28/05/2018

Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035

Ngày 24/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035. Chủ trì Hội đồng thẩm định có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh.


Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh phát biểu tại Hội đồng thẩm định (ảnh: Bích Ngọc)

Phạm vi nghiên cứu trên ranh giới hành chính toàn tỉnh Bình Định có diện tích tự nhiên 6.050 km2, gồm 11 đơn vị hành chính, 1 TP, 1 thị xã và 9 huyện. Tầm nhìn đến năm 2035 được xác định là vùng đô thị có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò là cửa ngõ vùng Tây Nguyên, tiểu vùng Mê Kông, một trong những trung tâm phát triển lớn của khu vực Nam Trung Bộ, có nền kinh tế phát triển theo định hướng kinh tế biển, dịch vụ, du lịch chất lượng cao, công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ cao theo hướng hiện đại, xanh và bền vững.

Định hướng phát triển không gian đô thị được tuân thủ theo nguyên tắc phù hợp với định hướng đô thị toàn quốc, phát triển hệ thống đô thị phù hợp với các vùng kinh tế nhằm khai thác tối đa các động lực phát triển, đáp ứng mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từng vùng. Ngoài ra còn phát triển hệ thống đô thị theo tầng bậc, kết hợp giữa các đô thi hiện trạng với đô thị mới xây nhằm tạo sự cân bằng, tương hỗ giữa các vùng.Đóng vai trò là một trong những hạt nhân quan trọng trong nền kinh tế của cùng kinh tế trọng điểm miền Trung. TP Quy Nhơn kết hợp với An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Nhơn trở thành vùng đô thị động lực, phát triển kinh tế năng động hiệu quả, tạo sức mạnh lan tỏa phát triển kinh tế – xã hội trong toàn tỉnh Bình Định.

Các trung tâm tiểu vùng xác định gắn với định hướng của quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ để tối đa hóa lợi thế là hạt nhân kinh tế thúc đẩy các đô thị khác cùng phát triển.

Hướng phát triển của TP Quy Nhơn được ưu tiên tập trung chỉnh trang đô thị hiện hữu, xây dựng mới các khu đô thị mới theo hướng về phía Tây TP. Các khu vực phát triển ven biển du lịch cần phải xem xét đến biến đổi khí hậu (BĐKH) và nghiên cứu đề xuất mô hình phù hợp.

Tổ chức không gian phát triển khu dân cư nông thôn hướng đến cân bằng, bền vững. Phát triển cần tính toán đến nhu cầu phát triển quỹ đất phục vụ các chức năng phát triển kinh tế – xã hội. Mặt khác, cũng cần duy trì bảo vệ các hệ sinh thái nông thôn. Quy hoạch các khu, trung tâm nông thôn mới theo yêu cầu thực tế phát triển của từng địa phương trong tỉnh và dựa trên các quy hoạch phát triển có liên quan. Các khu dân cư nông thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng cơ cở, đảm bảo sự gắn kết hài hòa khu vực cũ và mới.

Thoát nước cho các đô thị được hoàn chỉnh, tiến tới đạt 80-100% đường nội thị của các đô thị có cống thoát nước mưa, 70% đường ngoại thị có cống thoát nước mưa.

Ý kiến phản biện của Hội đồng thẩm định cho rằng đơn vị tư vấn và phía tỉnh cần xem xét đánh giá yếu tố BĐKH, sự cần thiết lập quy hoạch cũng nên được thống nhất vì 1 số nội dung chưa được làm rõ mà chỉ mang tính liệt kê. Hiện trạng hạ tầng kĩ thuật đánh giá được hạn chế thực tế, tuy nhiên cũng cần chú ý đánh giá các cảng đang trong thời gian chuẩn bị xây dựng để xác định rõ thời gian và công suất dự tính.

Hiện trạng cấp nước cũng nên bổ sung đánh giá nguồn nước về mùa khô, đánh giá rà soát thống nhất các nhà máy nước, hiện trạng chất thải rắn làm rõ các cơ sở bãi chôn lấp.

Ngoài ra, đề án cũng cần bổ sung khu chức năng đặc thù đề nghị rà soát hiện trạng sử dụng đất, nội dung đánh giá môi trường chiến lược chưa được phản ánh rõ. Định hướng phát triển và các công trình ưu tiên như các khu công nghiệp, nông nghiệp và cần cân nhắc sử dụng các từ nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá đồ án thực hiện nghiêm túc, bám sát nhiệm vụ phê duyệt, cách tiếp cận tổng hợp và tích hợp các ngành, đánh giá hiện trạng các chuyên ngành để đưa ra định hướng và phân tích cụ thể. Phía tư vấn cũng đã tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành. Về phân tích hiện trạng cần căn cứ vào quy hoạch trên địa bàn tỉnh đã được duyệt, hiện trạng đã có liệt kê tổng thể các lĩnh vực nhưng thiếu đánh giá những hiện trạng này đã thực hiện so với quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn, để nhận định các dự án mang tính chiến lược đã thực hiện được đến đâu.

Hà Đào/BXD