Mở rộng sân bay, địa ốc khu vực Tân Bình – Tân Phú thêm sức hút?
Các quận liền kề sân bay sẽ có nhiều đổi thay trong thời gian tới.
Hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng đối với giá trị của ngành địa ốc. Giao thông kém, bất động sản có xu hướng chững lại và ngược lại, nếu hạ tầng được đầu tư xây dựng sẽ khuấy động thị trường, nâng cao tiềm năng, đôi khi cao gấp nhiều lần so với mặt bằng chung. Và trong năm 2018, khu vực Tân Bình – Tân Phú hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ hai yếu tố trên.
Những điểm sáng trong quy hoạch
Những ngày cuối tháng 3, hạ tầng TPHCM lại trở nên đáng chú ý hơn khi Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể, xây dựng thêm một nhà ga hành khách (ga T3) với diện tích sàn 200.000m2, để có thể phục vụ 20 triệu hành khách/năm ở phía Nam, tổng vốn khái toán khoảng 18.000 tỷ đồng.
Còn phía Bắc thì sẽ xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistics và chế biến suất ăn từ năm 2025 trở đi. Quỹ đất sử dụng sẽ có sân golf và đất của Bộ Quốc phòng.
Đồng thời, nhiều trục đường nối thẳng vào ga T3 cũng sẽ được lên kế hoạch cải tạo và xây mới, như đường Hoàng Hoa Thám, đoạn giáp sân bay tới đường Cộng Hòa chuẩn bị được mở rộng với tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng hay đoạn từ ga T3 nối ra đường Trường Chinh – Cộng hòa cũng sẽ được xây mới.
Với tình trạng Tân Sơn Nhất đang vượt công suất như hiện nay, phương án này được coi là một giải pháp hợp lý và sau khi hoàn thành sẽ mang lại hiệu quả cao, mỗi năm có thể phục vụ tối thiểu 50 triệu hành khách.
Hiện, cũng đang có nhiều e ngại rằng tình trạng giao thông có thể ùn tắc nghiêm trọng hơn khi sân bay được mở rộng, tuy nhiên Thủ tướng cũng đã giao cho UBND thành phố chủ động trong điều phối và đầu tư hạ tầng quanh Tân Sơn Nhất, kiểm soát mọi tình huống.
Đặc biệt là đường Trường Chinh, một trong các tuyến đường quan trọng nối thẳng từ trung tâm về sân bay. Từ năm 2017, tuyến đường này đã thành phố đã thông qua dự án mở rộng (đoạn giao với đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ, dài 765m) lên thành 30m, với 6 làn xe lưu thông. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 278 tỷ đồng.
Hiện tại, các quận Tân Bình và Tân Phú đang triển khai đền bù giải phóng mặt bằng. Khu quản lý giao thông đô thị số 1 đang cắm mốc ranh giới. Dự kiến công trình sẽ khởi công trong năm nay.
Nhiều chuyên gia nhận định, hai dự án này khi hoàn thành sẽ mang lại thay đổi rất lớn cho khu vực phía Nam sân bay, nổi bật là hai quận Tân Bình, Tân Phú.
Thị trường khu vực dậy sóng?
Quy hoạch mở rộng Tân Sơn Nhất gợi nhớ đến sân bay Haneda ở Nhật Bản. Trước đây, do quá tải, nên Haneda đã từng phải giảm bớt một số hạng mục và chuyển sang cho một phi trường cách thành phố 70km.
Tuy nhiên, kể từ năm 2010, Haneda đã được mở rộng và nhận lại vai trò là sân bay quốc tế chính của Tokyo, được định hướng trở thành điểm đi và đến của các thương gia, là sân bay đông đúc thứ ba ở châu Á. Nhiều chuyên gia kinh tế dự tính, đến năm 2020, tác động kinh tế của sân bay Haneda sẽ không hề nhỏ tới các khu vực lân cận.
Quay trở lại Việt Nam, nhiều người đang kì vọng vào một kịch bản tương tự như Haneda sẽ lặp lại và dự đoán rằng, với quy hoạch này, khu vực xung quanh sân bay, đặc biệt là quận Tân Bình, Tân Phú sẽ có những thay đổi tích cực về diện mạo và giá trị trong thời gian tới.
Thực tế, từ năm 2017, khi Chính phủ còn chưa quyết định lựa chọn phương án quy hoạch thì tại nhiều tuyến đường xung quanh sân bay đã hình thành những ô phố hoàn chỉnh, đồn thổi giá lên. Ở thời điểm hiện tại, mặc dù chưa có công bố chính thức nhưng giá cả nơi đây cũng đang nhích lên.
Quy hoạch đường Trường Chinh cũng đang góp phần làm nên những tín hiệu tích cực cho khu vực này. Dự án sau khi hoàn thành không chỉ làm giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn trên trục đường huyết mạch nối về các quận ven đô mà còn đưa đến một làn sóng dịch chuyển về phía Tây của cư dân và các nhà địa ốc, hàng loạt tiện ích đang được xây dựng lên, bất động sản của khu vực đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Địa ốc tăng giá là một quy luật dĩ nhiên khi cơ sở hạ tầng phát triển. Hai dự án mở rộng Tân Sơn Nhất và đường Trường Chinh đã khiến động sản nơi đây có khả năng cạnh tranh được với các quận trung tâm. Trong đó, quận Tân Phú đang nổi trội hơn cả, bởi quỹ đất còn thông thoáng, bức tranh hạ tầng đang ngày một rõ nét, thu hút nhiều cư dân cũng như nhà đầu cơ với hơn 30-40 dự án lớn đã khởi công trong vòng ba năm nay. Trong đó, có những công trình có quy mô tới hàng chục hecta ví như khu đô thị Xanh Celadon City của Gamuda Land.
Có thể nói, 2018 hứa hẹn sẽ là một năm sôi động của thị trường phía Tây, đặc biệt là đối với hai quận liền kề sân bay là Tân Phú và Tân Bình, không chỉ bởi những quy hoạch hạ tầng hiện hữu mà còn vì giá trị bất động sản đang tăng dần theo thời gian.
Cẩm Vân/VnEconomy