Cơ hội mới thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng xanh
Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg). Tiếp đó, ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 (tại Quyết định số 403/QĐ-TTg). Trong đó, các hành động liên quan đến lĩnh vực đô thị thuộc nhóm ưu tiên cao.
Ảnh minh họa
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh quốc gia đã thiết lập nền tảng quan trọng và thuận lợi để thực hiện phát triển đô thị tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, hiệu quả việc thực hiện phát triển đô thị tăng trưởng xanh trên phạm vi toàn quốc còn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Đơn cử, mô hình tăng trưởng của các đô thị chưa đa dạng, có nguy cơ rơi vào mô hình tăng trưởng thiếu bền vững, phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên, khi bị cạn kiệt sẽ xảy ra tranh chấp, bất ổn. Năng lực dự trữ và tầm nhìn dài hạn còn hạn chế. Đô thị sử dụng tài nguyên đất đai chưa hiệu quả. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu. Kết nối giao thông giữa các khu vực đô thị còn yếu làm gia tăng chi phí logistic. Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, khói, bụi phổ biến ở các đô thị lớn.
Bên cạnh đó, đầu tư cho các vấn đề cấp bách về hạ tầng kỹ thuật chưa được các đô thị ưu tiên giải quyết triệt để, đồng bộ dẫn đến các hệ quả về lâu dài. Các nỗ lực giải quyết chưa thực sự có sự liên kết hệ thống, còn riêng biệt theo ngành. Ngoài ra, các đô thị Việt Nam đang phải đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải đảm bảo khả năng chống chịu và tăng trưởng bền vững. Hiệu quả việc thực hiện phát triển đô thị tăng trưởng xanh trên phạm vi toàn quốc còn chưa đạt được hiệu quả mong muốn.
Theo Bộ Xây dựng, các đô thị Việt Nam hiện đang đứng trước những cơ hội phát triển mới để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng xanh. Đó là các cơ hội mới, cần nắm bắt trong xu thế toàn cầu của nền kinh tế tuần hoàn. Tỷ lệ đô thị vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ trên 78% tổng số đô thị toàn quốc. Đây là cơ hội để lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý ngay từ giai đoạn đầu của quá trình phát triển.
Hơn nữa, cộng đồng quốc tế đang rất quan tâm, ưu tiên hỗ trợ kỹ thuật và tài chính dành cho Việt Nam trong lĩnh vực tăng trưởng xanh. Thị trường xây dựng, BĐS chuyển biến tích cực theo hướng thân thiện môi trường, phát triển công trình xanh.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, từ nhận thức đầy đủ về phát triển đô thị tăng trưởng xanh đến những hành động cụ thể vẫn còn có khoảng cách, đòi hỏi cần có sự chuyên nghiệp, kiến thức chuyên môn trong quản lý cũng như chuyên môn, chuyên ngành xây dựng và quản lý đô thị; Cần có sự sắp xếp, ưu tiên hóa, kế hoạch hóa để làm cơ sở thu hút đa dạng hóa nguồn lực thực hiện trong bối cảnh nguồn lực tài chính ngân sách Nhà nước rất hạn chế; Xác định các hoạt động ưu tiên, giới hạn các lĩnh vực trọng tâm để chính quyền các đô thị phát huy vai trò chủ thể trọng tâm tổ chức thực hiện phát triển đô thị tăng trưởng xanh.
“Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam sẽ huy động sự vào cuộc của hệ thống đô thị, hạn chế tối đa các mô hình tăng trưởng đô thị thiếu bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế và phát huy tối đa tiềm năng của khu vực đô thị trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia” – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhận định.
Minh Hằng/BXD