Vẽ dự án sát bờ biển để lấy đất, sang nhượng…
Hàng trăm dự án sát bờ biển tại nhiều tỉnh, thành chiếm không gian công cộng bị bỏ hoang; dự án “vẽ” để chiếm đất, chủ đầu tư không có năng lực gây lãng phí quỹ đất… báo cáo của Bộ Xây dựng với Văn phòng Chính phủ cho biết như trên.
Theo Bộ Xây dựng, rà soát tại bảy tỉnh, thành là Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam có gần 800 dự án chủ yếu là dự án nghỉ dưỡng, nhà ở, biệt thự cao cấp… Các dự án quy mô nhỏ, bố trí sát nhau, bám sát bờ biển với mật độ dày đặc và không bố trí khu tắm biển cho người dân, các tuyến đường đi xuống biển, không gian công cộng, nơi vui chơi giải trí, cây xanh vườn hoa. “Các dự án khá dàn trải, gây bức xúc đối với không gian công cộng ven biển, thiếu lối đi, thiếu hạ tầng, che tầm nhìn, không tiết kiệm quỹ đất” – Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Thị Lan Anh đánh giá.
Năm 2013, chủ đầu tư dự án Khu du lịch Bãi Xếp (Phú Yên) rào chắn, bít đường đi ra biển nên người dân đã tháo dỡ một số đoạn tường rào để đi lại. Ảnh: TẤN LỘC
Nhiều dự án chậm tiến độ ảnh hưởng đến dân cư, lãng phí. Một số dự án ưu đãi đầu tư không đúng, xác định tiền thuê đất chưa phù hợp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng và chưa bồi thường, tái định cư cho người dân theo quy định.
Bộ Xây dựng cũng đánh giá một số nhà đầu tư năng lực tài chính yếu nhưng vẫn được giao dự án quy mô lớn. Việc đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện chưa nghiêm.
Số dự án sát bờ biển hiện chưa triển khai là hơn 300 dự án (chiếm 40%). Các tỉnh có nhiều dự án chưa triển khai đầu tư xây dựng là Bình Thuận gần 150 dự án, Kiên Giang 75 dự án, Khánh Hòa trên 30 dự án, Bà Rịa-Vũng Tàu gần 30 dự án, Đà Nẵng gần 20 dự án.
“Có tình trạng người ta vẽ ra dự án sát bờ biển để lấy đất, rồi chuyển nhượng lấy tiền đút túi. Giờ bất động sản hết lợi nhuận mới thấy rõ dự án là không có thật” – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Nguyễn Chu Hồi đánh giá.
“Cần rà soát lại năng lực của chủ đầu tư, đánh giá tính chất dự án còn phù hợp với định hướng phát triển của địa phương hay không. Từ đó cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện, hoặc thu hồi, hoặc chuyển mục đích đầu tư. Những dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, giao đất nhưng quá hai năm chưa triển khai thì thu hồi theo quy định.
Trường hợp dự án đang triển khai thì cần rà soát đảm bảo không ngăn chia, phân lô bãi tắm sát bờ biển, thiết lập tuyến đường mới ra biển cho dân cư địa phương.
Với những dự án dân sinh, phát triển đô thị đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa đầu tư hoặc chủ đầu tư có chủ trương xin tạm dừng nhưng vẫn quây rào chắn, biến khu vực ven biển thành bãi hoang hóa thì cần có các giải pháp phù hợp để tạo thành đường ven biển, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận bãi biển, khai thác quỹ đất ven biển trong thời gian chờ đầu tư xây dựng” – Bộ Xây dựng đề xuất.
Theo Pháp luật TP.HCM