29/05/2018

Sắp có giải pháp ngăn tình trạng bong bóng bất động sản

Bộ Xây dựng đang lập đề án “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản…” để báo cáo Chính phủ trong quý II/2018.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây, những tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản (BĐS) cả nước vẫn duy trì mức độ phát triển ổn định. Thị trường BĐS tháng 4/2018 có biến động nhẹ, lượng giao dịch giảm so với tháng 3/2018, giá cả ít biến động so với tháng liền kề.

Chưa đánh giá được “bong bóng BĐS”

Số liệu báo cáo của một số chủ đầu tư và sàn giao dịch BĐS cho thấy, tại Hà Nội, tháng 4/2018 có khoảng 1.250 giao dịch thành công, giảm khoảng 3,8% so với tháng 3/2018; tính chung 4 tháng đầu năm 2018 có 5.250 giao dịch thành công.

Tại TP Hồ Chí Minh, trong tháng 4/2018 có khoảng 1.450 giao dịch thành công, giảm khoảng 6,5% so với tháng 3/2018; 4 tháng đầu năm 2018 có 6.000 giao dịch thành công.

Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản không có biến động nhiều, nhưng tại các khu vực ven đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, đặc biệt tại một số đặc khu kinh tế, việc buôn bán, chuyển nhượng đất nền diễn ra rất phức tạp.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các địa phương nắm bắt tình hình và kịp thời báo cáo. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo và giao cho ba địa phương: Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang có giải pháp kiên quyết ngăn chặn tình trạng mua bán đất, xây dựng trái phép diễn ra tại những khu vực này.

Nhận định về thị trường bất động sản liệu có xảy ra “bong bóng” trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng rất khó kết luận ở thời điểm này vì phải tiến hành rà soát, xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau từ số lượng giao dịch, biến động giá cả từng phân khúc, mức đầu tư…

Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, thị trường BĐS thường diễn biến theo chu kỳ, suy thoái rồi đến khôi phục, phát triển nóng rồi lại suy thoái.

Hiện Chính phủ cũng đang giao Bộ xây dựng nghiên cứu vấn đề này và sẽ báo cáo trong quý II/2018 nhằm đưa ra các giải pháp kịp thời, không để tình trạng bong bóng xảy ra.

Khó vốn ưu đãi cho nhà ở xã hội

Đề cập tới vấn đề nhà ở xã hội, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng từ khi Luật Nhà ở năm 2014 được ban hành, cơ chế chính sách để phát triển nhà ở tương đối đồng bộ. Nhà ở xã hội đối với người có công với cách mạng hiện đã giải quyết được toàn bộ số vốn hơn 8.000 tỷ đồng cho hơn 300 nghìn hộ và phấn đấu trong năm 2018 sẽ hoàn thành theo đúng Nghị quyết 63 của Chính phủ.

Tuy nhiên, một số chương trình như hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, nhà ở xã hội tại khu vực đô thị hay công nhân ở khu công nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sau khi Nhà nước chuyển sang Nghị quyết 33 chỉ còn cho vay, chứ không được hỗ trợ nên số lượng hộ nghèo được hưởng chính sách này đã giảm đi rất nhiều.

Đặc biệt, sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, chưa có khoản ngân sách hỗ trợ nào cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại cũng như ngân hàng xã hội để triển khai cho vay.

Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã cấp 1.200 tỷ đồng so với nhu cầu là 9.000 tỷ đồng, chỉ mới đạt 13%. Chỉ mới cho người mua nhà vay, chưa cho chủ dự án vay. Vì vậy, số lượng người bị tác động đến không nhỏ.

Về vấn đề giải ngân đầu tư công, Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2018, được giao quản lý 291 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên đến nay mức độ giải ngân đang ở mức thấp.

Theo kế hoạch đầu tư trung hạn, Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư và cơ quan có thẩm quyền bố trí khoảng 19.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại để cấp bù lãi suất và cho vay ưu đãi.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nguồn vốn.

Bên cạnh đó, các chương trình phát triển nhà ở trọng điểm tiếp tục được triển khai. Trong đó, chương trình nhà ở cho người có công đã hoàn thành hỗ trợ cho hơn 121 nghìn hộ, đang hỗ trợ cho 6.720 hộ, dự kiến quý II/2018 sẽ hoàn thành hỗ trợ khoảng 100.000 hộ.

Đối với chương trình nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở đô thị, cả nước đã hoàn thành 186 dự án với quy mô khoảng 75.700 căn, dự kiến quý II/2018 sẽ hoàn thành thêm 1.000 căn.

Khó khăn lớn nhất hiện nay với việc phát triển nhà ở xã hội là nguồn vốn ưu đãi. Giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch vốn ưu đãi cho chương trình nhà ở xã hội khoảng 19 nghìn tỷ đồng, đến nay mới bố trí được 1.200 tỷ đồng nhưng nguồn vốn này chưa được giải ngân.

Khánh An/VnMedia