Singapore – những bài học quý về quản lý đô thị
Singapore là một quốc đảo nổi tiếng bấy lâu và nổi tiếng nhất là những bài học về quy hoạch, quản lý đất đai và bài học về quản lý đô thị. Những bài học đó đã được rất nhiều quốc gia tham khảo và học tập, trong đó có Việt Nam.
Quy hoạch sử dụng đất hiệu quả.
Bài học về quy hoạch và quản lý đất đai
Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá của mỗi quốc gia. Để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, mỗi quốc gia đều có những quy định quản lý cụ thể đối với loại tài nguyên này.
Singapore đất chật hẹp nhưng bất cứ ai qua đây đều công nhận rằng quốc gia này cực kỳ thoáng mát và đẹp đẽ. Lý do vì sao?
Có nhiều nguyên nhân để làm nên một Singapore xanh sạch đẹp ngày hôm nay và một phần quan trọng trong đó là nhờ vào chiến lược và kế hoạch hóa sử dụng đất đai hiệu quả.
Một đô thị có mật độ dân số cao thường không có nhiều sự lựa chọn cho một quy hoạch hoàn hảo vì thế mà các nhà quy hoạch cần phải tính toán kỹ lưỡng sao cho sử dụng hiệu quả nhất. Đó chính là sự kết hợp của quy hoạch dài hạn, chính sách đất đai phù hợp, kiểm soát phát triển và thiết kế thông minh đã giúp Singapore phát huy tối ưu tính năng sử dụng đất.
Cục Tái phát triển đô thị thuộc Bộ Phát triển Quốc gia là một cơ quan lập kế hoạch và kiểm soát phát triển ở Singapore. Cơ quan này chịu trách nhiệm lập quy hoạch tổng thể để chuẩn bị cho quy hoạch dài hạn và phát triển. Đất đai sử dụng vào các mục đích khác nhau phải được bảo vệ nhằm thực hiện phát triển xã hội và kinh tế, đồng thời, duy trì một môi trường có chất lượng cao.
Singapore có diện tích 700km2 nhưng thật ra không phải tất cả đều sử dụng được, vì khu vực chứa nước đã chiếm hết 40%. Singapore phải dùng một phần không nhỏ quỹ đất của mình làm căn cứ quân sự. Tại các khu vực phía Đông hay Changi, các công trình xây dựng bị hạn chế tầm cao và không được quá 12 tầng.
Singapore tốn rất nhiều công sức để lấy thêm đất bằng cách lấn biển, đưa các nhà máy ra các đảo phía xa, tận dụng không gian dưới mặt đất, xây dựng các tuyến đường cao tốc trên cao…
Năm 1971, Singapore bắt đầu tiến hành chương trình quy hoạch đầu tiên – Quy hoạch Vành đai. Dự kiến phát triển một vành đai các đô thị vệ tinh mới có mật độ dân cư cao xung quanh các khu vực trữ nước. Xung quanh các đô thị này là khu vực nhà ở tư nhân với mật độ dân cư thấp hơn và cho đất sử dụng cho công nghiệp. Các đô thị này được nối liền với nhau bằng hệ thống đường cao tốc trên toàn lãnh thổ.
Tại Singapore, đất đai được phân ra 2 sở hữu (nhà nước và tư nhân), trong đó đất sở hữu Nhà nước chiếm 98%. Tùy theo từng dự án, từng loại đất và quy hoạch thì nhà đầu tư được thuê thời hạn 20, 30, 50 và 99 năm. Hết thời hạn, người thuê đất phải tháo dỡ công trình, trả lại đất cho nhà nước vô điều kiện.
Trong trường hợp còn thời hạn thuê mà nhà nước thu hồi thì hai bên thương lượng giá bồi thường, nếu vẫn không thương lượng được thì đưa ra tòa án hoặc khiếu nại đến Chính phủ. Nếu phán quyết cuối cùng cũng không thành thì Nhà nước cưỡng chế thu hồi đất.
Singapore sử dụng phương pháp so sánh và phương pháp tính giá trị thặng dư của nhà đầu tư trong xác định giá đất. Trường hợp đất và tài sản thuộc sở hữu Nhà nước đưa ra đấu giá thì Singapore thực hiện theo quy trình: Nhà nước định giá và người tham gia đấu giá (hoặc nhà đầu tư) cũng đưa ra giá của mình (thông tin giá được bảo mật).
Đồng thời có sự kết hợp chặt chẽ giữa các đối tác – do khan hiếm đất đai, cộng đồng phải sống gần nhau, sự phát triển của một khu vực có thể sẽ ảnh hưởng đến khu vực bên cạnh. Vì thế, tất cả các bên liên quan cần phải hợp lực cùng nhau để tìm ra giải pháp sao cho không có những hậu quả đáng tiếc làm giảm chất lượng cuộc sống của các bên liên quan.
Nhờ vậy, cho đến nay, từ một vùng đất của những khu nhà ổ chuột, khu vực trung tâm thành phố Singapore đã biến thành một trung tâm tài chính thương mại hiện đại. Trong các cuộc điều tra khác nhau từ nhỏ đến lớn, Singapore đã liên tục được các chuyên gia hàng đầu thế giới xếp hạng là đô thị năng sống, phát triển bền vững và sống tốt trên toàn cầu.
Bài học về quản lý đô thị hiệu quả
Trong các cuộc điều tra khác nhau từ nhỏ đến lớn, Singapore đã liên tục được các chuyên gia hàng đầu thế giới xếp hạng là đô thị năng sống, phát triển bền vững và sống tốt trên toàn cầu.
Ông Khaw Boon Wan – Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia Singapore đã từng khẳng định: Xây dựng đô thị bền vững phải tập trung vào yếu tố con người – người dân phải xem Singapore là một môi trường tốt mà họ không tìm thấy ở bất cứ nơi nào.
Đó là bài học về một quốc gia có tốc độ đô thị hóa đến “chóng mặt” nhưng lại mang lại cho người dân một cuộc sống chất lượng cao trong khi vẫn bảo toàn việc phát triển bền vững. Để có được kết quả tốt đẹp như vậy, các chuyên gia, các nhà quản lý đô thị đã đúc kết ra nguyên lý cơ bản nhất mà Singapore đã ứng dụng như sau:
Đô thị hóa là quá trình tất yếu. Các nhà quản lý đô thị Singapore quan niệm “đô thị hóa là quá trình tất yếu, chúng ta không nên lảng tránh mà phải xem đó là những thách thức cho các doanh nghiệp tạo dựng nên hình ảnh đô thị thịnh vượng, sống tốt nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố bền vững với thời gian”. Quy hoạch sáng tạo, thiết kế thông minh và phát triển bền vững là bài học thực tiễn quý giá của Singapore muốn gửi thông điệp đến các nhà quản lý đô thị trên toàn thế giới. Singapore có được cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại và “thân thiện môi trường” như ngày nay, trước hết là nhờ vào quy hoạch tổng thể 1/5.000 có từ rất sớm – năm 1971 – và được thực hiện cho đến nay. Quy hoạch tổng thể Singapore có phân ra từng khu nhà cao tầng (trên 10 tầng), cao trung bình (3 – 10 tầng) và thấp tầng (1 – 2 tầng) và có tính đến bảo tồn kiến trúc cổ cũng như bản sắc văn hóa của 4 tộc người (bản địa, Hoa, Malaysia và Ấn Độ). Bản quy hoạch tổng thể cũng thể hiện việc kết nối hạ tầng (nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, điện, điện thoại…) do Nhà nước đầu tư. Do tập trung phát triển ngành công nghiệp sạch, nên Singapore xây dựng các khu đô thị vệ tinh để giảm chi phí đi lại, tiết kiệm trong sinh hoạt và giải quyết lao động tại chỗ.
Tôn trọng thiên nhiên. Đưa thiên nhiên gần gũi với con người là chủ trương của quản lý đô thị. Tôn trọng thiên nhiên, hòa quyện thiên nhiên vào đô thị để giúp đô thị được “mềm hóa” các khía cạnh “thô cứng” của một khung cảnh đô thị đầy dẫy hàng loạt các cao ốc. Bằng cách áp dụng một loạt các chiến lược “vườn trong phố”, “vườn tường”, “vườn mái”, “vườn ở bất cứ đâu”… Singapore hiện đang được che phủ mật độ cây xanh thuộc hạng cao nhất thế giới.
Tối ưu hóa không gian công cộng và văn minh nơi công cộng. Singapore đã tìm cách phát huy triệt để tiềm năng của không gian công cộng bằng cách kết hợp hiệu quả giữa các hoạt động thương mại và giải trí để mang lại sự hài lòng cho người dân của mình. Ngay từ khi triển khai thực hiện quy hoạch chung phát triển Singapore (1960 – 1970), Nhà nước đã có hàng loạt chương trình tuyên truyền cho người dân thực hiện nếp sống văn minh tại các khu công cộng, chung cư cao tầng, có phân tích những mặt thuận lợi khi ở nhà cao tầng, từ đó tạo dần thói quen cho người dân sống trong chung cư cao tầng cho tới ngày nay. Tất cả nhà cửa, đường phố, cây cối, xe cộ… đều sạch bong, không có ai vứt rác thải ra đường nhờ có các quy định nghiêm minh của pháp luật trong tiết chế các hành vi nhân sự, và cũng do người dân nơi đây ý thức đến mức có thể gọi là văn minh tự giác trong mọi sinh hoạt đời sống. Chính từ ý thức tự giác này mà Chính phủ tiết kiệm được rất nhiều chi phí để ngăn chặn ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, xử lý vi phạm.
Ứng dụng giao thông thông minh và kiến trúc xanh. Singapore đã ứng dụng chiến lược năng lượng thấp trong các tòa nhà, đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Đây chính là chiến lược tổng thể nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và đảm bảo phát triển bền vững. Singapore có sự kết hợp rải rác giữa các tòa nhà cao tầng với các tòa nhà thấp tầng, tạo ra một dải chân trời nhấp nhô nhưng không lộn xộn để tạo cảm giác bớt đông đúc trong một không gian chật hẹp. Singapore luôn ứng dụng thiết kế đô thị tiện lợi, dễ dàng tiếp cận và an ninh đô thị để người dân có cảm giác bình an và không phải lo lắng ngay cả khi “đi sớm về hôm”.
Ứng dụng giải pháp/công nghệ sáng tạo. Là một đô thị đông dân và mật độ xây dựng dày đặc, Singapore luôn phải đối mặt với khó khăn về tài nguyên, vì thế buộc các nhà quản lý phải ứng dụng các giải pháp và công nghệ sáng tạo để đảm bảo cuộc sống tốt cho người dân (ví dụ ứng dụng giải pháp cấp nước sạch mang tên NEWater).
Xây dựng chính phủ quản lý điện tử. Muốn đất nước phát triển phải dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người dân và thi hành pháp luật nghiêm minh. Để làm được điều đó, cần phải có một Chính phủ hiện đại, một Chính phủ quản lý chính xác. Singapore đã duy trì được hệ thống Chính phủ điện tử ở mức độ cao. Mọi hoạt động của người dân liên quan đến bộ máy công quyền, mọi vấn đề đều có thể giải quyết thông qua hệ thống điện tử tự động từ trên xuống dưới.
Trên đây là bài học quý giá từ mô hình phát triển đô thị của Singapore mà các nhà quản lý đô thị Việt Nam có thể tham khảo để có cái nhìn thiện cảm hơn về quá trình đô thị hóa – một quá trình tất yếu trước khi tiến tới là một quốc gia phát triển.
Khánh Phương/BXD