TPHCM: Nhiều bất cập trong quản lý dẫn đến sai phạm về đất công
Nhiều đại biểu HĐND TPHCM đánh giá, hiện tồn tại nhiều bất cập trong quản lý dẫn đến sai phạm về sử dụng nhà đất.
Trong cuộc giám sát của HĐND TPHCM diễn ra ngày 30/6, nhiều đại biểu đánh giá thực trạng quản lý nhà, đất công tại thành phố còn nhiều điểm bất cập, xử lý không quyết liệt, dứt điểm. Lãnh đạo thành phố cũng thẳng thắn thừa nhận có sự lãng phí, thất thoát, thậm chí sai phạm trong công tác này. Đâu là giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này?
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, thời gian qua thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra 10 công ty, tổng công ty nhà nước, phát hiện 112 địa chỉ sử dụng sai mục đích, bỏ trống hoặc cho thuê lại nhà đất sai phạm.
Giai đoạn 2016-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện 99 mặt bằng sai phạm; đã xử phạt, kiến nghị xử lý thu hồi tiền, tài sản về ngân sách nhà nước gần 11,5 tỉ đồng. Giai đoạn 2003-2010, thành phố đã thu hồi hủy bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất với 87 dự án, tổng diện tích 1.159 ha; giai đoạn 2011-2015 là 90 dự án với tổng diện tích 1.657 ha. Về đấu giá sử dụng đất, từ năm 2012-2017, thành phố đã tổ chức bán đấu giá 20 khu đất với tổng diện tích gần 14 ha, thu ngân sách hơn 3.915 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM nhìn nhận, trong thời gian qua, nhiều mặt bằng do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước đã được giao quản lý sử dụng nhưng lại bố trí cho cán bộ, công nhân viên ở, cho thuê, hợp tác kinh doanh sai mục đích, trái quy định.
Việc sắp xếp, sử dụng để khai thác hiệu quả tài nguyên đất còn chậm, nhiều trường hợp đã được sắp xếp nhưng chưa đưa vào khai thác đúng tiến độ, quy hoạch và chức năng.
“Trong nhóm nhà đất công, Sở đã rà soát việc sử dụng, ký hợp đồng, cấp giấy chứng nhận và thu hồi các mặt bằng sử dụng sai. Đồng thời công khai quy hoạch sử dụng đất của thành phố đến năm 2020 để người dân và các tổ chức khác giám sát và thực hiện quản lý chặt chẽ”, ông Thắng cho biết.
Nhiều đại biểu HĐND thành phố đánh giá, hiện tồn tại nhiều bất cập trong quản lý dẫn đến sai phạm về sử dụng nhà đất. Ông Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM cho biết, giá cho thuê nhà công hiện nay mỗi đơn vị làm một kiểu. Có nơi áp dụng theo đơn giá của thành phố ban hành từ năm 1994, nơi thì áp theo giá thị trường, có nơi lại tiến hành đấu giá, dẫn đến thiếu sự thống nhất và dễ phát sinh tiêu cực.
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải cho rằng, hiện nay có nhiều đầu mối khiến cho công tác quản lý nhà đất công kém hiệu quả. Những sai phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất công đã được chỉ ra nhưng thành phố chưa có giải pháp quyết liệt.
Nhận định về việc này, ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận TQVN TPHCM cho rằng, việc xử lý bằng cách thu hồi tiền nhưng không phải chỉ là thu hồi tiền, vấn đề là những cán bộ, đơn vị quản lý làm sai sẽ phải xử lý như thế nào? Đây là vấn đề mà Uỷ ban Mặt trận TQVN thành phố nhận được nhiều đơn thư khiếu nại nhất.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến thẳng thắn chỉ ra những điểm hạn chế, dẫn đến sai phạm về nhà đất công trong thời gian qua là công tác quản lý, sử dụng nhà đất không chặt chẽ, xử lý không nghiêm. Thậm chí có đơn vị còn có biểu hiện khoán trắng, tùy tiện trong việc chuyển nhượng, cho thuê.
Bên cạnh đó, việc chậm triển khai quy hoạch đã dẫn đến tình trạng lấn chiếm, sai phạm trong quá trình giao đất dẫn đến khiếu nại của dân. Để tránh tình trạng này, ông Tuyến cho rằng trước khi giao đất cho các chủ đầu tư phải tìm hiểu kỹ năng lực và có cách kiểm soát chặt chẽ.
Theo ông Tuyến, quản lý đất đai là quá trình lịch sử, càng sửa càng bộc lộ thời gian trước còn hạn chế, gây bức xúc xã hội. Đây là một thực tế, nếu không sửa mà bảo thủ thì người dân, doanh nghiệp sẽ khổ.
“UBND thành phố có trách nhiệm tăng cường quản lý chặt chẽ các quỹ đất, có cơ chế giám sát việc kê khai và đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu. Phải nâng cao năng lực điều hành của UBND thành phố về quản lý tài nguyên đất”, ông Tuyến nói.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, quản lý đất đai còn buông lỏng, tính kỷ cương chưa tốt, thiếu thống nhất là hạn chế kéo dài cần chấn chỉnh, nếu không sẽ thất thoát, lãng phí rất đáng tiếc, gây bức xúc trong nhân dân. Về việc này, bà Tâm yêu cầu UBND thành phố phải thanh tra, kiểm tra để làm rõ do khách quan nhận thức của cán bộ, quy định pháp luật không đầy đủ hay có tiêu cực, lợi ích cá nhân.
“Phải quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo đúng quy định, chặt chẽ, đúng với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn thành phố, đặt lợi ích của quốc gia, của nhân dân trên hết trong quá trình quản lý, sử dụng nhà đất. Thực sự tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy dân chủ và công khai trong quản lý nhà đất trên địa bàn thành phố”, bà Tâm nói.
TPHCM là đô thị đặc biệt, tốc độ phát triển nhanh chóng, do đó thành phố đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư và phát triển đô thị cũng như giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Lãnh đạo thành phố cần vào cuộc quyết liệt, giải quyết triệt để việc lãng phí, sai phạm trong quản lý và sử dụng nhà đất công để tạo nguồn lực phát triển, đồng thời khiến người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền thành phố./.
Duy Phương/VOV-TPHCM