Đã đến thời lên ngôi của bất động sản miền Trung?
Tưởng chừng như sự trầm lắng của thị trường nhà đất Đà Nẵng trong những ngày qua sẽ làm giảm sức nóng bất động sản cả khu vực miền Trung, nhưng không, sự trầm lắng mang tính tạm thời ấy đã và đang tạo cơ hội mới để thị trường bất động sản các địa phương tỉnh lẻ bứt lên.
Sốt đất tỉnh lẻ
Một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ cho biết vị thế của bất động sản miền Trung hiện nay đang lên rất cao. Điều này đang dẫn đến việc dòng tiền của các nhà đầu tư trước đây vốn chỉ tập trung tại hai đầu Hà Nội, Sài Gòn hay Đà Nẵng, Nha Trang, thì nay chuyển dần sang các địa phương khác tại miền Trung như Quảng Nam, Quảng Bình, Phú Yên, Bình Định…những địa phương có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng biển.
Sự phát triển của du lịch đã góp phần kéo nhà đầu tư đến với các địa phương miền Trung đối với lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng. |
Có thể dẫn chứng điều này qua cơn sốt đất diễn ra mới đây tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Vào ngày 2/6 vừa qua, UBND TP Tuy Hòa tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng 64 lô đất ven biển ở khu dân cư thuộc phường Phú Đông. Phiên đấu giá thu hút đến gần 2.700 hồ sơ bỏ giá mua đất và được xem là phiên đấu giá đất có số lượng hồ sơ tham gia nhiều kỷ lục từ trước đến nay ở Phú Yên.
Theo công bố của công ty tổ chức phiên đấu giá, hầu hết giá trúng mua các lô đất đều cao gấp 3-5 lần so với giá khởi điểm. Các lô đất có giá khởi điểm 360 triệu đồng/lô 100 m2, người trúng đấu giá nâng lên 1,2-1,3 tỉ đồng, nhiều lô được đẩy lên trên 1,5 tỉ đồng. UBND TP Tuy Hòa cho biết ban đầu thành phố dự kiến thu khoảng 24 tỉ đồng từ việc bán đấu giá 64 lô đất trên. Tuy nhiên, với kết quả đấu giá như trên, ngân sách nhà nước thu được gần 100 tỉ đồng.
Hay tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình – địa phương được mệnh danh là “vương quốc hang động thế giới” có số lượng du khách đến tham quan trong năm lên đến 3 triệu lượt (gần gấp 4 lần dân số tỉnh này), sự phát triển bùng nổ của du lịch đã kéo theo sự có mặt của hàng loạt đại gia bất động sản, nổi bật như Vingroup, FLC, First Real…với những dự án lớn như Vincom Đồng Hới, Tổ hợp nghỉ dưỡng giải trí sân golf FLC, dự án Bảo Ninh Sunrise…
Cũng như các địa phương khác, thị trường bất động sản Đồng Hới trước đây chỉ gói gọn trong phạm vi các khách hàng địa phương thì nay đã thu hút sự có mặt của rất nhiều nhà đầu tư đến từ Hà Nội, TP. HCM. Điều này khiến giá đất tại đây tăng lên nhanh chóng khoảng nửa năm trở lại.
Giải thích về việc luân chuyển dòng vốn này, ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Protech cho biết:“ Du lịch phát triển sẽ giúp cho việc đầu tư, vận hành khai thác các khách sạn, căn hộ khách sạn, biệt thự được hiệu quả hơn. Từ đó, dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản được thúc đẩy, tạo ra động lực cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản.”
Đâu là lý do?
Không chỉ được tác động từ sự phát triển của lĩnh vực du lịch, sự phát triển của bất động sản miền Trung thời gian gần đây có tác động rất lớn từ các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch không gian đô thị của các địa phương.
Theo ông Nguyễn Hào Hiệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc First Real, trước đây chính quyền các địa phương chú trọng vào đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực trung tâm các đô thị thì nay quy hoạch dần được dịch chuyển về những khu vực ven các thành phố, thị xã. Bởi nơi đây có quỹ đất rộng, đồng thời có nhiều cơ hội để xây dựng quy hoạch không gian đô thị mới được hoàn chỉnh và tốt hơn quy hoạch cũ. Cùng với đó là sự tham gia của những nhà đầu tư tên tuổi đã dần làm thay đổi tư duy “an cư” của người dân, kéo người dân từ thói quen ở trung tâm chật chội ra các khu vực vùng ven được quy hoạch tốt hơn, bài bản hơn, chất lượng cuộc sống cao hơn.
Thị trường bất động sản các địa phương miền Trung đang trong giai đoạn tăng tốc nhờ các chính sách về phát triển hạ tầng đô thị của các địa phương. |
Ông Hiệp đưa ra dẫn chứng tại khu vực đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, nơi vốn được xem là vùng ven cửa ngõ phía Nam Đà Nẵng.
Với lợi thế quỹ đất rộng lớn, bằng phẳng, cùng với đó là chính sách dịch chuyển không gian đô thị của tỉnh Quảng Nam về đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc nhằm tạo ra cực tăng trưởng mới, nơi đây nhanh chóng trở thành “tâm điểm” của thị trường bất động sản Việt Nam.
Ông Hiệp nhấn mạnh thêm cho biết, nhờ công tác quảng bá xúc tiến đầu tư được thực hiện tốt hơn nên hiện nay Miền Trung đang lọt vào tầm ngắm của rất nhiều nhà đầu tư quốc tế. Riêng năm 2017, thu hút FDI của Miền Trung đạt 3,5 tỷ USD, tăng 500 lần so với năm 2016.
“Năm 2018, vốn FDI vào các địa phương miền Trung được dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa. Trong đó, vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh với nhiều dự án mới như Laguna Lăng Cô giai đoạn 2 (TT- Huế), Nam Hội An (Quảng Nam), Dowha (Quảng Bình)…và vượt qua cả mức của năm 2017 nhờ những thay đổi điều chỉnh về Luật Đầu tư cũng như Luật Kinh doanh bất động sản đi vào thực thi. Với những lí do trên, tôi tin rằng bất động sản miền Trung sẽ tiếp tục trở thành “tâm điểm” mới của bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới”, ông Hiệp nhận định.