03/05/2018

Góc nhìn của báo chí nước ngoài với kinh tế Việt Nam

Việt Nam đang được xem là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào những chính sách cởi mở.

photo1525168595057-15251685950581966617938

Trong thời gian trở lại đây, truyền thông quốc tế đã có những đánh giá tốt về nền kinh tế Việt Nam. Tạp chí Forbes đã nhận định: “Việt Nam có thể trở thành con hổ thứ 5 ở châu Á”.

Tác giả bài viết, GS. Salvatore Babones (ĐH Sydney) nhấn mạnh lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng rất mạnh. Ông cho biết tăng dự trữ ngoại hối là con đường đúng đắn đối với nền kinh tế hướng đến xuất khẩu như Việt Nam.

Theo đánh giá của vị giáo sư này, nếu Việt Nam có thể tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ VNĐ được định giá thấp nhưng tăng giá từ từ trong vòng 20 – 30 năm nữa, đất nước hoàn toàn có thể trở thành con hổ thứ 5 của châu Á.

“Đây không phải là một dự báo, mà là một khả năng. Tốc độ thay đổi ở châu Á diễn ra thần kỳ và Việt Nam đang dần trở thành một nước giữ nhịp cuộc chơi”, vị giáo sư đưa ra kết luận trên Forbes.

Tờ Financial Times của Anh lại đưa ra những con số ấn tượng trên nhiều lĩnh vực minh chứng cho sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Đơn cử, năm 2017, đất nước hình chữ S đã dẫn đầu khu vực Đông Nam Á khi thu hút được 6 tỷ USD vào thị trường IPO. Cũng trong quý I/2018, tăng trưởng của Việt Nam là 7,38%, mức chưa từng có trong một thập kỷ qua. Việt Nam cũng đã vượt qua Indonesia để trở thành nước xuất khẩu lớn trong khi nền kinh tế chỉ bằng 1/5 của Indonesia.

Trong một nghiên cứu khác, Financial Times cũng đánh giá cao về tâm lý tiêu dùng của người Việt. Tờ này cho biết người Việt Nam đang chi tiêu mạnh tay nhờ vào kinh tế năng động khiến thu nhập hộ gia đình tăng lên. Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp tục.

Việt Nam qua góc nhìn của Financial Times cũng là điểm đến thu hút của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Lấy tập đoàn Samsung là ví dụ, tờ này cho biết từ năm 2009, riêng Samsung đã rót vào 17 tỷ USD. Năm 2017, gần 50% điện thoại thông minh được Samsung xuất xưởng ra thế giới đều đến từ nhà máy Việt Nam.

Dù vậy, Financial Times cũng lưu ý Chính phủ Việt Nam về những thách thức không nhỏ phải đối mặt để duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nợ công tăng cao và ngân sách eo hẹp do hàng loạt thuế suất nhập khẩu về 0%.

Tờ Economist cũng đã có nguyên một bài viết giải thích về sự lớn mạnh của Samsung, trở thành công ty lớn nhất tại Việt Nam. Theo đó, các tỉnh thành Việt Nam là lựa chọn sản xuất thay thế thích hợp cho Trung Quốc nhờ vào lực lượng lao động trẻ, rẻ và rất dồi dào. Hiện chi phí thuê nhân công tại Trung Quốc đắt gấp 2 lần so với Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam rất chào đón các công ty nước ngoài. Trong năm 2015, Chính phủ đã cho mở cửa 50 ngành công nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài và cắt giảm hàng loạt các rào cản luật pháp. Năm 2017, Nhà nước cũng đã bán bớt cổ phần tại một số tập đoàn lớn như Sabeco cho một công ty của Thái.

Việc tham gia nhiệt tình vào các thoả thuận thương mại tự do cũng khiến Việt Nam trở nên thu hút trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện lượng vốn FDI chảy vào Việt Nam chiếm 8% GDP cả nước trong năm ngoái – nhiều gấp đôi tỉ lệ tương tự ở các quốc gia trong khu vực.

Hãng tin Bloomberg đánh giá Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, từ một quốc gia chỉ xuất khẩu dầu thô, cà phê và giày dép đã trở thành một trung tâm sản xuất. Một trong những yếu tố quyết định sức hút này nằm ở chỗ tầng lớp trung lưu đang hình thành nhanh chóng trong xã hội Việt Nam, tạo sức mua ngày càng tăng.

Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu ngay cả khi nền thương mại toàn cầu bị đình trệ là nhận định của chuyên trang phân tích Viện Brookings Institution (Mỹ). Những thành tựu này, theo các chuyên gia là nhờ vào các chính sách hợp lý của Chính phủ về hội nhập kinh tế toàn cầu, tự do hoá nội bộ và đầu tư vào nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, bên cạnh các yếu tố khách quan như nguồn nhân lực giá rẻ, sự ổn định của chính trị…

Hà Thu (Tổng hợp)

Theo Trí thức trẻ