14/01/2015

Mua đồ gỗ giảm giá: Thận trọng kẻo dính “quả lừa”

Vào thời điểm năm hết, Tết đến, nhu cầu mua sắm đồ nội thất, đặc biệt là đồ gỗ của người dân tăng cao. Tuy vậy, do ham rẻ, không có kinh nghiệm nên nhiều người đã mua phải đồ gỗ pha tạp, kém chất lượng…

 

Chất lượng bên trong vỏ… ghế

Do chuẩn bị tổ chức đám cưới nên cách đây 3 tuần, anh Nguyễn Mạnh Long (ở CT5 khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội) đã đến một cửa hàng đồ gỗ trên đường Đê La Thành để mua 1 chiếc giường, 1 bộ bàn ghế và 1 tủ đựng quần áo với tổng số tiền gần 20 triệu đồng. Theo lời người bán hàng, những sản phẩm này đều được làm bằng gỗ xoan đào nên “vừa đẹp lại vừa bền, có tuổi thọ đến hàng chục năm”. Tuy vậy, sau khi sử dụng được ít ngày, những món đồ trên đã có biểu hiện xuống cấp. Một số giát giường bị gãy, cánh tủ quần áo đóng không khít, chân ghế kê kiểu gì cũng không bằng… Chỉ đến khi một người bạn của anh Long chuyên về thiết kếnội thất đến chơi, xem mấy món đồ gỗ và phát hiện chúng đã bị độn bởi nhiều loại gỗ tạp, kém chất lượng, anh Long mới biết mình đã mua phải đồ rởm.

dogo

Nhu cầu mua sắm và sử dụng đồ gỗ của người dân tăng cao vào dịp cuối năm

Qua diễn đàn mạng, chị Lê Thị Vân Thư (nhân viên ngân hàng ở quận Ba Đình) biết tin có điểm bán đồ gỗ tự nhiên đang giảm giá 70% nên đã đặt mua một bộ bàn ăn với giá gần 3 triệu đồng (giá gốc khoảng 9 triệu đồng). Trong một lần nghịch ngợm, con trai chị Thư làm đổ ghế khiến lớp sơn bên ngoài bong ra một số chỗ. Tới lúc này, chị Thư mới biết bộ bàn ghế chị mới mua không phải làm bằng gỗ “xịn” hoàn toàn, mà một phần là gỗ công nghiệp, song do trình độ phun sơn điêu luyện nên người tiêu dùng rất khó nhận biết.

Thời gian qua, tình trạng gỗ công nghiệp được hô biến thành gỗ “thịt” diễn ra khá phổ biến. Để  đánh lừa người tiêu dùng, trên bề mặt gỗ nhân tạo thường được dán thêm lớp melamin (với vân rất giống vân gỗ thật), rồi được phủ thêm lớp sơn PU. Nhiều phụ kiện đi kèm đồ gỗ như ốc vít, bản lề, tay cầm… cũng là các sản phẩm rẻ tiền. Ngoài các “chiêu” lừa trên, một số khách hàng còn mua phải hàng cũ đã qua sử dụng nhưng được “tút tát” lại. Bên cạnh đó, tình trạng làm hàng ẩu trong dịp cuối năm cũng diễn ra khá phổ biến. Nhiều cửa hàng sử dụng nguyên liệu gỗ chưa được xử lý, hoặc chỉ tẩm sấy qua loa để tiết kiệm thời gian nên sản phẩm rất dễ bị hở mộng, cong vênh.

Nên đến địa chỉ có uy tín 

Anh Nguyễn Văn Sinh – người sản xuất đồ gỗ lâu năm ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội khuyến cáo, do gỗ tự nhiên có giá cao nên nhiều cửa hàng bán đồ nội thất ham rẻ đã nhập hàng gỗ dăm, hay ván ép có giá thấp hơn hẳn để bán ra thị trường. Những sản phẩm hay bị trà trộn gỗ công nghiệp là tủ quần áo, tủ để giày dép, giá sách… Do vậy, khi mua đồ nội thất, khách hàng cần kiểm tra kỹ các bộ phận. Với những đồ gỗ đã được quét sơn, màu sơn phải đều, bóng đẹp; sản phẩm có trang trí hoa văn phải sắc nét, đẹp mắt. Với sản phẩm gỗ nội thất cao cấp, đắt tiền, khách nên yêu cầu phía bên bán giữ nguyên màu tự nhiên của gỗ. Để tránh bị tráo hàng, khi cửa hàng chuyển đồ về nhà, khách hàng cần mở đóng gói ra để kiểm tra từng chi tiết. Để có căn cứ giải quyết tranh chấp phát sinh (nếu có), khách hàng nên yêu cầu cửa hàng viết hóa đơn, trên đó phải ghi rõ chủng loại, mẫu mã hàng hóa.

Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, những sản phẩm gỗ kém chất lượng còn có thể gây hại cho sức khỏe. Theo bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu – Bệnh viện E, khi sử dụng ván gỗ lót sàn nhà công nghiệp kém chất lượng có chứa chất Polycylic aromatic hydrocarbon, người dùng sẽ có cảm giác khó thở, nhức đầu, mệt mỏi…, thậm chí có thể mắc bệnh nghiêm trọng hơn nếu tiếp xúc thường xuyên lâu ngày. Do vậy, để tránh mua phải hàng kém chất lượng, người mua nên đến các cửa hàng có uy tín. Trước khi thanh toán, khách hàng cần kiểm tra kỹ mặt sau của gỗ, không nên hoa mắt trước các chương trình khuyến mại, giảm giá “khủng”, bỏ tiền mua những sản phẩm có giá rẻ hơn hẳn song có nhiều khiếm khuyết, kém chất lượng, không sử dụng được…

 

Theo ANTĐ