TP Hồ Chí Minh: Phát huy vai trò doanh nghiệp bất động sản để phát triển thị trường
Sáng 9/3, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) phối hợp với Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh tổ chức diễn đàn “phát huy vai trò doanh nghiệp bất động sản triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh”.
Ông Phan Trường Sơn – Trưởng phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh báo cáo tóm tắt đề án phát triển thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2030.
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, cuối năm 2017 UBND TP đã ban hành quyết định phê duyệt đề án “phát triển thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030” và kế hoạch tổ chức thực hiện đề án. Trong đó, đề án đã phân tích đánh giá những mặt đạt được, hạn chế, nguyên nhân, dự báo tiềm năng, đề ra nhiệm vụ giải pháp thực hiện trong trong giai đoạn 2016 – 2020, định hướng phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Ông Phan Trường Sơn – Trưởng phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong giai đoạn từ 2006 đến nay, diện tích bình quân nhà ở toàn thành phố đã tăng lên đáng kể, từ mức 10,3 m2/người năm 2006 lên là 18,82m2/người năm 2017.
Thời gian qua, cũng có nhiều dự án phát triển đô thị, dự án khu nhà ở, bất động sản được đầu tư xây dựng trên địa bàn, trong đó tập trung phát triển chính ở các hướng Đông, Nam và Đông Nam, phù hợp với định hướng phát hiển chung của thành phố. Từ đó tạo ra sự liên kết mạnh mẽ giữa các khu vực với nhau; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội từng bước được xây dựng đồng bộ, đảm bảo về chất lượng; sản phẩm nhà ở đa dạng về chủng loại, không chỉ giải quyết khá tốt nhu cầu chỗ ở, nâng cao điều kiện sống cho người dân, mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, bộ mặt TP Hồ Chí Minh ngày càng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại.
Mặc dù vậy, vẫn còn tồn tại một số hạn chế vướng mắc về công tác quản lý như: Hệ thống pháp lý phức tạp, thường xuyên thay đổi; công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị liên quan đến thị trường bất động sản thiếu tính đồng bộ và thực tế.
Nhiều quy hoạch khác nhau như Quy hoạch kinh tế – xã hội, Quy hoạch xây dựng đô thị, Quy hoạch sử dụng đất và một số quy hoạch ngành có liên quan chưa được tích hợp; thị trường còn thiếu minh bạch, dẫn đến sự phổ biến của hiện tượng “đầu tư cơ hội”.
Các nhà đầu tư cá nhân mua nhà, đất mà không nhằm mục tiêu chính để ở hoặc cho thuê mà chủ yếu chuyển nhượng lấy lãi nhưng chưa có chế tài nộp thuế tài sản, thu nhập gia tăng phù hợp.
Có những thời điểm nhóm các “nhà đầu tư” này chiếm đa số giao dịch trên thị trường, dẫn tới giá nhà đất tăng cao, khiến cho việc tiếp cận nhà ở của người có nhu cầu ở thực sự khó khăn; tín dụng bất động sản tăng trưởng nhanh, mất cân đối…
“Trong quá trình phát triển nhà ở, loại hình nhà ở do người dân tự xây chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển nhà ở của TP Hồ Chí Minh; trong giai đoạn 2006 -2015, phân khúc này chiếm hơn 80% tổng lượng cung nhà ở hàng năm, phân bổ đều trong các quận nội thành cũ và chủ yếu tập trung nhiều tại các quận ven khu trung tâm như các quận Gò vấp, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức và quận 12. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển lan tỏa mạnh “tự phát” của đô thị tại các khu vực ven đô và ngoại thành; loại hình phát triển nhà ở theo dự án với số lượng lớn lại tập trung tại các khu vực ngoại thành, phân bố không đồng đều trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, chủ yếu tại các quận vùng ven, các quận nội thành mới phát triển. Quá trình phát triển dự án thường kéo dài, chậm tiến độ và lệch pha cung cầu…”, ông Sơn cảnh báo.
Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đang được xây dựng sẽ tạo liên kết vùng giúp thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh phát triển
Đề án cũng đánh giá về tiềm năng của thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh rất lớn và đa dạng. Bởi với vai trò là trung tâm kinh tế tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của vùng kinh tế trọng điếm phía Nam và trong tương lai là trung tâm của khu vực Đông Nam Á, nên TP Hồ Chí Minh sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư từ các địa phương trong cả nước và các nước trên thế giới đến sinh sống, làm việc, học tập, cũng như nghỉ ngơi, tham quan, mua sắm…
Do đó, TP Hồ Chí Minh đã và đang tập trung đầu tư phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật giao thông của TP Hồ Chí Minh, cũng như thúc đẩy liên kết vùng giữa TP Hồ Chí Minh với các địa phương xung quanh, để phát huy hết tiềm năng.
Các tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; Bến Lức – Nhơn Trạch – Long Thành đang hoàn thành đã thúc đẩy các dự án khu đô thị, dân cư phát triển về phía Đông và Phía Nam thành phố cũng như các địa phương xung quanh như Nhơn Trạch – Đồng Nai, Cần Giuộc, Bến Lức – Long An. Hệ thống các tuyến đường vành đai, Metro từng bước được đầu tư xây dựng.
Tuyến Metro số 1 sẽ hoàn thành trong năm 2020, sẽ thúc đẩy sự liên kết của các đô thị vệ tinh trong vùng. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, từ nay đến năm 2020 sẽ phát triển 20.000 căn nhà để bố trí tái định cư cho các hộ dân di dời trên và ven kênh rạch; xây dựng mới thay thế 50% trong số 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Đây cũng là cơ hội để thị trường bất động sản phát triển.
Theo ông Sơn, dự báo diện tích bình quân nhà ở tăng thêm hàng năm giai đoạn 2016 – 2020 vào khoảng 8,3 triệu m2/năm, dự báo giai đoạn 2021 – 2025 tăng trung bình 9,5 triệu m2/năm và giai đoạn 2026 – 2030 tăng 9,8 triệu m2/năm. Như vậy, TP Hồ Chí Minh cần có định hướng để đảm bảo phát triển khoảng 80.000 căn nhà/năm cho người dân.
“Các khu vực bất động sản sẽ phát triển chủ yếu theo quy hoạch các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các khu đô thị mới. Trong đó khu vực nội thành (quận 1, 3, 4, 5), phát triển theo hướng cải tạo, xây dựng mới các công trình cao tầng (tập trung phát triển chung cư cao tầng thay thế các chung cư cũ), để khai thác hiệu quả sử dụng đất; phát triển 4 trung tâm theo 4 hướng phát triển của đô thị, hướng Đông Bắc gồm có Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao; hướng Nam gồm Khu Nam Sài Gòn, Khu đô thị Cảng Hiệp Phước; hướng Tây Bắc gồm Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi và dọc tuyến Quốc lộ 1A; hướng Tây Nam gồm huyện Bình Chánh.
Giai đoạn này cần phát triển các sản phẩm thuộc phân khúc trung cao cấp tại khu vực trung tâm (quận 1, 3, 4, 5) và các khu vực thuận lợi kết nối giao thông; sản phẩm thuộc phân khúc bình dân chủ yếu tập trung phát triển tại các quận nội thành và vùng ven,” ông Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Sơn, để hoàn thành được đề án thì cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về đất đai, quy hoạch, xây dựng, tài chính, kiểm tra giám sát và cải cách thủ tục hành chính…
Cao Cường/BXD