19/01/2018

Kiểm soát hiệu quả quá trình phát triển đô thị

 Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Bộ Xây dựng đặt ra trong năm 2018.


Trong năm qua công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và nông thôn ngày càng đi vào nề nếp.

Công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và nông thôn đi vào nề nếp

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm qua, công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị (PTĐT) và nông thôn ngày càng đi vào nề nếp. Bộ đã tổ chức lập, thẩm định, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 đồ án và 3 nhiệm vụ quy hoạch; tổ chức thẩm định nhiệm vụ 2 đồ án quy hoạch chung khu chức năng đặc thù, 5 đồ án quy hoạch vùng; hoàn thành việc tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ 2 đồ quy hoạch vùng TP.HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ cũng đã tổ chức nghiên cứu lập nhiệm vụ quy hoạch cho một số vùng liên tỉnh, khu chức năng đặc thù; hoàn thành nghiên cứu thí điểm 8 thiết kế đô thị mẫu đặc trưng theo vùng, miền; công bố và tổ chức thực hiện 2 đồ án quy hoạch vùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2017.

Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đang được tiếp tục thực hiện, theo đó tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 99,4%.

Trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, Bộ tổ chức triển khai thực hiện các đồ án chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; nghiên cứu xây dựng 2 đồ án Quy hoạch cấp nước vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và phía Nam…

Trong lĩnh vực quản lý phát triển đô thị, Bộ nghiên cứu điều chỉnh Chiến lược PTĐT quốc gia; xây dựng Chương trình PTĐT quốc gia giai đoạn 2020 – 2030, Kế hoạch PTĐT tăng trưởng xanh Việt Nam; Hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ Điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ đồng thời triển khai Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH); Hướng dẫn một số nội dung về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh; thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng về PTĐT theo hướng bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH.

Đến nay đã có 51/63 địa phương triển khai thực hiện lập Chương trình PTĐT toàn tỉnh. Một số địa phương đã hình thành các khu vực phát triển đô thị; hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các dự án mới theo quy định, từng bước tạo sự thống nhất trong quy trình triển khai các dự án đầu tư PTĐT…

Cũng trong năm 2017, Bộ đã công nhận phân loại cho 12 đô thị. Các địa phương đã thẩm định, công nhận đối với 11 đô thị loại V. Đến nay, toàn quốc có 813 đô thị (tăng 11 đô thị loại V so với năm 2016). Bộ cũng tiếp tục huy động vốn thực hiện các chương trình, dự án cấp quốc gia và cấp vùng về phát triển đô, hạ tầng kỹ thuật…

Bên cạnh những thành quả đạt được, theo Bộ Xây dựng, công tác quy hoạch, quản lý PTĐT và nông thôn cũng còn một số hạn chế. Chất lượng một số đồ án quy hoạch xây dựng, đô thị còn thấp. Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, không đúng quy trình, thủ tục, thường có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích công cộng, hạ tầng cây xanh. Công tác lập, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc tại một số đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ. Công tác quản lý, kiểm soát PTĐT còn hạn chế. Tình trạng điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng các công trình nhà ở cao tầng tại một số đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây áp lực quá tải lên hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, gây lãng phí lớn và giảm chất lượng PTĐT. PTĐT chưa đảm bảo sự kết nối giữa đô thị và vùng, nhất là về hạ tầng khung.

Đổi mới phương pháp, lý luận công tác quy hoạch

Bước sang năm 2018, Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý PTĐT và nông thôn. Cụ thể, trong công tác quy hoạch, Bộ Xây dựng Đề án đổi mới phương pháp, lý luận công tác quy hoạch phù hợp với tình hình mới.

Bộ đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm, khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật theo phân cấp; hoàn thành dự thảo Định hướng Kiến trúc Việt Nam đến năm 2030; tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, kiến trúc.

Bộ xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH. Đồng thời tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương lập điều chỉnh các quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn. Nghiên cứu đề xuất tiêu chuẩn, hướng dẫn thực hiện các mô hình kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, nhà ở ứng phó với BĐKH; các mẫu kiến trúc nhà ở, công trình công cộng khu vực nông thôn phù hợp với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đặc điểm của từng địa phương.

Trong lĩnh vực PTĐT, hạ tầng kỹ thuật, Bộ nghiên cứu, xây dựng Đề án hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và các công cụ để quản lý, kiểm soát hiệu quả quá trình PTĐT; hoàn thành Đề án PTĐT thông minh; Tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động triển khai đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2017-2020, đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh.

Bộ tiếp tục quản lý, kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư PTĐT theo quy hoạch và kế hoạch; tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch và Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn; tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, dự án cấp quốc gia về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật theo kế hoạch.

Bộ tăng cường nghiên cứu cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng và giữa các địa phương trong việc huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, liên vùng.

Quý Anh/BXD