12/04/2018

Đại học Kiến trúc Hà Nội – niềm tự hào trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xây dựng và đất nước

Năm 1969, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội ra đời, đây là một mốc son lịch sử trong sự nghiệp đào tạo cán bộ ngành Xây dựng Việt Nam.


Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trao cờ thi đua cho trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Trường Đại học Kiến trúc ra đời với sứ mạng: Đảm nhiệm công tác đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật các ngành kinh tế – xã hội của đất nước ở trình độ đại học và sau đại học, đặc biệt là kiến trúc, quy hoạch, xây dựng, kỹ thuật hạ tầng đô thị và quản lý đô thị; là trung tâm đi đầu trong việc nghiên cứu giải quyết những nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đào tạo, khoa học công nghệ có chất lượng cao phục vụ yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước theo hướng hội nhập quốc tế.

Theo đề nghị của Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng), Chính phủ đã có Quyết định 117/Ttg ngày 17/9/1969 thành lập trường Đại học Kiến trúc, trên cơ sở khoa Kiến trúc đô thị tách ra từ trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Từ cơ sở ban đầu là lớp Đào tạo Kiến trúc sư của Bộ Kiến trúc (có sự phối hợp đào tạo của trường Đại học Bách Khoa), qua 6 năm trở thành khoa Kiến trúc đô thị trường Đại học Xây dựng, qua 2 năm tiếp theo đã phát triển thành trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Trường có cơ sở giảng đường, lớp học, xưởng thiết kế, phòng thí nghiệm, thư viện, ký túc xá, nhà ăn… là những ngôi nhà kiên cố tại Văn Yên, thị xã Hà Đông.

Từ đây, trường được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Kiến trúc, nhận được các yêu cầu đào tạo cán bộ từ Quy hoạch đô thị và nông thôn, Thiết kế kiến trúc công trình, Thiết kế đô thị, Kỹ thuật công trình đô thị, Quản lý kiến trúc và đô thị… cung cấp kịp thời cho công cuộc kiến thiết đất nước. Đây là mốc son chuyển biến lớn trong đào tạo cán bộ bậc Đại học của ngành.

Khi mới thành lập, trường được giao nhiệm vụ đào tạo 4 loại hình cán bộ bậc Đại học cho ngành Xây dựng: Kiến trúc sư, Kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp, Kỹ sư xây dựng công trình kỹ thuật thành phố, Kỹ sư kinh tế xây dựng. Trường có 2 khoa: Khoa Kiến trúc và khoa Kỹ thuật xây dựng. Quy mô tuyển sinh là 200 sinh viên mỗi khóa. 2 năm sau, trường phát triển thành 4 khoa: Khoa Kiến trúc, khoa Đô thị, khoa Xây dựng, khoa Cơ bản. Quy mô tuyển sinh tăng dần đến 400 sinh viên mỗi khóa.

Những năm tiếp theo, trường được mở thêm các ngành mới: Kỹ sư xây dựng công trình ngầm, Kỹ sư quản lý đô thị, Mỹ thuật công nghiệp. Từ năm 1990, trường được giao đào tạo sau Đại học các ngành đang được đào tạo tại trường. Từ mốc son này, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã có bước phát triển vững chắc. Hiện nay, trường có 10 khoa, 7 trung tâm với 10 ngành học. Sự nghiệp đào tạo cán bộ của ngành Xây dựng lớn mạnh: Bộ Xây dựng hiện trực tiếp quản lý 2 trường Đại học Kiến trúc, 2 trường Đại học Xây dựng, 4 trường Cao đẳng Xây dựng trên toàn quốc, bảo đảm đào tạo đủ cán bộ bậc Đại học phục vụ công cuộc xây dựng đất nước.


Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội được trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, PGS.TS.KTS. Lê Quân – Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: Trách nhiệm của trường là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì thế, nhiệm vụ khá nặng nề, đặc biệt trong năm qua. Những người làm trong lĩnh vực giáo dục luôn có sức ép đặt ra trong tâm của mình là phải làm sao để có thể truyền tải kiến thức của mình cho các thế hệ sau một cách hoàn thiện nhất. Ngày nay, sinh viên không giống như những năm trước nên buộc nhà trường phải có sáng tạo trong giảng dạy để thích ứng phù hợp.

Trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, nhà trường cũng gặp một số khó khăn nhất định. Thế nhưng, nhà trường quan niệm khó khăn cũng đồng nghĩa với động lực. Có khó khăn, thách thức thì mới có động lực vươn lên. Vì vậy, khó khăn lúc này được xem như cơ hội để toàn thể các thầy cô giáo, cán bộ viên chức, sinh viên, học viên cùng nỗ lực phấn đấu, đoàn kết một lòng và chung sức xây dựng thương hiệu của trường, để ngày càng phát triển vững mạnh.

Bên cạnh đó, trường cũng được sự động viên và giúp đỡ từ Bộ chủ quản (Bộ Xây dựng) và nhiều cơ quan, doanh nghiệp khác. luôn đồng hành và cổ vũ, giúp trường giảm thiểu khó khăn và vươn lên. Ngoài ra, thuận lợi chính của trường cũng là nhờ bao công sức hợp lực của hơn 900 cán bộ, viên chức và hơn 11.000 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đã cùng nhau chung sức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm qua.

Hàng năm, các cán bộ giảng viên, sinh viên nhà trường luôn đạt nhiều thành tích trong học tập nghiên cứu khoa học với các giải thưởng quốc tế danh giá. Hiện tại có rất nhiều người hiện đang giữ vai trò quan trọng trong xã hội hay những doanh nhân thành đạt đều từng là sinh viên của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Cũng như có rất nhiều doanh nhân danh tiếng trên trường quốc tế cũng từng tốt nghiệp từ môi trường này. Có thể kể đến như Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn; Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy…

Không thể phủ nhận nền giáo dục của thế hệ trước. Tuy nhiên, thế hệ hiện tại cũng được thừa hưởng không kém nền giáo dục chuẩn mực mà trường đang hướng tới. Thế hệ hiện tại có rất nhiều cơ hội để vươn cao, vươn xa mà trường tạo điều kiện cho họ. Bởi vì đội ngũ giảng viên của trường có chất lượng cao, tận tâm với nghề và yêu thương học trò, luôn tạo cơ hội cho học trò phát huy khả năng của mình.

Trường luôn tìm cách phát triển công tác hợp tác quốc tế để các em sinh viên được năng động và thích nghi hơn nữa trong thời đại mới. Trường hiện hợp tác với 133 trường đại học, tổ chức giáo dục trên thế giới khắp 5 châu lục. Chính vì thế, thế hệ sinh viên hiện tại sau khi ra trường được trang bị đầy đủ kiến thức để có thể đóng góp lợi ích cho xã hội.

Trong thời gian tới, trường cũng có nhiều dự định tương lai như tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tinh giải, tiếp cận tốt với thị trường lao động, phục vụ nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cao cho ngành và xã hội. Vấn đề hội nhập quốc tế sẽ được phát huy sâu rộng hơn nữa. Đồng thời đẩy mạnh quyền tự chủ, trao quyền và trách nhiệm cho các đơn vị toàn trường, tiếp cận lộ trình tự chủ đại học…

Giá trị cốt lõi của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội:Giảng viên, viên chức, học viên, sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội luôn luôn tự hào, ý thức đầy đủ trách nhiệm kế thừa và phát huy truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển của nhà trường;

Giảng viên, cán bộ viên chức nhà trường tự hào vì được góp phần quan trọng trong đào tạo đội ngũ Kiến trúc sư, Kỹ sư, Cử nhân, Nhà khoa học có đức có tài, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ;

Được học tập, rèn luyện tại cái nôi đào tạo Kiến trúc sư danh tiếng ở cả trong và ngoài nước là động lực thúc đẩy sinh viên, học viên liên tục phấn đấu đạt chất lượng tốt nhất, có năng lực để phát triển lâu dài, bền vững;

Với niềm vinh dự và tự hào được làm việc, học tập dưới mái trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; các thế hệ giảng viên, viên chức, học viên, sinh viên nhà trường nỗ lực phấn đấu góp phần nâng cao vị thế của một trường Đại học trọng điểm về đào tạo Kiến trúc sư, Kỹ sư, Cử nhân ngành Xây dựng theo tinh thần “Chất lượng cao – Sáng tạo – Tiên phong – Tích hợp – Trách nhiệm – Phát triển bền vững”; được lãnh đạo ngành Xây dựng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Khánh Phương/BXD