10/07/2018

Sắc xanh đô thị: Yếu tố cần thiết tạo không gian xanh

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, không gian đô thị ngày càng chật chội thì nhu cầu tận hưởng những không gian công viên cây xanh của cư dân đô thị đang ngày càng cấp thiết. Nhất là mấy ngày qua, tình trạng nắng nóng đỉnh điểm đã khiến Thủ đô Hà Nội hầm hập hơn chảo lửa. Giữa cái oi bức, ngột ngạt mới thấy cần lắm những hàng cây xanh, những không gian thoáng mát để xoa dịu sức nóng như thiêu đốt của mùa hè.


Bên cạnh không gian cây xanh, nhiều khu nhà cũng chỉ dành một diện tích khiêm tốn cho không gian công cộng như khu vui chơi cho trẻ em…

Không gian xanh đô thị chiếm tỷ lệ rất ít

Thực tế tại các khu chung cư hiện hữu trong các quận nội thành phát triển, hệ thống mảng xanh, công viên khu ở đang bị thiếu trầm trọng. Tốc độ đô thị hóa quá nhanh trong giai đoạn trước đây ở các khu vực chưa có quy hoạch đô thị đã hình thành các khu dân cư phát triển tự phát với mật độ cư trú dày đặc nhưng thiếu các khoảng không gian xanh, không gian công cộng. Điều này dẫn đến chất lượng sống thấp, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển kinh tế – xã hội và ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và tinh thần của người dân.

Trong khi đó, ở các dự án khu dân cư mới, trước đây chủ đầu tư thường chỉ tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật mà chưa chú trọng đầu tư xây dựng các khu công viên cây xanh theo quy hoạch. Điều này làm cho dự án kém hấp dẫn người dân và gặp khó khăn trong việc phát triển, hình thành khu dân cư có chất lượng sống tốt.

Theo chuyên gia Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), phát triển đô thị xanh là giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị. Trong các tiêu chí về đô thị xanh, tiêu chí về chỉ tiêu diện tích cây xanh đô thị là tiêu chí hướng tới đô thị xanh có hiệu quả cao nhất để tạo nên đô thị xanh. Tỷ lệ cây xanh đô thị hiện nay là 2 – 3m2/ người, trong khi chỉ tiêu cây xanh tối thiểu của Liên Hợp quốc là 10m2/người và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới là 20 – 25m2/người. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ cây xanh đô thị ở Việt Nam chỉ bằng 1/5 – 1/10 so với tiêu chuẩn thế giới. Chính vì thế, quỹ đất vốn có của Việt Nam đang bị lạm dụng rất lãng phí, nếu tính đến vấn đề lâu dài, vô hình chung sẽ khiến môi trường sống bị phá vỡ…

Phát triển không gian xanh là xu hướng tất yếu

Trong xu thế tất yếu của đô thị hóa, sắc xanh của cây cối được đánh giá là yếu tố vô cùng cần thiết. Mấu chốt vấn đề nằm ở định hướng quy hoạch các “khối bê tông cứng nhắc” trở thành BĐS xanh bền vững.

Hiện các nước trên thế giới đều nhận thức rõ và dành sự ưu tiên trong việc định hướng BĐS xanh ứng phó với biến đổi khí hậu bằng việc quy hoạch, xây dựng các khu đô thị xanh hay khu đô thị thân thiện. Với mô hình này, không gian xanh là không gian của từng ngôi nhà, từng căn hộ. Ngay cả trong các khu vực mật độ dân cư cao, khoảng không gian cây xanh, cảnh quan nằm trong lõi nhà hay đan xen liên tục từng tiểu khu ở vẫn được thiết lập. Sắc xanh vừa giảm nhiệt nắng nóng, tái thiết sự trong lành cho chính khu đô thị lẫn không gian lân cận.

Nhưng tại Việt Nam, theo các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc nhận định thì, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn ít vì gặp nhiều rào cản, không gian đô thị thiếu khoảng xanh còn hiện hữu do không có sự nghiên cứu tổ chức về bố cục của nhiều tòa nhà cao tầng; quy hoạch xây dựng “ăn xổi ở thì”. Định nghĩa “xanh” vẫn được hiểu và thực hiện theo cách phiến diện ở việc trồng lèo tèo một vài cây xanh, hồ nước chứ chưa tổng thể vật liệu xanh, năng lượng sạch.

Ví như tại KĐT kiểu mẫu Linh Đàm một thời được người dân mong ước được sống tại đây vì có không gian cây xanh, mặt nước, không khí thoáng đãng. Nhưng vài năm trở lại đây thì KĐT này lại bị “băm nát” với những tòa nhà chung cư mọc lên san sát nhau (không cần phải nói thì ai cũng biết) chệch quy chuẩn, làm hỏng quy hoạch của KĐT, dẫn tới diện tích đường giao thông, bãi đỗ xe, công viên cây xanh ngày một giảm xuống, gây sức ép lớn lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của Linh Đàm. Đây chính là nguyên nhân cho câu chuyện ùn tắc, bụi bặm, mất cây xanh.

Từ câu chuyện về những tòa nhà có mật độ xây dựng chệch các loại chuẩn trên, nhiều ý kiến cho rằng giờ là lúc các DN BĐS phải có trách nhiệm, nghĩa vụ, tư duy làm BĐS bên cạnh các quy định của pháp luật. Và trên thực tế, cũng đã có nhiều DN tiên phong trong đầu tư xây dựng các công trình xanh như Viglacera, Cty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng…

Chuyên gia Đặng Hùng Võ cho rằng, các đô thị ở Việt Nam đang phát triển theo chiều hướng mở rộng không ngừng, nhưng lại phát triển với tiêu chí chung là mật độ thấp, dân cư dàn trải, tiêu thụ tài nguyên và ưu tiên phát triển kinh tế bằng mọi giá. Do đó hầu hết các mô hình quy hoạch xây dựng đô thị đều dựa trên quy hoạch phân khu chức năng và quy hoạch sử dụng đất chức năng dẫn đến lãng phí tài nguyên đất, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới hệ sinh thái.

Trong tương lai, nếu các đô thị vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn phát triển theo hướng trên thì kết quả sẽ tạo nên những đô thị kém bền vững, tiêu tốn năng lượng, môi trường sống bị phá vỡ. Để phát triển đô thị bền vững, hiệu quả, tránh tình trạng bê tông hóa thì nhất thiết phải phát triển đô thị theo tiêu chí xanh, là xu hướng tất yếu của các đô thị mà các nước trên thế giới đã và đang hướng tới…

Linh Đan/BXD