Mới cải tạo được 26 trong số 1.579 chung cư cũ ở Hà Nội
Đại diện UBND TP Hà Nội cho hay dự án quy hoạch và cải tạo chung cư cũ của TP hiện nay chậm tiến độ do đang gặp khó khăn, thiếu cơ chế đặc thù.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri TP Hà Nội mới đây, trả lời câu hỏi của cử tri liên quan đến dự án cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội hiện nay, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội cho biết hiện nay TP đang gặp khó khăn trong vấn đề triển khai khiến dự án chậm tiến độ.
Ông Sửu cho biết: “Hiện nay, dự án cải tạo chung cư cũ, UBND TP mới thực hiện cải tạo được 26 chung cư theo khung quy hoạch trong số 1.579 chung cư cũ và đã giao cho 19 đơn vị thực hiện. Thực tế, dù UBND TP đã có chỉ đạo rất sát sao nhưng dự án vẫn còn quá chậm. Hiện UBND TP cũng đã phê duyệt được khoảng 20 dự án trong quy hoạch chi tiết 1/500, thời gian sắp tới sẽ triển khai thêm”.
Về nguyên nhân chậm tiến độ, ông Sửu cho biết là do Hà Nội không có cơ chế đặc thù để thực hiện, trong khi cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội là công việc phức tạp và không phải nhà đầu tư nào cũng mặn mà với dự án này.
Ông Sửu dẫn chứng: “Hiện nay vướng mắc vẫn là do cơ chế. Vì một chung cư cao tầng đập đi nhưng lại không có một nhà đầu tư nào chịu đầu tư để xây dựng lại do vừa mất thời gian mà lại không có lãi nhiều. Trong khi đó, ngân sách thì nhà nước thì không thể kham được.
Bên cạnh đó, vẫn còn vướng thêm một cái nữa là có những khu thì không thể xây dựng lên 19 – 20 tầng được, mà phải tùy vào từng địa điểm và phải tuân theo quy hoạch chung mà Chính phủ đã phê duyệt.
Do đó, vướng mắc ở đây là do cơ chế, vấn đề này đòi hỏi Chính phủ phải cho Hà Nội một cơ chế đặc thù thì mới triển khai được”.
Theo vị Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội, nếu được hưởng cơ chế đặc thù trong cải tạo chung cư cũ, các dự án có thể đẩy nhanh tiến độ và hoàn toàn khả thi.
Ông Sửu lấy dự án cải tạo chung cư cũ Nguyễn Công Trứ để làm ví dụ cho việc này.
“Ví dụ như chung cư Nguyễn Công Trứ, trước đây có 4 tầng, xây dựng từ những năm 1960. Vừa rồi cải tạo, làm lại mới bằng tòa nhà 19 tầng thì nhà đầu tư họ hoàn toàn chịu được vì khả thi và người dân vẫn còn có thể tái định cư. Tôi nghĩ nên cho Hà Nội làm theo cách này”, ông Sửu nói.
Theo thống kê, Hà Nội hiện đang có khoảng 42 chung cư ở 5 quận được đánh giá cấp độ nguy hiểm trong đó có 39 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ C, 1 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ B, 2 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ D cần phải di dân gấp. Ngoài ra, còn hàng trăm khu chung cư khác đã xuống cấp cần phải cải tạo.
Tháng 4/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo TP về cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ trên địa bàn.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội như: Nghiên cứu đề xuất Thành ủy, HĐND TP, UBND TP những cơ chế chính sách và giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư trên địa bàn TP giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2025 phù hợp với yêu cầu của pháp luật và thực tiễn.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn có nhiệm vụ thực hiện đồng bộ công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP, kiểm tra, theo dõi đôn đốc, chấn chỉnh những sai sót, kịp thời giải quyết, xử lý các nhà nguy hiểm, các khu chung cư cũ xuống cấp…
L.Thuỷ/VTC News