Chính phủ điện tử và đô thị thông minh
Chính phủ điện tử và đô thị hay thành phố thông minh là hai thực thể khác nhau nhưng lại gắn kết với nhau như hình với bóng, bởi đây là một quá trình chuyển đổi số không phải cho riêng từng ngành, từng doanh nghiệp mà trên toàn xã hội. Bằng nhiều cách khác nhau, Việt Nam đang tiến tới sự hình thành những đô thị thông minh, và trong nhiều trường hợp đầy tham vọng là hình thành những thành phố thông minh cùng với chính quyền đô thị điện tử.
Trong vài năm gần đây, chính quyền của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã thực hiện các bước chuẩn bị cho việc hình thành những đô thị thông minh trong tương lai. Các địa phương xem đây là bước đi tất yếu trong quá trình phát triển và nâng tầm cạnh tranh quốc gia, cũng như tạo nên sự khác biệt cho các vùng miền dựa trên đặc điểm của mỗi thành phố thông minh.
Theo thông tin ở cuộc Hội thảo Việt – Pháp về xây dựng đô thị thông minh được tổ chức trong thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ có ít nhất ba thành phố thông minh vào năm 2020. Nhưng xem ra các ý kiến được trình bày tại cuộc hội thảo này không phản ánh được đầy đủ thực trạng việc phát triển đô thị thông minh trong bối cảnh của Việt Nam, nơi đang nhắm tới sự chuẩn hóa những chỉ tiêu căn bản cho loại hình đô thị này và cũng là nơi Chính phủ phải chuẩn bị đưa ra những sáng kiến về chính quyền đô thị.
Trên thực tế, không thể tách rời chính quyền điện tử với đô thị thông minh và cuối cùng thì cả hai thực thể này không chỉ nhắm đến việc điều hành quản lý mà cao hơn hết là nhắm đến sự phục vụ.
E-Government Solutions (nguồn: CityLeaders.net)
Mô hình chính phủ điện tử của Singapore
Điều rất dễ nhận ra là chính quyền điện tử của Singapore là mẫu hình chính quyền phục vụ của một trong những thành phố thông minh sớm nhất trên thế giới. Trên thực tế, từ nhiều năm trước Singapore đã bắt đầu tìm kiếm lộ trình nhắm tới sự hình thành nên một quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới. Chín trên mười căn hộ ở Singapore được kết nối băng thông rộng và tất cả đều đã được nối cáp. Mức độ thâm nhập di động tại quốc đảo này đã vượt quá 85% dân số. Và về phương diện chính phủ điện tử, Singapore đang là nước dẫn đầu với hệ thống dịch vụ hồ sơ điện tử (IRAS), passport điện tử (MHA) và tín dụng điện tử (NLB). Đó là những công cụ của một chính phủ điện tử, không chỉ đáp ứng nhanh nhất thế giới mà còn thông minh nhất thế giới.
Có một điều mà ít ai chú ý, trừ vị Thủ tướng của quốc gia này, đó là khi đưa công nghệ thông tin vào biến đổi Singapore thành một quốc gia thông minh thì công nghệ này cũng có nhiệm vụ không bỏ bất cứ người nào ở lại phía sau.
Các trung tâm kết nối công dân (Citizen Connect Centres) đã được thành lập có nhiệm vụ hỗ trợ bất kỳ ai cần thiết lập cho mình những hồ sơ điện tử và sử dụng nó, thí dụ khi khai báo thuế, vay mượn ngân hàng, hay cả trong những dịch vụ tư pháp.
Có thể nhận ra rằng trong mô hình phát triển đô thị thông minh hay quốc gia thông minh với chính quyền điện tử của Singapore luôn hòa nhập vào nhau, và đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho xã hội Singapore vượt lên phía trước các quốc gia khác. Ở Singapore rất khó tách biệt đâu là nội dung chính phủ điện tử, đâu là tính năng đô thị thông minh.
Chương trình Quốc gia Thông minh do một vị bộ trưởng điều hành và văn phòng điều hành chương trình nằm chung với văn phòng Thủ tướng. Điều này cho thấy Singapore quan tâm đặc biệt đến việc hình thành nền tảng để phát triển nên một quốc gia thông minh và cùng với đó là chính phủ điện tử. Văn phòng này gồm hai bộ phận chính gồm di động thông minh (Smart Mobility) lấy MyTransport App làm công cụ điều hành hệ thống giao thông, và cuộc sống thông minh (Smart Living) được xây dựng dựa trên bộ khung đô thị thông minh (Smart HDB Town Framework) gồm bốn nội dung: quy hoạch thông minh (Smart Planning), môi trường thông minh (Smart Environment), kiến trúc thông minh (Smart Estate), và nơi ở thông minh (Smart Living).
Trong khi nhiều nước mới chỉ quan tâm thực hiện cải cách hành chánh theo hướng số hóa với các chuyên ngành như hải quan điện tử, y tế điện tử, thì Singapore đã tiến đến phục vụ điện tử, bởi chính quyền điện tử ở đây được xây dựng trên căn bản thành phố thông minh. Về chăm sóc sức khỏe chẳng hạn, các bệnh viện đều đã tích hợp hồ sơ điện tử của bệnh nhân để từ đó các bác sĩ có thể xem ngay những thông tin về người bệnh, bất kể họ nhập viện ở đâu, và nếu đó là trường hợp khẩn cấp phải đưa đến bệnh viện khác thì hồ sơ của họ vẫn đã có sẵn tại đó.
Trong khi đó, cơ quan Land Transport Authority (LTA) phụ trách về giao thông đường bộ phải đem ứng dụng MyTransport App vào việc điều hành hệ thống giao thông công cộng, tích hợp các ứng dụng từ Google Play và App Store với trung tâm dữ liệu LTA Data Mall để vận hành mạng lưới giao thông thông minh, tiện lợi và có hiệu quả. Bất cứ ai cầm trên tay một chiếc điện thoại đứng trên đại lộ Bayfront cũng có thể hỏi MyTransport đường đến Ion Orchard. Nó sẽ chỉ cho họ biết phải di chuyển đến nhà hát trước cửa khách sạn Marina Bay Sands cách đó mấy chục mét, lên chuyến xe buýt số 106; và khi còn cách Ion Orchard hai trạm dừng thì MyTransport lại nhắc cho họ để chuẩn bị xuống.
- Ảnh minh họa bên: Trên thực tế, từ nhiều năm trước Singapore đã bắt đầu tìm kiếm lộ trình nhắm tới hình thành nên một quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới. (Ảnh: Bình Nguyên)
Cuộc chạy đua giữa các thành phố thông minh
Nhu cầu cho sự phát triển của chính phủ điện tử mà trước hết là chính quyền đô thị điện tử nay đã khác rất nhiều so với chỉ vài năm trước, nhờ sự tiến bộ của công nghệ, việc định nghĩa và định hướng đô thị thông minh đã tiến lên những cấp bậc mới mà trong cuộc cạnh tranh này không thành phố nào muốn trở nên lạc hậu. Từ những cơ sở nền tảng đô thị thông minh mà người ta hay nói đến như hạ tầng kỹ thuật cũng như số người sử dụng Internet, các thành phố thông minh nay nhắm đến những lợi thế của mình để tạo nên sự khác biệt khả dĩ tạo nên sự hấp dẫn và sức cạnh tranh cho riêng thành phố so với khu vực và với các thành phố thông minh khác. Người ta có những tiêu chuẩn về nền tảng đô thị thông minh cho một quốc gia nhưng lại không thể tạo ra khuôn mẫu cho các thành phố thông minh.
Cuộc chạy đua thành phố thông minh trở nên náo nhiệt. Mỗi thành phố tập trung đầu tư hạ tầng, trong đó có hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm hướng đến những mục tiêu đô thị thông minh cụ thể cho riêng mình. Thái Lan ưu tiên phát triển thành phố thông minh Phuket lấy công nghiệp du lịch làm mũi nhọn, bởi đây là khu vực hội tụ đầy đủ các yếu tố công nghệ bao gồm hạ tầng số, thương mại điện tử, chính phủ điện tử, công nghệ giao thông vận tải, y tế điện tử, công nghệ nông nghiệp, công nghệ giáo dục và an ninh mạng.
Các thành phố có những mẫu hình thông minh khác nhau, không rập khuôn theo nhau, ngược lại cạnh tranh với nhau trên những sáng kiến khả dĩ ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế và cuộc sống con người, và đó chính là sự đa dạng trong phát triển. Singapore là thành phố thành công nhất trong lĩnh vực nhà ở và dịch vụ thông minh. Barcelona (Tây Ban Nha) đứng hàng thứ hai, nhờ vào sáng kiến hợp nhất quản trị mạng lưới điện và cấp nước, đồng thời với hệ thống công nghệ thu gom rác thải.
Ở đây người ta thấy các thành phố công nghệ đang nhắm đến kiến trúc nhà thông minh, hệ thống tiết kiệm tài nguyên, và thiết lập những mạng lưới thông minh nhờ vào các công nghệ cảm biến và xu hướng Internet vạn vật. Người ta nói nhiều đến văn hóa và du lịch, nhưng việc số hóa lĩnh vực này lại có ý nghĩa đặc biệt và trong nhiều thành phố lại trở thành chiến lược hàng đầu mang cả ý nghĩa kinh tế. Barcelona, Singapore và Thượng Hải (Trung Quốc) đang đi đầu trong lĩnh vực này.
Việc đẩy mạnh nền kinh tế số là điều tất nhiên ở các thành phố công nghệ, trong đó ba lĩnh vực đang nổi lên mạnh mẽ là nền kinh tế chia sẻ tạo nên sự kết nối liền lạc giữa hai thế giới thật và ảo, công nghệ tài chính như là một cuộc cải cách lớn thay cho hệ thống ngân hàng, và ở những thành phố nhất định người ta đã bắt đầu phát triển kỹ nghệ 4.0 nhằm đưa sản xuất về gần với thành phố là trung tâm tiêu thụ.
Ở bậc thấp, các chính phủ điện tử có chung một mục đích là quản trị tốt, phục vụ nhanh thông qua việc số hóa các hoạt động thông thường của chính phủ nhằm bảo đảm hiệu năng trên các lĩnh vực an ninh, kinh tế và xã hội. Nhưng ở bậc cao chính phủ điện tử lại phải có ảnh hưởng tích cực trên các chọn lựa khác biệt của từng thành phố thông minh, kể cả khi còn là chuẩn thành phố thông minh.
Sự chuyên biệt này đòi hỏi không chỉ hoàn thiện hay nâng cấp chính phủ điện tử mà cần nhất là sự mạnh dạn phân quyền cho các chính quyền đô thị và đây lại là cách duy nhất để đưa các thành phố hiện nay lên hàng thành phố thông minh. Rất tiếc, điều này lại rất ít được nói tới, nhất là trong các cuộc hội thảo mang nhiều tính quảng cáo cho các công ty công nghệ. Sự phân quyền cần thiết này giúp cho việc giải phóng năng lực thành phố khỏi sự quản lý tập trung của trung ương, giúp thành phố phát huy nội lực để không tạo thêm gánh nặng cho chính phủ, và nhất là tránh tình trạng san bằng nơi nào cũng muốn có những đô thị, những thành phố thông minh dưới một hình thức bao cấp.
Sự lựa chọn nào cho Việt Nam?
Khác với những bài tham luận được trình bày tại các buổi hội thảo, các tỉnh và các thành phố ở nước ta đã cho thấy khuynh hướng tích hợp giữa phát triển thành phố thông minh và chính phủ điện tử (e-government), ở đây là chính quyền đô thị điện tử (e-governance). Hai lý do cơ bản là các giới chức đã nhận ra không thể phát triển những đô thị hay thành phố thông minh bằng một cơ chế ràng buộc và rất chậm từ trung ương, và thứ hai là họ cảm thấy chính phủ điện tử nay không chỉ là một thứ để quản trị nữa mà là một tổ chức phục vụ công dân.
Ngày 17/7/2017, Chính quyền tỉnh Thanh Hóa ra Quyết Định “Về việc phê duyệt đề án xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh”. Trước đó trong tháng 11/2016 Chính quyền thành phố Hà Nội đã xác định “Nền móng của Chính phủ điện tử và Thành phố thông minh” cho mình. Đà Nẵng cũng bắt đầu rất sớm với kế hoạch “Từ chính quyền điện tử đến thành phố thông minh” từ mười năm trước nhưng nay đang khựng lại ở những sáng kiến ban đầu, ít ra là tạm thời. Trong khi đó đô thị lớn nhất nước là TPHCM vốn mang trong mình nội lực rất lớn để trở thành thông minh lại đang chờ được trở thành một chính quyền đô thị.
Hơn bao giờ hết việc trở thành đô thị thông minh đang trở thành sự bức bách trong bối cảnh Việt Nam phải nhanh chóng lấy lại tiềm lực để không bị bỏ lại phía sau ngay tại khu vực Đông Nam Á, và nước ta không thể đánh mất cơ hội vì những thủ tục hành chánh. Chính trong sự gắn kết chính phủ điện tử, chính quyền đô thị với thành phố thông minh chúng ta sẽ nhận ra việc gì phải làm, và cũng qua đó mới có cơ sở mời gọi các tổ chức dân sự trong cũng như ngoài nước bỏ vốn đầu tư. Nhiều thành phố, trong đó có Đà Nẵng, đã nhắm đến xã hội hóa đầu tư vào các hạng mục thành phố thông minh, nhưng việc định hình đô thị thông minh mà không có chính quyền đô thị sẽ không bảo đảm được cho những kế hoạch đầu tư, kể cả đầu tư công và đầu tư tư nhân.
Các nhà lãnh đạo của chúng ta đã than phiền rất nhiều về việc cải cách biên chế, nhưng cần hơn nữa không phải là việc tinh giảm mà là tinh lọc để có một đội ngũ công chức điện tử, những công chức có năng lực khả dĩ đáp ứng được cả hai mục tiêu chính phủ điện tử và thành phố thông minh.
Hoàng Việt
(TBVTSG)