Tôi cắt 20m2 nhà mặt phố lớn Hà Nội chỉ để làm giếng trời
Ban đầu cả đại gia đình phản đối vì dự tính sẽ thu được hơn 100 triệu mỗi tháng khi xây phòng cho thuê ở khu giếng trời này.
Khi xây nhà ở mặt phố lớn của Hà Nội, anh Hoàng Minh quyết tâm lựa chọn phương án giảm số phòng ở, tăng diện tích thông tầng để mọi góc trong nhà đều sáng. Anh chia sẻ khó khăn khi thuyết phục các thành viên lựa chọn giải pháp này:
Ông bà nội của tôi có một mảnh đất rộng 150 m2 ở mặt phố lớn thuộc quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Trước đây, ông bà cùng 5 người con và các cháu sống ở đây suốt hàng chục năm. Khi có điều kiện, bố tôi và các anh chị em lần lượt ra ở riêng, thoát cảnh ở chật chội.
Tới năm 2015, ngôi nhà 3 tầng với tổng diện tích hơn 400 m2 chỉ còn ông bà nội sinh sống cùng chú út của tôi. Một phần nhỏ của tầng một cho cửa hàng bán quần áo thuê với giá 20 triệu đồng một tháng.
Đại gia đình của tôi cảm thấy việc để mảnh đất rộng ở mặt phố ít sử dụng là rất lãng phí. Bởi vậy, các thành viên trong nhà bàn bạc với ông bà xin phép đập nhà cũ, xây thành tòa nhà 6 tầng cho thuê. Hai tầng dưới dự định cho các công ty đặt văn phòng, 4 tầng trên sẽ làm thành các căn hộ nhỏ cho khách nước ngoài thuê ngắn hạn. Các bác, cô chú sẽ góp tiền để xây sửa và thuê một căn hộ với giá 12 triệu một tháng cho ông bà nội và chú út của tôi ở.
Giếng trời rộng đem lại nhiều lợi ích cho ngôi nhà. Ảnh minh họa: Quang Trần.
Sau khi thống nhất chủ trương, mọi người trong nhà quyết định giao cho tôi lo việc làm thủ tục giấy tờ, xây dựng nhà. Trong rất đông con cháu, chỉ có tôi là tự xây nhà dù mảnh đất cũng nhỏ và làm đơn giản. Thêm vào đó, tôi cũng có tính cách mạnh mẽ, quan hệ xã hội nhiều hơn cả. Hầu hết họ hàng của tôi đều mua chung cư hoặc nhà đã xây sẵn, chỉ cần mua sắm nội thất hoặc sửa chữa đơn giản.
Ban đầu, tôi rất hào hứng với việc xây sửa vì mong muốn mau chóng cùng mọi người thu được lợi nhuận lớn trên mảnh đất của ông bà. Nhưng riêng quá trình từ lúc bắt đầu có ý định sửa cho tới lúc chốt được bản thiết kế, tôi mất tận 7 tháng.
Ngôi nhà của ông bà tôi rộng, nằm ở đầu phố, có hai mặt thoáng nhưng một mặt giáp ngõ, nhìn sang nhà hàng xóm nên không thể mở cửa sổ. Nhà hiện trạng xây theo kiểu cũ đã xuống cấp, bí bức, thiếu thông gió. Bởi vậy, chúng tôi phải đập đi xây mới, để nhà khang trang, thoáng sáng hơn.
Tôi tìm kiếm mọi mối quan hệ, tham khảo trên mạng để tìm được những công ty thiết kế nổi tiếng. Chúng tôi đến gặp, mời họ tới xem mặt bằng và trình bày mong muốn của gia đình. Bao nhiêu phương án được đưa ra nhưng đều không nhận được sự đồng thuận mọi người trong đại gia đình bởi mỗi người mỗi ý.
Bởi thế, tôi thở phào khi đa số thích một giải pháp cải tạo giúp cho tất cả các phòng đều có ánh sáng tự nhiên nhờ giếng trời ở giữa nhà. Ngay khi có bản vẽ 3D với hình ảnh sống động, tôi đem về cho các thành viên chủ chốt xem. Mọi người đều hào hứng với viễn cảnh những căn phòng có cửa sổ rộng mở ra khu thông tầng. Chúng tôi dự đoán, nhà đẹp như vậy sẽ rất dễ cho thuê.
Tuy nhiên, tới lúc xem diện tích phân chia từng khu vực, mọi người lập tức phản đối phương án này. Lý do duy nhất là diện tích giếng trời quá lớn: 20 m2. Với các khu đất ở vùng ven, trong ngõ, khoảng đất này đã là lớn nhưng với khu phố trung tâm, thực sự đây là “hàng tấc vàng”. Bác tôi nhẩm tính: “Mỗi tầng 20 m2, nhân với 6 tầng là mất 120 m2”. Nếu cho thuê khoảng diện tích này, chúng tôi có thể thu về hơn 100 triệu mỗi tháng. Hàng xóm bên cạnh cho thuê mặt bằng tầng một rộng 25 m2 cũng thu được 20 triệu một tháng.
Lúc này, tôi đã đặt cọc một phần tiền thiết kế cho công ty kiến trúc và sẽ phải mất trắng khoản chi phí này nếu không tiến hành xây nhà. Nhưng tôi nản hơn bởi đã tốn hơn nửa năm để đi tìm lựa chọn phù hợp mà vẫn chưa đạt được kết quả.
Các gia chủ có thể tận dụng diện tích giếng trời để bố trí chỗ ngồi tiếp khách, bàn ăn, góc vườn nhỏ. Ảnh minh họa: Lê Hoàng.
Khi tôi trao đổi lại, anh kiến trúc sư chính đề xuất sẽ dành thời gian để dẫn những người đại diện trong nhà tôi đi xem các nhà có thiết kế tương tự. Chúng tôi mất nguyên 2 ngày cuối tuần để tới từng công trình, đi xem từng phòng. Có những nhà diện tích nhỏ hơn nhà tôi, nhà ống chỉ có một mặt thoáng nhưng cũng dành diện tích lớn để làm vườn, giếng trời lấy sáng. Kiến trúc sư cũng tế nhị, để cho chúng tôi có những lúc trò chuyện riêng với các chủ nhà để biết cái hay, dở của các giếng trời.
Hai ngày tham quan nhà mệt nhoài nhưng đem lại chuyển biến bất ngờ. Các bác, cô chú của tôi thấy ưng ý với những ngôi nhà giảm diện tích ở, tăng không gian thông tầng, vườn tược. Trước đây, chúng tôi ở trong nhà phố ngột ngạt, có phòng còn không có cửa sổ nên bước vào các căn phòng lung linh nắng gió, ai cũng thích thú. Mọi người còn chụp ảnh nhiều góc trong nhà cho những người không đi xem được.
Sau đó, gia đình tôi mất thêm một vài buổi trao đổi với nhau và với công ty kiến trúc trước khi chấp nhận phương án làm giếng trời rộng 20 m2 giữa nhà. Ở khu vực này, gia đình tôi làm tiểu cảnh sân vườn ở tầng một. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi có thêm một số khó khăn khác. Nhưng chúng tôi đều nhanh chóng vượt qua bởi rào cản lớn nhất đã giải quyết được là bỏ phòng, làm giếng trời. Ngôi nhà của chúng tôi hoàn thành sau 5 tháng và hiện có khách cho thuê ổn định. Các công ty và khách lẻ đều cảm thấy ưng ý vì các phòng đều sáng, có khoảng không gian giữa khu nhà để ngồi chơi, thư giãn.
KTS Ngọc Anh chia sẻ, nhiều gia đình ở thành phố không muốn dành đất để làm giếng trời vì cho rằng đó là diện tích bị bỏ phí. Nhưng trên thực tế, chúng đem lại các lợi ích rất thiết thực cho ngôi nhà, giúp cho thông gió, lấy sáng. Nếu bạn ở trong các ngôi nhà bí bức, sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng. Giếng trời quá nhỏ cũng không đem lại tác dụng đáng kể.
Tùy thuộc vào từng không gian, người có chuyên môn sẽ đưa ra các vị trí phân bố khu thông tầng thích hợp, tránh gây lãng phí đất mà không đem lại hiệu quả gì. Khi có giếng trời đủ rộng, thoáng, thiết kế đẹp mắt, giá trị của ngôi nhà cũng được tăng lên. |
Theo An Yên/Vnexpress.net