Quy hoạch sử dụng khoáng sản làm VLXD: Cần sớm điều chỉnh
Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (gọi tắt là quy hoạch 1160) được xây dựng từ năm 2013. Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt triển khai đầu tư, xây dựng rất nhiều dự án lớn, trọng điểm với nhu cầu sử dụng VLXD tăng cao. Do đó, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 1160 nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật khoáng sản, đồng thời đồng bộ với các quy hoạch chiến lược của tỉnh, khai thác sử dụng khoáng sản hợp lý là rất cần thiết.
Sản xuất ngói tại Nhà máy gạch Tiêu Giao (Công ty CP Viglacera Hạ Long).
Từ những bất cập
Theo số liệu thống kê, tổng trữ lượng tài nguyên đã điều tra thăm dò của các loại khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn toàn tỉnh là trên 3.560 triệu m3. Trong đó, sét gạch ngói là trên 306,585 triệu m3; đá xây dựng là 1.445 triệu m3; cát cuội sỏi tảng là 177,454 triệu m3; cát san lấp là 156,196 triệu m3. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 118 khu vực đã cấp phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó có 101 giấy phép do UBND tỉnh cấp (không kể tới các khu vực khai thác than).
Trong những năm qua, các đơn vị khai thác và chế biến khoáng sản đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh, khai thác đã gắn với chế biến và sử dụng khoáng sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Hầu hết các đơn vị khai thác khoáng sản đã có đủ thủ tục về môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường, hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường…). Đến nay các đơn vị đã nộp tiền ký quỹ bảo vệ môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền trên 55 tỷ đồng. Đồng thời, đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội cho các địa phương.
Tuy nhiên, trên thực tế Quảng Ninh có hơn 600 di tích, danh thắng được xếp hạng, đặc biệt có vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới, việc duy trì, phát triển công nghiệp khai khoáng sẽ phải đối mặt với thách thức và áp lực về môi trường sinh thái, mâu thuẫn xung đột với phát triển ngành du lịch, dịch vụ thương mại. Bên cạnh đó, do phát triển các khu dân cư, khu đô thị với tốc độ nhanh đã xây dựng trên bề mặt một số mỏ sét có chất lượng tốt, trữ lượng lớn (Giếng Đáy, Kim Sen, Hoàng Quế…).
Mặt khác, các nhà máy sản xuất gạch ngói đang hoạt động từ lâu nhưng không có mỏ sét (Công ty Phát triển vật liệu xây dựng Đầm Hà tại huyện Đầm Hà, Nhà máy gạch Tràng Bạch của Công ty CP gốm xây dựng Yên Thọ, Nhà máy gạch Xuân Sơn của Công ty TNHH Thuận Thành, Nhà máy gạch của Công ty CP Sông Hồng 12 tại phường Xuân Sơn, TX Đông Triều…) dẫn đến việc các doanh nghiệp đã và đang phải mua nguyên liệu sét từ các doanh nghiệp được cấp phép khai thác nhưng chưa đầu tư nhà máy chế biến (giấy phép khai thác khoáng sản có quy định địa chỉ tiêu thụ sét), hoặc từ nguồn trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hoặc thu mua của một số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có thu hồi sét trong quá trình cải tạo vườn đồi, đào ao nuôi trồng thủy sản… gây thất thu cho NSNN, khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch
Từ thực tế trên, mới đây UBND tỉnh đã họp cùng các ngành, địa phương liên quan để nghe và cho ý kiến về bổ sung Quy hoạch 1160. Theo đó, để chuẩn bị nguồn trữ lượng khoáng sản phục vụ cho nhu cầu lâu dài, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất đã đầu tư, đi vào hoạt động, sẽ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò khoáng sản giai đoạn từ năm 2018-2020: Đưa ra ngoài quy hoạch 6 khu vực đầu tư thăm dò khoáng sản (gồm 1 khu vực sét gạch ngói, 2 khu vực đá xây dựng, 2 khu vực cát xây dựng, 1 khu vực cát san lấp); tiếp tục đầu tư thăm dò 4 khu vực theo Quy hoạch 1160; đầu tư mới thăm dò 21 khu vực (gồm 9 khu vực khai thác sét, 8 khu vực cát xây dựng, 2 khu vực cát san lấp, 2 khu vực pyrophylit). Giai đoạn từ 2021-2030: Tiếp tục đầu tư 1 khu vực sét gạch ngói và đầu tư mới thăm dò khu vực khai thác sét.
Đẩy mạnh sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên. (Ảnh: Dây chuyền sản xuất cát nhân tạo của Công ty CP Thiên Nam)
Đối với việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khai thác khoáng sản, trên cơ sở rà soát đánh giá việc triển khai thực hiện Quy hoạch 1160 xác định đưa ra khỏi quy hoạch 9 khu vực khai thác, duy trì 92 khu vực, đầu tư mới 21 khu vực. Riêng về đá xây dựng theo định hướng chỉ đạo của tỉnh giai đoạn 2018-2020 sẽ thực hiện đóng cửa một số mỏ ảnh hưởng đến khu vực được định hướng phát triển du lịch dịch vụ cao cấp. Giai đoạn 2020-2025, đóng cửa toàn bộ các mỏ, chấm dứt khai thác đá; tuyệt đối không cấp phép khai thác mới các mỏ đá. Cụ thể, từ 2018-2020 điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch 2 khu vực là mỏ đá ryolit tại xã Quảng Sơn (Hải Hà) đã cấp phép thăm dò cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Việt Long do liên quan đến quy hoạch 3 loại rừng và mỏ đá cát kết xây dựng Cốt Đoái tại xã Hải Tiến (Móng Cái) vì nằm trong quy hoạch KKT cửa khẩu Móng Cái. Cùng với đó, đóng cửa 2 mỏ đá vôi tại phường Quang Hanh (Cẩm Phả) và xã Thống Nhất (Hoành Bồ); duy trì khai thác 28/28 khu vực khai thác, nâng công suất 6 khu vực để rút ngắn thời gian khai thác. Giai đoạn 2021-2025, đóng cửa mỏ, chấm dứt hiệu lực 7 khu vực khai thác; duy trì khai thác 20 khu vực còn lại. Giai đoạn sau năm 2025 chấm dứt hoàn toàn hoạt động khai thác đá làm VLXD trên địa bàn tỉnh.
Về cát xây dựng, giai đoạn 2018-2020 duy trì 7 khu vực khai thác cát xây dựng với sản lượng 302.000m3; bổ sung mới 8 khu vực mỏ cát cuội sỏi lòng sông trên địa bàn các huyện miền đông và TX Đông Triều với mục tiêu sản lượng 1.397 triệu m3. Tuy đã bổ sung các khu vực có trữ lượng cát đã thăm dò vào quy hoạch và bổ sung các khu vực thăm dò mới nhưng lượng cát xây dựng vẫn thiếu hụt rất lớn. Hiện tỉnh đã cho phép 2 đơn vị là Công ty TNHH Thiên Nam và Công ty TNHH Thái Dương nghiên cứu sản xuất thử nghiệm nghiền cát từ nguồn đất đá thải mỏ. Đến nay đã có Công ty TNHH Thiên Nam đi và hoạt động, dự kiến có khoảng 1 triệu m3/năm bù đắp một phần lượng cát thiếu hụt trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch 1160 sẽ là cơ sở quan trọng để tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; đồng thời góp phần thực hiện thành công chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Theo Hiểu Trân/Báo Quảng Ninh