18/04/2018

Những khoảng trống và lặng của công tác lý luận và phê bình trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học

(Tạp chí KTVN) – Lâu nay, công tác Lý luận và Phê bình kiến trúc (LL&PBKT) nói chung thường được lên tiếng, vào cuộc…Khi các vấn đề của xã hội, của Ngành Xây dựng…xảy ra các dư luận, nhận thức trái chiều hoặc các sự cố, thậm chí là thảm họa từ thiên tai và nhân tai. Đó có thể là những sự cố, rủi ro xảy ra  từ  những tác động bởi quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, công trình xây dựng…Phơi bày và bộc lộ các khiếm khuyết từ quản lý, thiết kế đến chất lượng thi công xây dựng. Hoặc có thể là những vấn đề xã hội học có liên quan đến quyền sở hữu, trách nhiệm,nghĩa vụ và quyền lợi của các chủ thể, nhận thức đa chiều của xã hội, sự tham gia của cộng đồng, các luận bàn về khen chê, tốt xấu, đẹp và chưa đẹp…Chỉ rất ít và hầu như bỏ ngỏ công tác LL&PB trong các lĩnh vực có tính dẫn đường, dẫn hướng cho các hoạt động triển khai, ứng dụng, chuyển giao công nghệ… như  trong lĩnh vực Nghiên cứu khoa học (NCKH) bao gồm từ xây dựng và phê duyệt đề cương nhiệm vụ đến triển khai thực hiện thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, xin ý kiến chuyên gia; Các công tác phản biện và nghiệm thu tại Hội đồng các cấp; Các công tác truyền thông cũng như công bố đưa vào áp dụng, vận dụng trong thực tiễn. Đây là một khoảng trống và lặng không bình thường. Bởi lẽ, trước hết, công tác NCKH nói chung là lĩnh vực tiêu tốn không ít tiền của ngân sách Nhà nước, nhưng hiệu quả chất lượng, giá trị để đưa vào thực tiễn là một dấu hỏi lớn đặt ra đối với mọi tổ chức khoa học công nghệ (KHCN), nhà khoa học…Thứ đến, lĩnh vực NCKH có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thiết lập các nghiên cứu có tính cơ bản, nền tảng, định hướng, chiến lược…cho mọi lĩnh vực trong phát triển kinh tế – xã hội. Và do đó LL&PB không thể đứng ngoài cuộc, chúng cần có tiếng nói, trước hết là để các cơ quan quản lý Nhà nước (QLNN) tiếp nhận, điều chỉnh, đưa ra các cơ chế, chính sách, quy phạm…có tính liên Ngành, trở thành công cụ đắc lực trong quản lý, kiểm soát, vận hành…Hơn thế, giúp điều tiết xung đột lợi ích giữa các nhóm xã hội để tạo ra sự đồng thuận trong xã hội; Góp phần khắc phục những khiếm khuyết của các kiến tạo chính sách, thể chế, qua đó nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng; Phát triển ý thức về quyền và nghĩa vụ của tổ chức và người làm công tác NCKH, từng bước hình thành môi trường dân chủ, tiến bộ trong NCKH, đặc biệt là tạo hình thành thị trường KHCN – Một sân chơi đúng nghĩa gắn với nền kinh tế tri thức; Đưa kết quả của NCKH thực sự có tính khả dụng, khả thi, được áp dụng vào thực tiễn…

ha_noi_tren_cao_zing_1

Thực tiễn của công tác NCKH đang tồn tại những hạn chế sau:

  1. Công tác xây dựng nhiệm vụ, thẩm định, phê duyệt và ký kết hợp đồng:

– Thông thường, nhiệm vụ khoa học (NVKH) thường được đặt ra theo: Đơn đặt hàng từ các Bộ, Ngành, Địa phương… hoặc trực tiếp phát hiện những vấn đề mới, nhu cầu mới nảy sinh từ thực tiễn của các tổ chức KHCN, các nhà khoa học…Hiện nay, vấn đề đó chưa thực sự rõ, cảm giác như “bốc thuốc” và thường đi sau, đi chệch với những yêu cầu của phát triển. Đó là chưa kể đến việc NCKH đòi hỏi phải có tính đồng bộ, quy hoạch theo lộ trình ngắn, trung hoặc dài hạn có tính chiến lược được hoạch định trên nền tảng, dữ liệu được cập nhật thường xuyên, tích hợp trên nhiều phương diện khác nhau của các Bộ, Ngành, Địa phương và tổ chức KHCN

– Quy trình thẩm định, xét duyệt, phê duyệt và tiến tới ký hợp đồng triển khai còn nặng về sự vụ hành chính, ít nhiều bị sự áp đặt và chi phối của lạm quyền, phụ thuộc cơ chế xin cho, chưa thực sự dân chủ, bình đẳng và khách quan, chưa làm cho người làm công tác NCKH yên tâm và tiềm ẩn thui chột tâm huyết sáng tạo và cống hiến.

– Các chức danh nghiên cứu, ngạch nghiên cứu, chưa được tôn trọng trong NCKH. Đồng hóa và lạm dụng với cả các chức danh, chức vụ về quản lý, sự vụ…

  1. Công tác thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, xin ý kiến chuyên gia:

– Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm còn nặng về hình thức, chưa được chú trọng đến nội dung có tính liên Ngành, các vấn đề lớn và phức tạp đòi hỏi sự tập hợp trí tuệ của các nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt vắng bóng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các cá nhân có khả năng tự thân phát minh, sáng chế…Do đó, rất hạn chế các kết quả nghiên cứu có thể có thị trường áp dụng theo hình thức “Khoa học kéo và thị trường đẩy”

– Diễn ra hình thức “chạy sô” trong các hội nghị, hội thảo…nhất là những thời điểm cuối năm, khi phải lo toan các sự vụ về giải ngân, tiến độ thực hiện.Có xu hướng hình thành chủ nghĩa hình thức, sô vanh và lợi ích phe, nhóm trong NCKH.

  1. Công tác phản biện, nghiệm thu tại Hội đồng các cấp:

– Hội đồng nghiệm thu các cấp thường có thành phần có lợi cho cơ quan quản lý khoa học, tổ chức KHCN, chủ nhiệm… Trọng tình hơn lý, hơn bản ngã của khoa học, dĩ hòa vi quý; Hình thức vỗ tay kiểu “Con hát mẹ khen hay” và ngược lại. Dẫn tới chất lượng khoa học thấp kém. Khả năng đóng góp cho thực tiễn trong mọi sự phát triển ít khả dụng, khả thi. Sự lộn xộn đó, đã từng có nhà khoa học đầu Ngành Xây dựng đã phải thốt lên: “ Hội đồng, hội sắt, hội nhôm – Trong ba hội ấy…lôm côm nhất vẫn là hội đồng”

– Né tránh những nhà khoa học chính trực, có chuyên môn, tâm huyết. Đánh đồng lẫn lộn giữa tốt xấu, trắng đen, thật giả…

  1. Các cơ quan quản lý Bộ, Ngành, Hội nghề nghiệp:

– Các quy trình, quy định, khả năng phối hợp từ các Bộ, Ngành, Địa phương trong các NVKH  mang tích chiến lược như các chương trình mục tiêu, trọng điểm, Quốc gia, liên Ngành… đòi hỏi tính hàn lâm, thực tiễn và nhanh chóng đưa ra kết quả hầu như ít được quan tâm và thiếu vắng có tính hệ thống từ đề cương nhiệm vụ đến nội dung triển khai thực hiện.

– Các quy định có tính liên Bộ giữa Bộ KHCN và  Bộ Tài chính về chính sách, chế độ, nghĩa vụ…cho cán bộ làm công tác NCKH thông qua công lao động, hình thức khoán (chuyên đề), các vấn đề về chứng từ trong giải ngân – Còn nhiều bất cập và cứng nhắc với giờ làm việc, vượt khung giờ làm thêm… Bởi với sản phẩm khoa học là vô giá, đặc thù…Có vậy mới phát huy, khai thác được sự đóng góp, sức sáng tạo của người làm khoa học.

– Chưa thực sự mềm dẻo và linh hoạt  trong tiến độ và kế hoạch phân bổ kinh phí, chỉ thuần túy chạy theo tiến độ kế hoạch hoặc giải ngân (hoàn thành kế hoạch) trong khi chất lượng không đảm bảo và ngược lại NVKH, sản phẩm  NCKH  nếu được làm tốt, cần theo hình thức khoán trọn gói.

– Trong khi nhiều sản phẩm NCKH đã được nghiệm thu thì chỉ cho vào  tủ để lưu trữ, theo kiểu “Hữu ngân vô dụng” – Thì các nghiên cứu xây dựng, biên soạn  lĩnh vực Quy chuẩn,Tiêu chuẩn Quốc gia ở mọi lĩnh vực thuộc các Bộ, Ngành –  Một hình thức  quy phạm dưới luật, phải được công bố áp dụng, vận dụng thì lại thiếu đầu tư, xem nhẹ, lúng túng trong việc lựa chọn hướng đi… Và hệ quả dẫn tới tình trạng luôn phải sửa đổi, chưa bao giờ trở thành công cụ QLNN hữu dụng và đúng nghĩa.

  1. Công tác truyền thông, công bố sản phẩm NCKH:

– Việc đăng tải các thông tin có liên quan đến các NVKH, nội dung và các kết quả của đề tài NCKH chưa thực sự được cập nhật thường xuyên, được trao đổi rộng rãi qua các kênh chuyên đề, phóng sự, phỏng vấn của các kênh trên Đài Truyền hình, Tạp chí khoa học chuyên ngành, Website… Với nội dung được đăng tải trên các Tạp chí chuyên ngành, chúng phải được những người làm công tác quản lý trong Ban biên tập đủ và dư trình độ để kiểm soát, thẩm định…Tránh sự can thiệp duy ý chí chủ quan, làm méo mó giá trị từ nội dung đến kết quả của nghiên cứu và đề xuất.

– Bất luận một sản phẩm KHCN nào đều cần phải được công bố dưới các hình thức  truyền thông khác nhau, giống như một tác phẩm, một ấn phẩm…Có vậy, mới biết được giá trị của chúng với xã hội, được thừa nhận hoặc phê phán khách quan, đó cũng chính là thước đo cần có nhằm điều chỉnh, điều tiết để hướng tới việc trật tự, lành mạnh, dân chủ và anh minh trong KHCN.

Suy cho cùng, các kết quả của NCKH chính là để chinh phục, cải tạo, thuần hóa, thích ứng…với thế giới tự nhiên và môi trường xã hội. Loài người đang chung sống với cuộc cách mạng KHCN “nhiều chấm”, mọi vấn đề có thể giải quyết bằng KHCN, do con người tạo nên.  Nhưng có lẽ trước tiên, con người hãy tự giải quyết, tự hoàn thiện mình lẫn thể chế và môi trường của KHCN và NCKH. Hơn thế, cần phải biết cái hạn chế của đất nước mình, cái lợi thế của dân tộc mình trong môi trường hội nhập.

LL&PB trong lĩnh vực NCKH chẳng những là một sân chơi khó và nhạy cảm, nó đòi hỏi ở người nhận xét, nhận định, nhận diện, phản biện…có đủ bản lĩnh ở góc độ “Tâm, Tài, Thừa” mà còn cần phải hội tụ đủ và dư ở tiềm năng “Trí huệ, Trí tuệ, Trí tạo”. Lĩnh vực này nếu làm tốt, trước hết là tạo ra một môi trường NCKH lành mạnh, huy động và phát huy tối đa sức sáng tạo và cống hiến từ nguồn lực của những người đang sống và làm việc trong môi trường NCKH. Và trên hết, nó sẽ là một trong những động lực nhằm thúc đẩy và hình thành thị trường KHCN của Việt Nam còn non trẻ trong tương lai./.

TS.KTS  Nguyễn Tất Thắng (Nghiên cứu viên Cao cấp – Viện Kiến trúc Quốc gia)