo, các cấp, các ngành tiếp tục rà soát công trình hồ chứa nước, các tuyến đê nhất là các điểm xung yếu để có biện pháp chủ động phòng ngừa, khắc phục sự cố.
Cốt lõi là ý thức trách nhiệm
6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 411 vụ cháy làm 4 người chết, 9 người bị thương; thiệt hại ước tính trên 263 tỷ đồng và 1,8ha rừng… Đó là những con số được đưa ra tại hội nghị giao ban trực tuyến quý II – 2018 giữa Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã tổ chức ngày 10-7. Cùng với vấn đề cấp nước sạch và tình hình tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của thành phố; công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn là vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận.