15/05/2018

Mở rộng trụ sở, UBND TP Hồ Chí Minh đập bỏ kiến trúc cổ: Nhiều ý kiến trái chiều

Xung quanh việc UBND TP Hồ Chí Minh lấy ý kiến mở rộng trụ sở UBND thành phố, có nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng không ít ý kiến lo ngại khi phải phá bỏ công trình có tuổi đời trên 100 năm – tòa nhà dinh Thượng Thơ được người Pháp xây dựng 128 năm và trụ sở Bộ Quốc phòng của chế độ Sài Gòn. Hai công trình này hiện là trụ sở Sở Thông tin – Truyền thông và Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh.


Dinh Thượng Thơ xưa – nay là trụ sở Sở Thông tin Truyền thông tại số 59 Lý Tự Trọng, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Theo KTS.Lê Quang Ninh, về pháp luật thì UBND TP Hồ Chí Minh có quyền đập bỏ công trình dinh Thượng Thơ. Bởi đây không phải là công trình nằm trong dạng cần bảo tồn, hơn nữa các tài liệu trước đây cũng không nhắc tới tòa nhà dinh Thượng Thơ.

Tại buổi góp ý cho dự thảo Luật Kiến trúc mà Bộ Xây dựng mới tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia về kiến trúc cho rằng bảo tồn các công trình kiến trúc cổ phải dựa trên tính pháp lý của công trình đó.

Theo các chuyên gia, đánh giá các công trình cũ cần lên thành danh mục cần đánh giá đầy đủ, có những công trình đẹp nhưng lại không có giá trị về mặt niên đại như việc cải tạo trụ sở UBND thành phố.

Có những công trình xây dựng đầu tiên nhưng nó có giá trị, tuy không đẹp, hoặc có những công trình tiên phong cho một thể loại, phong cách kiến trúc thì cần giữ lại. Kiến trúc bảo tồn khi chuyển sang di tích kiến trúc thì mới có tính pháp lý. Kiến trúc có giá trị trên thế giới thì không bị ràng buộc bởi hệ thống luật.

Tuy nhiên, TS.Võ Kim Cương – Nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh lại không đồng tình với phương án xây dựng trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh mở rộng.

Bởi theo TS.Cương: “Việc đập bỏ công trình đã tồn tại hàng trăm năm không khác nào giết chết nó và chẳng bao giờ có lại nó. TP Hồ Chí Minh cần có thời gian để quy hoạch và thiết kế khu hành chính phù hợp hơn”.

Tại cuộc họp báo hồi đầu tháng 5 do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức, ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh đã trả lời báo chí rằng: Trước khi thông qua nhiệm vụ thiết kế, tiến hành thi tuyển thì UBND TP Hồ Chí Minh đã xem xét rất kỹ việc bảo tồn khối nhà cũ phía sau UBND thành phố.

Tuy nhiên, các tòa nhà phía sau UBND TP Hồ Chí Minh không nằm trong danh mục di tích của ngành văn hóa nên không cần tiến hành kiểm kê và xếp vào hạng di tích, bước đầu không được đưa vào diện bảo tồn. Còn nếu các công trình này nằm trong danh mục sẽ được ứng xử như công trình di tích.

Cùng quan điểm này, KTS.Khương Văn Mười – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: Công trình dinh Thượng Thơ mang dáng dấp của kiến trúc Pháp.

Từ trước tới nay cũng có nhiều ý kiến nên giữ công trình này nhưng giữa bảo tồn và phát triển cũng cần phải cân nhắc kỹ. Nếu bảo tồn mà không dành chỗ cho phát triển hoặc phát triển lấn nhiều sang bảo tồn đều không hợp lý.

“Công trình dinh Thượng Thơ là loại kiến trúc đơn giản, mặt ngoài không có các họa tiết trang trí chi tiết. Do vậy ý tưởng tháo dỡ các công trình này để phát triển là hợp lý. Tuy nhiên, về mặt kiến trúc khi thay thế vào đó một công trình hiện đại, cần tính toán giữ lại được hình bóng của những công trình này sẽ là tốt nhất. Có thể làm lại mô hình hoặc chụp hình công trình làm phòng lưu niệm”, KTS.Mười đề xuất.

Công trình dinh Thượng Thơ được người Pháp xây dựng vào những năm 1860, gồm một dãy nhà chính giữa hướng ra đường Lý Tự Trọng (quận 1) nối với hai dãy nhà hai bên tạo nên cấu trúc hình chữ U ôm lấy khoảng sân thông thoáng ở giữa được xây theo kiến trúc thuộc địa Pháp.

Cao Cường/BXD