Công trình hàng trăm tỉ đồng xin tự nguyện tháo dỡ?
Ngày 14.1, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở TNMT Đà Nẵng chủ trì mới có báo cáo trình UBND TP.Đà Nẵng về việc hàng loạt biệt thự, biệt phủ xây dựng trái phép tại khu vực rừng đặc dụng Hải Vân. Báo cáo sơ bộ cho thấy có hơn 20 căn nhà, biệt thự, nhà rường… được xây kiên cố. Những sai phạm nghiêm trọng này, kéo dài và có nhiều ẩn khuất phức tạp. Đến nay, UBND TP.Đà Nẵng vẫn chưa có thông báo kết luận, xử lý.
Sau truyền thông mới kiểm tra được tường tận
Như LĐ đã liên tiếp thông tin việc xây dựng hàng loạt biệt thự, biệt phủ trái phép trong khu vực rừng cấm Hải Vân, trong đó, ngoài quần thể biệt thự xây dựng trái phép trong khuôn viên rộng chừng 4.000m2 của Thiếu tướng Phan Như Thạch – nguyên GĐ Công an tỉnh Quảng Nam, còn có cả một biệt phủ (quần thể nhà gỗ) của ông Ngô Văn Quang – GĐ Cty vàng Phước Minh, Quảng Nam – xây dựng nguy nga như… vạn lý trường thành.
Điều đáng nói là việc sử dụng đất lẫn xây dựng đều hoàn toàn trái phép, song chính quyền quận Liên Chiểu, phường Hòa Hiệp Bắc, hạt kiểm lâm cũng chỉ vài lần lập biên bản đình chỉ, nhưng rồi các đại công trình này đều ngang nhiên xây dựng trong suốt 5 năm cho đến khi hoàn thiện. Trả lời về việc buông lỏng quản lý, để sai phạm kéo dài, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương “chống chế”, đổ lỗi việc xây dựng diễn ra phía trong bờ rào, sợ chó dữ cắn, ngại quan hệ… Tuy nhiên sau khi báo chí phản ánh, HĐND TP chỉ đạo xử lý thì đoàn kiểm tra liên ngành mới tường tận công trình xây trái phép để đo đạc.
Kết quả đo đạc cho thấy, khu biệt thự của Thiếu tướng công an Phan Như Thạch gồm 4 ngôi nhà ở. Trong đó, 1 nhà rường gỗ 178m2, 1 biệt thự 198m2, 2 nhà phụ có tường xây mái đúc 71m2… Ngoài ra, khu biệt thự còn có sân vườn, chòi tượng, kè đá, tường rào bằng gạch cao 2,5m xây bọc ba hướng. Diện tích khu biệt thự khoảng 3.700m2.
Tuy vậy, biệt thự của ông Phan Như Thạch còn quá nhỏ so với biệt phủ của chủ Cty khai thác vàng – ông Ngô Văn Quang – ở khu vực đồi Chim Chim (thuộc tiểu khu 11, rừng đặc dụng Nam Hải Vân). Đây là khu đất nguyên của ông Thạch sang nhượng lại cho ông Quang với diện tích 1,5ha. Nhưng công trình xây dựng trái phép của ông Quang chủ yếu nằm ngoài phạm vi được sang nhượng, lấn vào đất rừng. Không chỉ sử dụng đất trái phép, mà ông Quang còn cho xây dựng 18 căn nhà trên diện tích khoảng 1.400m2. Trong đó, 5 nhà rường gỗ diện tích 436m2, 1 nhà mái tôn, tường tôn có diện tích 137m2, 5 nhà tường xây mái đúc có diện tích khoảng 396m2; 7 nhà tường xây mái ngói có diện tích 442m2. Khu biệt phủ được bao bọc bởi tường gạch, trụ bêtông cốt sắt, cao gần 3m, 3 mặt quây tường rào dài gần 0,5km và có tới 6 cổng lớn. Trong biệt phủ còn có ao cá 600m2, 3 chòi tượng, nhiều bờ kè bêtông, đá cùng nhiều hạng mục khác đang được hoàn thiện… Ngoài ra, ông Quang còn đổ tiền xây dựng một con đường bê tông từ QL1A tới khu biệt phủ, dài gần 1km, rộng 3 – 5m. Trả lời cơ quan chức năng, ông Cường – em ông Ngô Văn Quang – cho biết, đã đầu tư xây dựng biệt phủ này trên 100 tỉ đồng.
Sẵn sàng… tự nguyện tháo dỡ?
Theo báo cáo của UBND quận Liên Chiểu, cả 2 công trình biệt thự của tướng công an và biệt phủ của chủ Cty khai thác vàng đã nhiều lần bị lập biên bản, tạm đình chỉ. Tuy nhiên, bất chấp pháp luật, họ vẫn ngang nhiên xây dựng ngày càng kiên cố, đồ sộ phía trong bờ rào. Một mặt, họ “chạy” giấy tờ, xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để hợp thức hóa việc xây dựng và sử dụng đất trái phép. Cho đến thời điểm này, khi công trình hoàn thiện, sự việc vỡ lở, công khai trước dư luận thì cả hai chủ hộ của khu biệt phủ mới chấp hành pháp luật bằng cách xin được… nộp phạt hành chính. Làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành, gia đình ông Thạch và ông Quang đều thừa nhận sai trái, đồng ý để cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai và xây dựng. Họ cũng cam kết sẵn sàng tháo dỡ công trình nếu không phù hợp quy hoạch. Tuy nhiên, cũng kiến nghị cho phép tồn tại, được hoàn tất thủ tục nếu phù hợp với quy hoạch.
Dù việc xây dựng hoàn toàn trái pháp luật, Nhà nước có thể cưỡng chế tháo dỡ như từng xử lý đối với các hộ dân xây dựng trái phép tại đây, tuy nhiên, các công trình đầu tư cả trăm tỉ đồng, xây dựng kiên cố và những mối quan hệ “tế nhị” khác… đang là thách thức lớn mà chính quyền Đà Nẵng chưa thể đưa ra quyết định ngay được.
Theo Lao Động