07/05/2018

Tỉnh táo trước cơn sốt đất đặc khu và các địa phương

Hiện tượng sốt đất, tăng giá đất ở nhiều địa phương tuy đem lại một số cơ hội đầu tư, nhưng cũng đem đến không ít rủi ro cho nhà đầu tư, hệ lụy cho thị trường, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng khó lường.

Sốt đất diện rộng

Bản báo cáo 18 trang về tình hình giao dịch bất động sản quý I/2018 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, tại Hà Nội, gần 1.000 căn liền kề sơ cấp đã bán hết, biên độ tăng giá trong quý đầu năm 2018 khoảng 5 – 10% so với cuối năm 2017.

Quảng Ninh ghi nhận hơn 400 giao dịch thành công ở Hạ Long, đặc biệt tại Vân Đồn đạt hơn 800 giao dịch. Đất nền tại các dự án có giá dao động từ 20 – 50 triệu đồng/m2, tăng mạnh so với trước Tết.

.
.

“Hiện ở Vân Đồn có nhiều nhà đầu tư thiếu hiểu biết, đi gom đất và sử dụng các môi giới không chuyên đưa thông tin, quy hoạch không chính xác, chào bán và đẩy giá lên cao”, báo cáo của Hội Môi giới bất động sản chỉ rõ.

Các tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… cũng đang trong cao trào mở bán các dự án khu đô thị mới, quy mô lớn và có tỷ lệ giao dịch cao bất ngờ.

Tại miền Trung, TP. Đà Nẵng bước vào cơn sốt đất nền khi quỹ đất ngày càng khan hiếm và nhu cầu của khách hàng tăng cao. Tổng lượng giao dịch từ các dự án tại thị trường Đà Nẵng đạt trên 5.000 sản phẩm, giá tăng mạnh từ 30 triệu đồng/m2 lên trên 50 triệu đồng/m2.

Bất động sản tại một số tỉnh miền Trung có tiềm năng du lịch như Bình Định, Phú Yên cũng sôi động, nhất là Đặc khu Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) đang có mức tăng giá chóng mặt. Cụ thể, khu vực trung tâm huyện Vạn Ninh (nơi hình thành trung tâm Đặc khu), những lô mặt tiền hướng biển trên đường Trần Hưng Đạo tăng từ 30 triệu đồng/m2 cuối năm 2017 lên 70 triệu/m2. Những lô bên trong dao động từ 30 – 45 triệu đồng/m2…

Với khu vực phía Nam thì TP.HCM đang là tâm điểm cơn sốt đất nền. Trong quý I/2018, gần 1.600 đất nền, liền kề tập trung ở khu vực Củ Chi, Cát Lái, khu Đông, khu Nam được chào bán với tỷ lệ thanh khoản gần 1.100 căn. Mức giá trung bình tăng khoảng 5 – 7% so với cuối năm 2017.

Tỉnh Long An, một địa phương sát TP.HCM, trong quý I mở bán hơn 2.000 đất nền, tỉnh Đồng Nai mở bán 1.895 nền/nhà phố. Do sự khan hiếm đất trong TP.HCM đã đẩy giá đất nền của các tỉnh, thành phố xung quanh tăng giá. Đất tại các dự án của tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai có mức giá 10 – 18 triệu đồng/m2.

Xuôi về miền Tây Nam bộ, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là tâm điểm nóng nhất của cơn sốt đất. Trong quý I đã ghi nhận lượng giao dịch đất thổ cư tăng khoảng 70%. Các giao dịch này chủ yếu là lướt sóng, với mức giá tăng gấp 2-3 lần so với cuối năm 2017.

Đừng đầu tư theo tâm lý “bầy đàn”

Hiện tượng sốt đất tuy đem lại nhiều cơ hội đầu tư, nhưng cũng đem đến không ít rủi ro, hệ lụy cho thị trường, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng khó lường.

Liên quan đến tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn toàn quốc, đặc biệt tại các huyện: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) diễn ra phức tạp, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa yêu cầu UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang có biện pháp chấn chỉnh. Trong đó yêu cầu các địa phương này không để tình trạng “cò đất”, “xã hội đen” lộng hành.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro từ đầu tư lướt sóng vào các khu Phú Quốc, Vân Đồn, Vân Phong, khi hạ tầng chưa hoàn thiện, pháp lý chưa rõ ràng, đất chưa được quy hoạch. Rất có thể sẽ xảy ra hiện tượng vỡ bong bóng ở những khu vực này. Nhiều khu vực sốt là do cò đất tạo thông tin giả để đẩy giá lên. Trên thực tế, nhiều kế hoạch đầu tư hạ tầng mới chỉ là ý tưởng, chưa biết bao giờ mới được triển khai.

“Các nhà đầu tư phải cẩn trọng khi quyết định đầu tư. Chỉ đầu tư vào các dự án có quy hoạch, đầy đủ pháp lý, bởi các khu đất này được định giá hợp lý, phản ánh đúng giá trị”, ông Đính phân tích.

Để giảm thiểu  rủi ro khi đầu tư vào bất động sản đất nền, theo ông Dương Đức Hiển, Giám đốc kinh doanh nhà ở Savills miền Bắc và miền Trung, nhà đầu tư phải tỉnh táo, đừng theo  tâm lý “bầy đàn”.

Ở cấp quản lý nhà nước, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các cơ quan chức năng như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc phân tích, cảnh báo cho người dân. Riêng Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay tiêu dùng, phân loại kỹ việc cho vay kinh doanh bất động sản và các loại hình liên quan đến bất động sản để có cơ sở cảnh báo về dòng tiền đang đổ mạnh vào đất nền.

Hữu Tuấn/Báo Đầu tư