Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và quy hoạch tỉnh: Nội hàm khác nhau
Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 01/01/2019, có ảnh hưởng tác động đến nhiều luật, nghị định hiện hành. Chính vì vậy, Quốc hội đang lấy ý kiến cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch.
Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã chia sẻ với Báo điện tử Xây dựng quan điểm về việc có cần thiết phải sửa đổi các quy định về quy hoạch xây dựng trong Luật Xây dựng do liên quan đến Luật Quy hoạch hay không?
Nội hàm quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng tỉnh khác nhau.
Quốc hội đã ban hành Luật Xây dựng. Đây là công cụ rất quan trọng để tiến hành công tác quy hoạch xây dựng trên toàn quốc, trong đó có quy hoạch xây dựng đô thị.
Ngay từ Luật Xây dựng năm 2003, tại chương 2 về quy hoạch xây dựng đã quy định các nội dung quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Năm 2009, một phần nội dung quy hoạch đô thị đã đưa được Luật Quy hoạch đô thị, trong Luật Xây dựng còn nội dung quy hoạch vùng, quy hoạch các điểm dân cư nông thôn…
Năm 2014, Luật Xây dựng sửa đổi được ban hành và hiện đang có hiệu lực. Luật Quy hoạch đô thị cũng đang được triển khai rất tốt, là công cụ đắc lực cho công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị đúng với yêu cầu phát triển đất nước.
Luật Quy hoạch được ban hành năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, tác động đến nhiều luật hiện hành. Vì vậy, Quốc hội đang bàn việc xây dựng dự án luật để sửa đổi các luật có liên quan, trong đó có Luật Xây dựng. Bởi Luật Xây dựng vẫn còn có nội dung về quy hoạch vùng và quy hoạch các điểm dân cư nông thôn.
Vấn đề cần làm rõ ở đây là nội dung quy hoạch tỉnh trong Luật Quy hoạch và quy hoạch vùng tỉnh trong Luật Xây dựng. Theo tôi, đây là 2 quy hoạch khác nhau, đề cập đến 2 nội hàm khác nhau. Nói đến quy hoạch tỉnh trong Luật Quy hoạch là đề cập đến quy hoạch vấn đề phi vật thể. Đấy chỉ là con số, như chỉ số GDP, chỉ số phát triển của tỉnh, các chỉ số dân số, lao động, nông nghiệp, lâm nghiệp, hải sản…
Còn quy hoạch xây dựng trong Luật Xây dựng, bao gồm quy hoạch vùng tỉnh, hoặc quy hoạch vùng liên tỉnh, quy hoạch cụm dân cư nông thôn là tổ chức không gian, hay nói cách khác là quy hoạch vật thể. Vật thể ở đây là các điểm đô thị, hệ thống đô thị và các điểm dân cư, các khu công nghiệp, khu chức năng đô thị, cảnh quan đô thị…
Quy hoạch xây dựng còn liên quan đến tổ chức kết cấu hạ tầng, giao thông, cấp điện, cấp nước, rác thải, nghĩa trang… Hay trong quy hoạch đô phải xác định tính chất đô thị như thế nào, quy mô phát triển, định hướng phát triển không gian, quy định tầng cao, khích thước, khối tích và phần ngầm của công trình ở các khu vực trong đô thị… Các nội dung này không thể tích hợp trong quy hoạch tỉnh chung chung được, mà phải nằm riêng trong quy hoạch xây dựng.
Tất cả các đô thị trên thế giới đều triển khai quy hoạch xây dựng, nhằm kiểm soát quá trình phát triển đô thị. Ví dụ, nước pháp có quy hoạch xây dựng vùng Ile-de-France với trung tâm hành chính của vùng là Thủ đô Paris.
Tương tự, nước Anh có vùng đại đô thị London, nước Nhật có vùng thủ đô Tokyo, Hàn Quốc có vùng Thủ đô Seoul. Việt Nam có vùng TP Hồ Chí Minh, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Cửu Long.
63 tỉnh, thành đều có quy hoạch xây dựng vùng tỉnh. Quy hoạch vùng tỉnh này tích hợp rất khoa học tất cả các ngành, dựa trên dự báo phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương. Như vậy, quy hoạch xây dựng sao có thể tích hợp vào quy hoạch tỉnh được?
Vì như tôi vừa đề cập, quy hoạch tỉnh chỉ là quy hoạch phi vật thể, với số liệu là chính. Các chỉ số phát triển chứ không thể làm rõ được các nội dung mà quy hoạch xây dựng đề cập.
Tôi chưa nhìn thấy một bản đồ, hay một đồ án nào mà quy hoạch tích hợp một tỉnh hay một vùng tỉnh cả. Không ai trên thế giới có thể làm được bản đồ quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch liên tỉnh, bởi vì bản vẽ không thể tích hợp được tất cả mọi thứ.
Lâu nay chúng ta có quy hoạch kinh tế ngành, quy hoạch xây dựng riêng, nay nếu tích hợp trong một đồ án thì không thể. Hơn nữa, ký hiệu từng bản đồ cũng khác nhau. Nếu tích hợp tất cả các quy hoạch ở trong một bản đồ chung trong quy hoạch tỉnh thì tôi nghĩ chẳng có một hệ thống quy chuẩn nào có thể vẽ thể hiện được hết tất cả các chỉ dẫn.
Việt Nam cũng chưa có trường nào đào tạo được cán bộ có thể làm được tất cả những quy hoạch tích hợp đó trong quy hoạch tỉnh. Chúng ta cũng không biết học ở đâu vì thế giới cũng không làm thế.
Hiện nay hệ thống đồ án quy hoạch xây dựng của Việt Nam rất rõ, gồm quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị. Đối với đô thị, Việt Nam có hệ thống tiêu chí phân loại đô thị gồm đô thị đặc biệt, đô thị loại I, II, III, IV và loại V.
Thực tiễn cho thấy chúng ta đang triển khai hiệu quả quy hoạch xây dựng nhằm định hướng phát triển không gian cho các khu đô thị, các khu công nghiệp, của các điểm dân cư, cũng như xác định các hệ thống hành lang kỹ thuật…
Căn cứ các đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt, các địa phương kêu gọi đầu tư. Và các nhà đầu tư nhìn vào các đồ án quy hoạch xây dựng để ra quyết định đầu tư.
Đồ án quy hoạch xây dựng đồng thời là công cụ quan trọng nhằm quản lý đầu tư xây dựng, qua đó chính quyền địa phương kiểm soát được quá trình phát triển. Chính vì vậy, theo tôi, chẳng có lý do gì để tích hợp quy hoạch xây dựng vào quy hoạch tỉnh.
Quy hoạch tỉnh không thể đề cập được cụ thể các nội dung như quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, nông thôn. Các nội dung này phải nằm ở quy hoạch xây dựng.
Thế giới cũng làm thế. Chúng ta cần phải xem xem tính khoa học và tính thực tiễn của từng loại quy hoạch, đồng thời xem xét kinh nghiệm quốc tế của từng loại quy hoạch.
Tôi rất mong Quốc hội xem xét và nhìn nhận quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và quy hoạch tỉnh là 2 quy hoạch khác nhau. Và cần phải có song song tồn tại 2 quy hoạch để phục vụ phát triển đất nước.
Nói cách khác là không bỏ, không thay đổi chương về Quy hoạch xây trong dựng Luật Xây dựng; Không tích hợp nội dung quy hoạch xây dựng trong quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, chúng ta có thể xem xét, kiểm tra lại nội dung của chương Quy hoạch xây dựng, điều gì chưa chuẩn thì sửa đổi, bổ sung để các quy định này hoàn thiện, tốt hơn.
Trần Ngọc Chính/BXD