10/07/2018

Quy hoạch đô thị lộn xộn vào ‘tầm ngắm’ của đoàn giám sát Quốc hội

Quốc hội sẽ giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trên phạm vi cả nước.

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 61 về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”.

Theo đó, Đoàn giám sát sẽ do ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn giám sát cùng với 9 thành viên khác thuộc các đơn vị có liên quan của Quốc hội.

Mục đích thành lập đoàn giám sát về đất đai của Quốc hội là nhằm xem xét, đánh giá việc ban hành văn bản, quy phạm pháp luật, tổ chức thực hiện về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị theo Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Quy hoạch đô thị lộn xộn vào ‘tầm ngắm’ của đoàn giám sát Quốc hội
Quốc hội sẽ giám sát việc quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quản lý, sử dụng đất đai (Ảnh minh họa/ Lê Anh Dũng)

Đoàn sẽ giám sát việc tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ tháng 7/2014 đến hết năm 2018.

Giám sát, việc ban hành và triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị theo quy định của Luật đất đai 2013. Rà soát các quy định của pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc, những vấn đề cần sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan.

Đoàn giám sát sẽ tổ chức các Đoàn công tác để tiến hành giám sát tại một số địa phương, cơ sở về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Đoàn giám sát làm việc với đại diện Chính phủ, Bộ, ngành, các cơ quan có liên quan về nội dung chuyên đề giám sát.

Trong khi đó Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ các địa phương Đoàn giám sát có tổ chức Đoàn công tác đến làm việc) tiến hành giám sát tại các địa phương và gửi báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát theo yêu cầu cụ thể của Đoàn giám sát.

Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát sẽ đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, khó khăn vướng mắc; Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất. Đồng thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện nghiêm, có hiệu quả chính sách pháp luật về quy hoạch và sử dụng đất đai trên phạm vi toàn quốc.

Theo kế hoạch hành động của Đoàn giám sát, trước tháng 10/2018, Đoàn giám sát sẽ xây dựng đề cương báo cáo để các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo, gồm Chính phủ, các bộ ngành hữu quan, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương… Việc xây dựng kế hoạch giám sát chi tiết sẽ được ban hành chậm nhất là ngày 15/9/2018.

Giai đoạn từ tháng 12/2018 đến hết tháng 3/2019, Đoàn giám sát sẽ làm việc với Chính phủ, bộ ngành, các địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan tổng hợp báo cáo các cơ quan chịu sự giám sát. Đến tháng 3-4/2019, Đoàn xây dựng dự thảo báo cáo kết quả và công bố.

Kết quả giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2019; báo cáo để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 7.

Trước đó, ngày 15/6 báo cáo giải trình về dự thảo Nghị quyết, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, một số ý kiến đề nghị nên giám sát quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại các đô thị trực thuộc trung ương, tại 3 khu vực chuẩn bị làm đặc khu kinh tế. Bổ sung nội dung giám sát về việc đầu cơ đất đai, việc nước ngoài mua đất thông qua người Việt Nam, bổ sung vấn đề quy hoạch treo, đất đã giao nhưng sử dụng sai mục đích…

Hồng Khanh/Vietnamnet