12/03/2018

TPHCM: Hành trình đi đến thành phố thông minh

Chính quyền TPHCM đang tích cực triển khai công tác thực hiện đề án đô thị thông minh nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Đề án đô thị thông minh của TPHCM sẽ được thực hiện trong ba giai đoạn. Giai đoạn 1 (2017-2020) sẽ triển khai xây dựng nền tảng công nghệ cho đô thị thông minh và xây dựng trung tâm dữ liệu dự phòng, nền tảng dữ liệu mở, kho dữ liệu dùng chung… Giai đoạn 2 (2020-2025) sẽ tập trung triển khai các giải pháp thông minh trong các lĩnh vực chuyên ngành và một số giải pháp đã được triển khai ở giai đoạn 1 sẽ được mở rộng và cập nhật dữ liệu. Thành phố sẽ đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ mới… trong giai đoạn 3 của đề án (sau 2025).


Một góc TPHCM về đêm. (Ảnh: TTXVN)

Tìm vốn đầu tư cho đề án

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, trong năm 2018 này thành phố sẽ kêu gọi nhà đầu tư tham gia vào việc xây dựng bốn trung tâm thuộc đề án thành phố thông minh. Đó là các trung tâm điều hành đô thị thông minh, mô phỏng dự án chiến lược phát triển kinh tế xã hội, an toàn thông tin, kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở. Cơ quan này cho rằng để hình thành được các trung tâm trụ cột của đề án cần phải có hệ thống số hóa thông tin cơ sở chuyên ngành, số hóa cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu hoạt động doanh nghiệp, bản đồ địa hình, địa chính để phục vụ cho công tác tổng hợp quản lý cả các lĩnh vực từ giao thông, đô thị đến việc dự báo kinh tế xã hội của thành phố.

Dự kiến trong quý 1-2018 này, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về việc kêu gọi đầu tư xây dựng những hạng mục thuộc bốn trung tâm thuộc đề án đô thị thông minh. Song song đó, UBND các quận huyện của thành phố cũng tổ chức hội nghị kêu gọi các doanh nghiệp tham gia triển khai các nội dung thuộc đề án đô thị thông minh của thành phố.

Tại buổi lễ công bố đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025” vào cuối tháng 11/2017, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM, Phó trưởng ban Ban điều hành đề án đô thị thông minh, cho biết chính quyền thành phố đã chọn quận 1 và quận 12 là hai khu vực triển khai thí điểm mô hình đô thị thông minh. Theo đó, UBND Quận 1 và Quận 12 sẽ phối hợp với các đối tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và triển khai mô hình đô thị thông minh tại địa phương. Dựa trên cơ sở hạ tầng hiện hữu ở hai khu vực, một số giải pháp công nghệ phù hợp sẽ được triển khai nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến môi trường, ùn tắc giao thông… của người dân.

Thành phố sẽ triển khai nhiều ứng dụng, giải pháp trong thời gian tới cho các lĩnh vực như giao thông, môi trường, giáo dục, y tế. Trong đó có nhóm giải pháp về an ninh trật tự với các hệ thống định vị thuê bao di động, tích hợp hệ thống camera giám sát an ninh của ngành chức năng… Theo kế hoạch, các sở ngành cũng sẽ lần lượt triển khai đề án trên trong các lĩnh vực cụ thể theo thứ tự ưu tiên là các vấn đề quan trọng và các vấn đề lâu nay gây sự bức xúc cho người dân sẽ được triển khai trước. Bên cạnh các chương trình, ứng dụng CNTT trên diện rộng, sẽ có các giải pháp công nghệ được triển khai ngay để cung cấp các tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.

Cơ hội cho công ty khởi nghiệp

Thuật ngữ dữ liệu mở (open data) hiện không còn xa lạ đối với nhiều người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hệ sinh thái dữ liệu mở là gì? Tác động của dữ liệu mở đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp thế nào thì không phải ai cũng hiểu rõ.

Như đã đề cập ở phần trên, việc phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở là một phần của đề án thành phố thông minh của TPHCM. Hệ sinh thái này được ví như là một kho thông tin hữu ích để các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp khai thác để phục vụ cho giai đoạn đầu khi doanh nghiệp chập chững bước chân vào thị trường. Do vậy, chính quyền TPHCM đang tăng cường công tác chuẩn bị cho việc hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở nhằm tạo sự thuận lợi cho những người trẻ khởi nghiệp.

Trong thời gian qua, TPHCM đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sự xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính và liên thông trong điều hành quản lý giữa các đơn vị quản lý ở các lĩnh vực như giao thông, y tế, môi trường, giáo dục. Tuy nhiên, các dữ liệu liên quan đến các lĩnh vực này hiện vẫn còn được lưu trữ một cách phân tán tại các đơn vị khác nhau và chất lượng dữ liệu cũng là một vấn đề vì nó phụ thuộc vào trình độ, năng lực của những cán bộ công nghệ thông tin tại các cơ quan. Điều này khiến các doanh nghiệp, cơ quan gặp nhiều khó khăn khi muốn tra cứu và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành, nguồn thông tin đáp ứng nhu cầu của các doanh nhân, doanh nghiệp.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng việc hình thành một hệ sinh thái dữ liệu mở sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nhân và những người trẻ đang muốn khởi nghiệp có thể tìm được các thông tin chính thống, hữu ích để có những bước chuẩn bị cần thiết cho việc thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình. Sự hình thành của hệ sinh thái dữ liệu mở này được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh việc hợp nhất các nguồn thông tin, dữ liệu trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giao thông, xây dựng, y tế, giáo dục, các hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Hệ sinh thái này sẽ giúp doanh nghiệp truy cập được các thông tin công khai và minh bạch từ nguồn được quản lý bởi các cơ quan nhà nước để lên các kế hoạch, định hướng cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh của mình. Chẳng hạn như người dân và doanh nghiệp có thể trực tiếp tìm thông tin về nhà đất tại TPHCM từ cơ sở dữ liệu gốc để phục vụ cho nhu cầu của mình.


Khách tham quan tại một cuộc triển lãm về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành các lĩnh vực quản lý đô thị tại TPHCM. (Ảnh: Văn Nam)

Ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tin học Giải pháp Tích hợp mở tại TPHCM, cho biết để trở thành một thành phố thông minh thì trước tiên phải xây dựng được một hệ sinh thái dữ liệu mở cho cộng đồng khởi nghiệp dựa vào đó để lập ra những kế hoạch kinh doanh. Cộng đồng khởi nghiệp rất cần những dữ liệu, thông tin mở, chính xác có liên quan đến nhiều lĩnh vực trước khi đưa ra những quyết định kinh doanh cho riêng mình mà không phải mất công tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Ông Hiền cho rằng hiện Việt Nam vẫn còn thiếu cơ sở dữ liệu hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp nên nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp phải loay hoay tìm kiếm dữ liệu, thông tin liên quan đến lĩnh vực họ kinh doanh.

Trao đổi với Thời Báo Vi Tính Sài Gòn, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, nhận định trong bối cảnh TPHCM đang nhắm đến mục tiêu trở thành thành phố thông minh thì nhu cầu khai thác các dữ liệu mở của các tổ chức hành chính, người dân và doanh nghiệp càng trở nên bức thiết. Điều này cũng được xem là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển chính quyền điện tử, phát triển kinh tế, tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp. Lâu nay, các cơ sở dữ liệu hiện hữu vẫn còn nằm rải rác ở các quận huyện, sở ngành, chưa được tập trung nên việc tập hợp các nguồn dữ liệu về một nguồn chung là rất quan trọng để tạo ra sự chính thống cho các nguồn thông tin và giúp phục vụ nhu cầu tham khảo của các sở ban ngành, doanh nghiệp, người dân.

Kế hoạch phát triển nguồn dữ liệu mở

Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu, TPHCM sẽ xây dựng một cơ sở dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở nhằm mục đích thúc đẩy sự chia sẻ thông tin giữa tất cả các sở ban ngành, quận huyện cũng như đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin của các cơ quan, người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng sẽ có một cơ sở dữ liệu mới được hình thành từ đề án đô thị thông minh để chuyên phục vụ nhu cầu cho sự phát triển trong các lĩnh vực giao thông thông minh, giáo dục, y tế, môi trường, cấp thoát nước, chống ngập, hạ tầng ngầm… Kho dữ liệu chung của thành phố này sẽ được quản lý như là một nguồn dữ liệu mở cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân sử dụng, và tạo động lực cho khởi nghiệp tại thành phố. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời nhờ vào sự hình thành các kho dữ liệu mở, ứng dụng công nghệ thông tin.

Về lâu dài, chính quyền TPHCM sẽ tính đến việc xã hội hóa nguồn dữ liệu mở này. Cụ thể, trong các dữ liệu cung cấp cho doanh nghiệp sẽ có một phần thông tin hoàn toàn miễn phí, một phần có thu phí để tạo nguồn vốn đầu tư cho việc vận hành nguồn dữ liệu mở thay vì dựa hoàn toàn vào ngân sách. Thông tin cung cấp trong kho dữ liệu mở này không chỉ về hoạt động của các doanh nghiệp trong các ngành nghề mà còn về những báo cáo phân tích hoạt động của các ngành kinh tế, những thông tin được mua từ các tổ chức phân tích kinh tế để đa dạng thông tin cho người truy cập.

“Mục tiêu của việc thu phí là để chi cho hoạt động làm phong phú thông tin của kho dữ liệu và chi phí vận hành hệ thống. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin trong giai đoạn đầu sẽ miễn phí để thu hút người truy cập vào kho dữ liệu mở này và hệ thống kho dữ liệu mở này sẽ được hình thành trong năm nay”, bà Trinh chia sẻ. Bà thông tin thêm rằng hệ thống dữ liệu mở này sẽ được thể hiện trên một “cửa sổ” thông tin dữ liệu mở riêng bên cạnh cổng thông tin của UBND TPHCM hiện nay.

Trong phần thông tin của nguồn dữ liệu mở có thu phí thì thành phố sẽ tổ chức các cuộc thi tìm kiếm các giải pháp khai thác dữ liệu mở. Chẳng hạn thành phố sẽ mời các doanh nghiệp tổ chức những cuộc thi để tìm giải pháp mà chính quyền thành phố không cần phải đầu tư làm phần mềm, hoặc các sinh viên có giải pháp tốt sẽ được doanh nghiệp mua lại. Những sinh viên này cũng sẽ được khuyến khích khởi nghiệp dựa vào các giải pháp, ứng dụng, khai thác dữ liệu mở này. Thêm vào đó, dựa vào sự góp ý, tương tác của người sử dụng thông tin từ hệ sinh thái dữ liệu mở chính quyền thành phố sẽ tìm các giải pháp để hoàn thiện công tác quản lý trong các lĩnh vực. Đây cũng là một trong những mục tiêu chính mà chính quyền thành phố nhắm đến khi hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở.

Theo các sở ngành chức năng, TPHCM sẽ sớm có kế hoạch công bố cổng thông tin cho việc truy cập hệ sinh thái dữ liệu mở trong năm 2018.

Văn Nam
(TBKTSG)