09/04/2018

Bất động sản TP.HCM: Đón sóng giãn dân

Với việc hạ tầng giao thông từ nội đô ra ngoại ô đã tương đối hoàn thiện, năm 2018 sẽ là giai đoạn cao điểm TPHCM giãn dân ra vùng ven.

Thời điểm chín muồi

Giãn dân là 1 trong 7 chương trình đột phá trọng điểm mà TPHCM đề ra trong vòng 5 năm (2015 – 2020). Báo cáo trước HĐND TPHCM tại cuộc họp tổng kết tình hình kinh tế – xã hội TPHCM 2017, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hạ tầng giao thông phục vụ chính sách giãn dân đã cơ bản hoàn thiện, năm 2018 sẽ tiến hành các chính sách giãn dân ra vùng ven.

Theo ông Phong, vốn ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông năm 2017 là hơn 11.300 tỷ đồng, luỹ kế 2 năm 2016 – 2017 là 20.600 tỷ đồng, đạt 33,6% so với kế hoạch 2016 – 2020, còn lại phải thực hiện trong giai đoạn 2018 -2020 là hơn 40.700 tỷ đồng.

Nhiều đại Dự án ở ngoại ô đã sẵn sàng đón người dân về ở.
Nhiều đại dự án ở ngoại ô đã sẵn sàng đón người dân về ở.

Với số vốn đã chi ra trong giai đoạn trước và đặc biệt là từ năm 2016 tới nay, hạ tầng TPHCM kết nối ra các quận huyện vùng ven dần hoàn thiện. Chẳng hạn, mở rộng tuyến đường xa lộ Hà Nội nối quận Bình Thạnh ra các quận 2, quận 9, Thủ Đức đi các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Mở rộng tuyến đường Trường Chinh kết nối khu Tây Bắc TPHCM gồm Củ Chi, Hóc Môn và một mặt của huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vào trung tâm TPHCM. Xây hầm chui An Sương của tuyến đường Trường Chinh với Quốc lộ 22 đi Tây Ninh, một nơi được cho là “điểm đen” trong tắc nghẽn giao thông của TPHCM.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng xây dựng xong tuyến đường Võ Văn Kiệt (quận Bình Tân) và khu đường Luỹ Bán Bích, đường Kinh Dương Vương (quận Tân Phú) để kết nối khu trung tâm Thành phố với khu Tây Nam đi các huyện thuộc tỉnh Long An. Hay xây dựng xong các tuyến đường nối khu Nam vào trung tâm Thành phố như Quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Linh… Tất cả tạo ra một hệ thống giao thông kết nối thông suốt, giảm ùn tắc trong nội đô.

Cơ hội rộng mở

Sự phát triển mạnh của hệ thống giao thông kết nối đã kích thích bất động sảnvùng ven TPHCM và các tỉnh lân cận khởi sắc mạnh thời gian qua.

Đơn cử, thông tin xây dựng tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên nối với hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, kèm theo việc phát triển hệ thống đường song hành của cao tốc TPHCM – Long Thành, hay việc TPHCM sẽ xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), đặc biệt là Dự án xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành đã khiến thị trường bất động sản Đồng Nai trong năm 2017 sôi động nhất từ trước tới nay.

Hạ tầng giao thông cơ bản hoàn thiện là cơ sở để TP.HCM đẩy mạnh giãn dân.
Hạ tầng giao thông cơ bản hoàn thiện là cơ sở để TPHCM đẩy mạnh giãn dân.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam, thị trường bất động sản Đồng Nai đã sẵn sàng cho việc hưởng lợi từ kết nối vùng với TPHCM. Hiện Đồng Nai có tổng cộng 55 dự án nhà ở, cung cấp gần 30.200 sản phẩm ra thị trường (cả sơ cấp và thứ cấp), trong đó thị trường thứ cấp chiếm hơn 90%, tương đương 27.600 sản phẩm.

“Thị trường bất động sản Đồng Nai được phân thành 3 nhóm, trong đó nhóm 1 đã tiếp cận và gắn liền không gian với khu đô thị hiện có là TP. Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom, cùng với Long Khánh (Nhơn Trạch chưa có thị trấn). Nhóm 2 là vùng ngoại ô của những thị trấn, đô thị thì phải đầu tư từ 5 – 7 năm. Nhóm 3 là đầu tư các dự án xung quanh Sân bay Long Thành, tổng quy mô 21.000 ha, nhưng chưa có quy hoạch. Quỹ đất này giúp bất động sản Đồng Nai hưởng lợi lớn từ chính sách giãn dân của TPHCM”, ông Khương nói.

Còn với Bình Dương, nhất là huyện Dĩ An, với lợi thế sát TPHCM, thị trường bất động sản tại đây đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển mạnh trong thời gian tới. Do đó, một số công ty bất động sản như Kim Oanh, Samland, Him Lam Land, Phú Đông… đã nắm bắt cơ hội, chuẩn bị trước quỹ đất để phát triển dự án trong năm 2018. Ngoài ra, thị trường bất động sản trung tâm của tỉnh Bình Dương (thành phố mới Bình Dương) cũng bắt đầu có sự hồi sinh khi lượng tồn kho giảm mạnh, số lượng giao dịch tăng cao.

Ông Trần Khắc Thạch, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tỉnh Bình Dương cho biết, điểm nghẽn của thị trường bất động sản Bình Dương thời gian qua đó là giao thông. Tuy nhiên, sau khi TPHCM hoàn thành tuyến đường Phạm Văn Đồng nối Sân bay Tân Sơn Nhất với các tỉnh miền Đông chạy qua tỉnh Bình Dương, cùng với tuyến Metro số 1 nối tới Bình Dương và sẽ tiến hành xây dựng mở rộng tuyến Quốc lộ 13 nối TPHCM với Bình Dương, thị trường bất động sản Bình Dương sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới.

Tương tự, thị trường bất động sản Long An cũng được cho là được hưởng lợi từ chính sách giãn dân của TPHCM, nhất là 3 huyện giáp ranh TPHCM gồm Đức Hòa, Cần Giuộc và Bến Lức. Trong đó, Đức Hòa và Cần Giuộc là hai huyện hưởng lợi lớn nhất, nên được nhiều doanh nghiệp địa ốc lựa chọn để triển khai dự án bất động sản.

Ông Lưu Đình Khẩn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An cho rằng, thị trường bất động sản Long An sẽ hưởng lợi lớn từ chính sách giãn dân của TPHCM, bởi tỉnh này hiện có quỹ đất rộng, giao thông kết nối giữa hai địa phương hoàn chỉnh và tỉnh đang có chính sách kêu gọi nhà đầu tư vào phát triển dự án bất động sản.

Chuẩn bị đón sóng

Ông Bùi Văn Hiếu, Chánh văn phòng Sở Xây dựng TPHCM cho biết, hiện danh sách xin được triển khai dự án bất động sản năm 2018 trên địa bàn TPHCM có số lượng lớn là những dự án vùng ven.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều doanh nghiệp địa ốc tại TPHCM cũng cho rằng, năm 2018 sẽ là năm của bất động sản vùng ven. Bởi trong năm nay, TPHCM sẽ thực hiện chính sách giãn dân, đồng thời siết việc cấp mới các dự án bất động sản ở trung tâm.

Để chuẩn bị đón sóng, từ những năm 2015, đã có rất nhiều doanh nghiệp địa ốc tiến hành mua quỹ đất ở vùng ven để phát triển dự án khi cơ hội đến. Trong đó, Him Lam Land hiện là doanh nghiệp có quỹ đất vùng ven khá lớn tại Dĩ An (Bình Dương), quận 9, quận 2 (TPHCM). Hưng Thịnh Corp cũng đã có trong tay hàng chục lô đất vùng ven tại huyện Bình Chánh, quận 9, quận 7, Thủ Đức (TPHCM).

Tương tự, Đất Xanh cũng đã “om” sẵn quỹ đất tại Đồng Nai, quận Thủ Đức, quận 7. Công ty cổ phần Nhà Mơ chuẩn bị quỹ đất tại quận 9, giáp với huyện Bình Chánh để phát triển dự án 2.000 căn hộ vào quý I/2018. Một loạt chủ đầu tư khác như Keppel Land chuẩn bị quỹ đất tại Khu kinh tế mở Long Hưng (Đồng Nai); Đại Phúc Group thì chuẩn bị quỹ đất tại Long An, quận 7 (TPHCM); Trần Anh Group chuẩn bị hàng trăm héc-ta tại huyện Đức Hòa, Bến Lức (Long An); Cát Tường Group cũng góp mặt với việc sở hữu hàng chục lô đất lên tới 200 ha tại Thủ Thừa, Đức Hòa (Long An)…

Ông Trần Quốc Việt, Tổng giám đốc Cát Tường Group cho biết, khu vùng ven có quỹ đất lớn, giá còn hợp lý, cộng thêm nhu cầu của thị trường cao, nên thị trường bất động sản vùng ven sẽ có bước phát triển mới.

“Bước vào năm 2018, chúng tôi sẽ cho ra mắt dự án rộng 110 ha tại huyện Đức Hòa (Long An) để đón sóng giãn dân của TPHCM. Tiềm năng đến từ hạ tầng giao thông và việc TPHCM bỏ cơ chế tuyển công chức phải có hộ khẩu tại Thành phố đã tạo cơ sở đột phá mới cho thị trường vùng ven. Nhiều người dân thay vì mua nhà với giá đắt đỏ tại TPHCM để có được hộ khẩu Thành phố, sẽ dịch chuyển ra vùng ven mua nhà”, ông Việt nói.

Gia Huy/Báo Đầu tư