Trao đổi: Đô thị Việt Nam – Thách thức và cơ hội phát triển?
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Mỗi đô thị trong từng giai đoạn đều lựa chọn một cấu trúc phát triển riêng cho mình. Và, để đạt được mục tiêu đó, chiến lược – kịch bản phát triển cụ thể cũng như công tác triển khai, quản lý thực hiện theo quy hoạch là yếu tố tiên quyết dẫn đến thắng hay bại.
Bản quy hoạch chung Hà Nội mở rộng đã được Chính phủ phê duyệt cuối năm 2011 Hà Nội, có diện tích rộng gấp 3 lần diện tích cũ. Tới nay, sau 5 năm triển khai theo quy hoạch, để thực hiện được giấc mơ phát triển một Hà Nội rộng mở, kết nối với 5 đô thị vệ tinh bằng một hành lang xanh và mối liên kết vùng đô thị. Hà Nội cần có một kịch bản và giải pháp phát triển rõ ràng trên các phương diện nguồn vốn và chiến lược phát triển hạ tầng kết nối.
Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã đánh dấu một giai đoạn lịch sử phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, đô thị Việt Nam hiện nay chỉ là phép cộng của các dự án. Điều này đang gợi nên nhiều nỗi trăn trở của xã hội. Hơn nữa, các đô thị Việt Nam hiện đang đứng trước đòi hỏi cấp thiết phải được đặt trong xu thế phát triển toàn cầu, trước “cuộc cách mạng 4.0” hay phát triển “thành phố thông minh”, “thành phố nhân văn sinh thái”. Điều này làm chúng ta phải nhìn nhận lại khả năng phát triển, tương tác của chúng trong cấu trúc đô thị Việt Nam hiện nay.
Nhằm gợi mở cho những giải pháp phát triển trên phương diện lý thuyết nhìn nhận lại cấu trúc đô thị cũng như thực tiễn và chính sách phát triển các đô thị Việt Nam nói chung, đô thị Hà Nội nói riêng, đặc biệt là những thách thức và cơ hội phát triển của các đô thị vệ tinh hiện nay, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia về vấn đề này.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
PV: Đầu tiên, tôi xin gửi câu hỏi tới PGS.TS. KTS. Nguyễn Hồng Thục – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Định cư con người.
Thưa PGS, có ý kiến cho rằng đô thị Việt Nam hiện nay là phép cộng của các dự án. Vậy, theo PGS, chúng ta cần nhìn nhận lại cấu trúc phát triển đô thị Việt Nam hiện nay như thế nào? Đặc biệt, việc phát triển các đô thị vệ tinh cần được đặt trong bối cảnh nào? Hướng phát triển của các đô thị vệ tinh hiện nay ra sao?
Nếu cho rằng Đô thị Việt Nam hiện nay là phép cộng của các dự án cũng không sai. Song, nó gợi lên một nỗi buồn lớn rằng đô thị của chúng ta sau các cuộc quy hoạch lớn, bài bản để đáp ứng nhu cầu dân cư và nền kinh tế lại phát triển lộn xộn, manh mún và phân mảnh bởi các dự án đang lèo lái quy hoạch, làm tăng các hệ lụy kẹt xe, tắc đường, lụt lội, ô nhiễm… Đô thị đang là những mảnh ghép của các dự án. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta cần nhìn nhận hiện trạng để có quyết sách trong triển khai và điều chỉnh lại các cấu trúc chính của đô thị.
Khi bắt tay vào nghiên cứu mở rộng Hà Nội (năm 2008), theo mô hình lý thuyết, Hà Nội bao gồm thành phố mẹ mở rộng và 05 đô thị vệ tinh và là đô thị động lực trong liên kết vùng Thủ đô Hà Nội được xác định rõ bằng Quy hoạch chung. Như vậy, cùng một lúc, chúng ta vừa mở rộng thành phố mẹ, vừa phát triển đô thị vệ tinh, vừa liên kết vùng đô thị. Các nhiệm vụ này đặt ra cùng lúc sẽ trở thành gánh nặng cho khai thác nguồn lực phát triển, đồng thời buộc Hà Nội phải có quyết sách về lộ trình, giải pháp nguồn vốn và thực hiện triển khai mãnh liệt.
Hà Nội sau 05 năm triển khai thực hiện theo Quy hoạch chung (2012 – 2017) ra sao? Hiện nay, các quy hoạch phân khu chưa triển khai xong, quy hoạch chi tiết lại càng khó. Hậu quả cho quản lý phát triển theo quy hoạch nhiều hệ lụy (Dự án Khu ga Hà Nội và Khu Giảng Võ đều chưa có quy hoạch chi tiết để dẫn hướng nên khó cấp phép đúng với qui định của quy hoạch chung là một ví dụ). Thành phố mẹ đang lâm vào quá tải và ô nhiễm không khí nặng nề. Điều này đã được cảnh báo trong quy hoạch chung 2008, thể hiện ở nội dung giãn quy mô dân số và cấm xây siêu cao tầng ở trung tâm, nhưng thực tế đang diễn ra ngược lại.
Còn về 05 đô thị vệ tinh cần nhìn lại mô hình lý thuyết của nó: Trên thế giới, đô thị vệ tinh ra đời sau khi thành phố mẹ phát triển đến mức tới hạn và trở nên bế tắc, khó phát triển thêm được nữa. Xây dựng thành phố vệ tinh nghĩa là giảm tải cho TP mẹ về dân số, việc làm và dịch vụ, nhưng một số điều kiện phát triển lại phụ thuộc vào TP mẹ (Ví dụ những hạ tầng kỹ thuật chính và nền kinh tế chủ đạo chẳng hạn). Thành phố vệ tinh về bản chất trông chờ vào sự phân công chức năng và việc làm của thành phố mẹ đã trưởng thành để có thể nuôi sống bản thân nó.
Nguồn lực để phát triển Hà Nội mở rộng và TPHCM đang bị phân tán nên hạ tầng, việc làm, dịch vụ vẫn không đến được ngoại vi, chủ đầu tư vẫn đổ vào các khu đất vàng trung tâm làm nên bệnh đầu to của đô thị Việt Nam. Trước khi mở rộng, Hà Nội rộng 924km2 khi đó còn chứa 45% là đất nông nghiệp chưa lên phường, nên nó cần được đầu tư hoàn chỉnh hơn nữa để có thể gánh vai trò chủ đạo về kinh tế, chính trị và dân cư cho vùng lân cận. Khi đó nên để các đô thị xung quanh Hà Nội cũ được giữ vai trò phát triển độc lập và tương tác chủ động với TP mẹ, để có thể liên kết thành các chùm đô thị hỗ trợ lẫn nhau theo mô hình mới. Khi Hà Nội đã phát triển hoàn chỉnh sẽ chọn cho mình các vệ tinh thân cận để gánh lẫn nhau thì có lẽ thực tế hơn.
Vậy, trong bối cảnh này, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề như thế nào? Hà Nội hay TP HCM trong mối quan hệ tương tác với các đô thị vệ tinh cần có giải pháp ra sao? Không thể chỉ hoạch định Hà Nội và TPHCM là các thành phố mẹ, gánh vác trách nhiệm cho các thành phố lân cận và trong vùng, mà cả hai TP này đang cần những chiến lược phát triển quyết liệt để hoàn thiện chính bản thân mình: Giãn dân ra ngoại vi, tăng cường hạ tầng và giao thông công cộng, xác định rõ các nền kinh tế chủ đạo và nhường bớt các chức năng cho các thành phố lân cận. Nhất là cần sự tự chủ cho các thành phố liền kề và các thành phố trong vùng để cùng phát triển. Các đô thị trung tâm mật độ cao cần được phát triển song hành với các đô thị nhỏ và vừa tại chỗ. Chúng gắn kết với nhau theo hành lang giao thông và liên kết kinh tế. Khi đó đô thị không cần liền kề đô thị mà sẽ tạo ra Vùng đô thị bao chứa cả những vùng nông nghiệp rộng lớn, các cấu trúc tự nhiên như sông, biển, cánh rừng, đồi núi…
Chẳng hạn: TPHCM có muốn thành siêu đô thị hay làm đầu tàu kinh tế gánh cả vùng đô thị xung quanh? Có thể chưa hẳn đúng khi điều đó kéo theo gánh nặng về mặt dân số, công ăn việc làm, hạ tầng, ô nhiễm, quá tải, tắc nghẽn… Nếu các đô thị trong vùng có vai trò độc lập và cùng tương tác để giảm tải thì TPHCM mới có tương lai tươi sáng được.
05 đô thị vệ tinh của Hà Nội được hoạch định cũng là được trao cơ hội để phát triển. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay nên có cơ chế phát triển độc lập, tự chủ động để khai thác nguồn lực trong điều kiện cụ thể của nó. Điều này tốt hơn cho Hà Nội cũ và Hà Nội mở rộng. Và chỉ có vậy Hà Nội mới trở thành đô thị hạt nhân, là động lực kinh tế của vùng, chứ không phải chịu cảnh cả vùng đổ về tìm cơ hội để lại hệ lụy nan giải như bây giờ. Vùng Hà Nội phải trở thành một hệ thống tương tác chứ không phải một hệ thống phụ thuộc thành phố mẹ như bây giờ. Chỉ có tạo cơ hội bình đẳng trong phát triển và mang tiện nghi, văn minh ra xa thành phố mẹ, các chủ đầu tư sẽ vững tin chọn phát triển dự án trong toàn vùng. Khi đó Hoà Lạc có thể trở thành một đô thị thông minh tương đối độc lập và một số đô thị khác trở thành các đô thị chức năng đặc thù giảm tải cho thành phố mẹ.
Đường lối đô thị hoá của chúng ta hiện nay cần được đánh giá lại về định hướng phát triển. Chính sách đô thị hoá là để tạo điều kiện cho việc tự thân phát triển, chứ không thể phụ thuộc vào ý muốn chủ quan nào đó. Chỉ khi các đô thị có vai trò độc lập và tự chủ cùng phát triển thì mới có sự liên kết vùng (liên kết về hạ tầng kỹ thuật, việc làm, kinh tế) còn người dân có thể vẫn ở tại chỗ, dân cư không cần đổ dồn về thành phố mẹ như hiện nay.
PV: Câu hỏi thứ 2, tôi muốn gửi tới TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam.
Thưa Ông, quá trình phát triển của đô thị không nằm ngoài quy luật kinh tế thị trường, cũng như tất yếu sẽ có những khu vực phát triển khó kiểm soát. Vậy, ông nhìn nhận thế nào về thực tiễn phát triển của đô thị Hà Nội cũng như cơ hội phát triển cho các đô thị vệ tinh của Hà Nội hiện nay?
Đô thị là một cực tăng trưởng, làm tăng trưởng khu vực xung quanh song cũng tồn tại vì khu vực xung quanh. Khi một đô thị đã tăng trưởng rồi nó sẽ lan tỏa đến một vùng rộng lớn. Trong những vùng rộng lớn ấy lại có những đô thị nhỏ hơn, có mối quan hệ với đô thị lõi, đồng thời làm giảm áp lực cho đô thị lõi.
Đã là cực tăng trưởng thì phải tuân theo quy luật thị trường, phải có động lực tăng trưởng, chứ không phải theo ý muốn của bất kỳ ai. Khi nhận thấy nó có động lực tăng trưởng thì phải quy hoạch, tạo điều kiện. Kể cả không tạo điều kiện, không quy hoạch thì đô thị vẫn tự hình thành.
Đô thị vệ tinh không phải do ai phong chức, mà do trong quá trình tăng trưởng, đô thị nào đó sẽ trở thành đô thị vệ tinh, chẳng hạn như Bắc Ninh, Việt Trì, Vĩnh Yên… là vệ tinh của Hà Nội. Gọi là vệ tinh bởi mối quan hệ với nhau. Là vệ tinh nhưng cũng là cực tăng trưởng, chứ không phải đi phục vụ bất cứ ai khác.
Về mặt địa lý, đô thị vệ tinh phần lớn phát triển ven biển, đặc biệt trong quá trình toàn cầu hóa. Thứ hai là ở những đầu mối giao thông. Thứ ba là ven sông, ven các tuyến đường sắt. Bởi lẽ các đô thị phải có mối liên hệ với khu vực xung quanh, vì vậy cần có hạ tầng giao thông.
Hà Nội hiện nay, xu hướng tất yếu sẽ vẫn phát triển hướng về biển. Dải đất khu vực Bắc, Đông Bắc sông Hồng, Hưng Yên có lợi thế phát triển hơn Hòa Bình, Sơn Tây; Hơn nữa đường 18 nối với cảng Cái Lân, đường số 5, cao tốc đi Hải Phòng đều tuân theo quy luật đó. Trong 5 đô thị vệ tinh Hà Nội, một số đô thị nên coi nó là những khu vực phát triển đô thị có tiềm năng như ý nghĩa của nó đã được hoạch định, được quy hoạch để có hướng đầu tư, phát triển cũng như quản lý phát triển hiệu quả lâu dài.
Đô thị hóa tự phát không quy hoạch, hướng dẫn sẽ phải hứng chịu hậu quả. Đô thị muốn phát triển cũng cần trung tâm dịch vụ (du lịch, giải trí, khách sạn, ngân hàng…). Cần phải khẳng định đô thị sẽ phát triển theo cơ chế thị trường, con người chỉ giúp cho đô thị tốt hơn chứ không phải là người quyết định. Các đô thị vệ tinh Hà Nội hay gọi nó là những khu vực phát triển đô thị có tiềm năng cũng vậy, chúng muốn phát triển cần phải đặt trong bài toán kinh tế thị trường, phải có chiến lược tận dụng tối đa nguồn lực xã hội.
Hà Nội hiện nay đang phát triển không theo kinh tế thị trường. Hà Nội đang tạo ra những khu đô thị “ngủ”. Những dự án mang tên gọi khu đô thị mới, nhưng chỉ là những khu nhà ở. Trước đây, Kim Liên, Trung Tự hay Trung Hòa Nhân Chính và hiện nay cũng vậy. Trước đây đã sai, sau này cũng vẫn sai. Chúng ta xây nhà ở theo lý thuyết của Le Corbusier, hình thành các cao ốc trong một khuôn viên đất và bố cục chúng một cách lộn xộn, không có phố phường thương mại để tạo công ăn việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại. Khu Giảng Võ được quy hoạch theo mô hình của Liên Xô, xoay ngang xoay dọc không theo nguyên lý nào. Đường phố tại khu này sau hình thành một cách tự phát chứ không theo chủ đích ban đầu.
Thuật ngữ “đô thị ngủ” là chỉ khu đô thị không có giao tiếp. Một xã hội không giao tiếp thì không thể có bản sắc. Đô thị đồng thời phải tạo cơ hội để phát triển kinh tế thương mại,được quy hoạch theo hướng đường phố chứ không nên chỉ cho nó là nơi ở và ngủ. Nghĩa là phải hoạch định phát triển các tuyến phố thương mại, các công trình phục vụ chức năng thương mại, dịch vụ xã hội.
Thế giới đã phản đối lý thuyết của Le Corbusier nhưng không vang vọng đến Việt Nam, và do đó, về mặt lý luận chúng ta cũng rất yếu kém. Vì vậy, Tạp chí chuyên ngành và các chuyên gia phải truyển tải mạnh mẽ để nâng cao nhận thức vấn đề.
Kinh tế đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch, phát triển đô thị. Bất động sản cộng hạ tầng tạo ra đô thị. Trong đó, hạ tầng là của nhà nước, bất động sản là của thị trường. Phát triển đô thị nếu áp đặt, không quan tâm đến yếu tố thị trường, hậu quả là biến các đô thị thành các đô thị ma.
Ecopark là một khu ở cần bàn tới. Ecopark đã biến 500ha đất thành một khu ở sinh thái, được quốc tế khen ngợi, được kết nối với Hà Nội bởi con đường nối Hà Nội – Hưng Yên đi qua Ecopark theo hình thức BT, đổi hạ tầng lấy đất. Nhưng Ecopark hiện nay cũng chỉ là khu nhà ở, một khu ở cho người giàu mà không thể coi đó là đô thị. Bởi là đô thị thì phải hoàn chỉnh, có dịch vụ, hạ tầng trường học, bệnh viện, cửa hàng… quan trọng nhất là phải tạo ra việc làm. Ecopark sẽ có cơ hội khi nó phát triển một khu dịch vụ thương mại song song với khu ở sinh thái hiện nay với cấu trúc những tuyến phố thương mại, dịch vụ xã hội kết nối vùng và khu vực, tạo việc làm và cũng có thể trở thành đô thị vệ tinh cho Hà Nội.
Đô thị vệ tinh nếu có tiền xây lên nhưng không có ai đến thì cũng là đô thị bị ngủ quên. Nhưng nếu để phát triển bất chấp quy hoạch, tự phát theo thị trường sẽ dẫn đến nhiều bất cập. Rõ ràng, đô thị hóa tự phát không được quy hoạch, hướng dẫn sẽ phải hứng chịu hậu quả. Các đô thị vệ tinh của Hà Nội được hoạch định cũng là cơ hội để quản lý các khu vực có cơ hội phát triển của Hà Nội mở rộng. Tuy nhiên, nó có phát triển theo đúng nghĩa là các đô thị vệ tinh hay không thì còn phụ thuộc vào nguồn lực thực tế và một chính sách và chiến lược phát triển thông minh.
PV: Câu hỏi thứ ba, tôi muốn hỏi TS Nguyễn Ngọc Hiếu, Giảng viên Đại học Việt – Đức.
Thưa Tiến sỹ, Cuộc “cách mạng 4.0” hay “phát triển thành phố thông minh” đang đặt ra mối tương tác và phát triển như thế nào trước thực tiễn cấu trúc đô thị Việt Nam hiện nay? Đặc biệt chúng ta cần có cái nhìn mới như thế nào về phát triển đô thị vệ tinh?
Trước hết đô thị vệ tinh (ĐTVT) cần hiểu là các thành phố và điểm dân cư đô thị có mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế hoặc chức năng định cư với đô thị trung tâm. Vệ tinh nghĩa là có cự ly, không dính vào đô thị hạt nhân và độc lập nhất định nhưng vẫn phụ thuộc. Nơi nào đã bị “hòa tan” vào vùng lõi hay ít phụ thuộc vào đô thị hạt nhân thì không còn hoặc không có chức năng vệ tinh nữa.
Một điều cần chú ý là: Vùng đô thị ở các nước phát triển đã chuyển sang dạng mạng lưới, tức là khai thác mạnh mẽ hơn kết nối đa chiều với nhau, đặc biệt là kết nối hàng ngang, trong khi mô hình vệ tinh thiên về kết nối hàng dọc và kết nối hàng ngang nếu có chủ yếu phục vụ cho đô thị trung tâm.
Câu chuyện công nghệ 4.0 đang được quan tâm khi robot sẽ thay thế con người; số lượng robot ở Trung Quốc đang tăng nhanh chóng (khoảng gần 100.000 đơn vị/năm 2016 và còn tăng nhanh – Trích nguồn Bloomberg: https://www.bloomberg.com/news/articles/2017-08-22/china-s-robot-revolution-may-weigh-on-global-rebalancing) làm dấy lên lo ngại điều này sẽ diễn ra ở Việt Nam trong tương lai gần. Tuy nhiên tự động hóa và robot có lẽ chưa đe dọa ngay tới lao động Việt Nam ở các khu công nghiệp thâm dụng lao động.
Sự thay đổi công nghệ và toàn cầu hóa thay đổi các vùng đô thị theo hướng sáng tạo. Khoảng 25-30 năm trước, ống khói nhà máy đã biến mất khỏi vùng ngoại vi London, công nghiệp xe hơi rời bỏ Paris, còn thiết bị điện tử và xe tải xuống dốc ở Eindhoven. Đây là thách thức rất lớn khi các ngành công nghiệp trụ cột đã đầu tư lớn vào hạ tầng sản xuất và người lao động chuyên môn mất thị trường. Tuy nhiên, những nơi đó đã hồi sinh và tiếp tục thịnh vượng không giống như Detroit ở Hoa Kỳ bởi khả năng thích ứng. Vấn đề này ở Trung Quốc đang nóng hổi bởi chủ đề được quan tâm hơn cả ở Thượng Hải năm 2016 là làm ‘sống lại’ các khu vực công nghiệp và bến cảng cũ bỏ hoang. Nội thành Thượng Hải giờ đây cũng không thấy còn ống khói nhà máy, không còn xe hơi bẩn, xe rẻ tiền (xe du lịch buộc phải đạt chuẩn Euro5 mới được bán ra từ 2014), và ngày càng ít nhân công “cổ xanh”.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh hơn và bất định hơn thì chiến lược sáng tạo tự chủ và hợp tác sẽ quyết định thành công. Các vùng đô thị lớn cần sự thay đổi có tính hợp tác lan tỏa để thúc đẩy mạng lưới (network) thay đổi theo hệ sinh thái mới. Các mặt hàng chủ lực thay đổi giúp kết nối hàng dọc và chuyển biến mạnh mẽ. Tăng cường kết nối hàng ngang giúp chuyển dịch nguồn lực lao động và dịch vụ hỗ trợ hiệu quả hơn. Các chuỗi sản phẩm đa dạng và sáng tạo dựa trên nền tảng hợp tác giúp từng vùng đô thị cạnh tranh tốt hơn, có sức chống chịu với tính bất định của thị trường cao hơn. Điều này đòi hỏi phải tiếp cận quản lý phát triển theo mô hình quản trị (Governance) thay vì quản lý (Government) giữa các cộng đồng đô thị có tính tự chủ, thúc đẩy hợp tác trên nền tảng phát huy sáng tạo các mối quan hệ sẵn có về không gian, hạ tầng, kinh tế và xã hội.
Bối cảnh phát triển các đô thị vệ tinh ở Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề. Kết nối vùng chưa mạnh, thậm chí cạnh tranh nội vùng lấn át hợp tác. Điển hình như việc cạnh tranh thu hút nguồn lực đầu tư bên ngoài giữa các khu công nghiệp nội vùng hay cạnh tranh đầu tư cảng biển làm lãng phí đất đai, tăng chi phí kết nối hạ tầng và làm suy yếu khả năng kết nối, hợp tác và tăng tính cạnh tranh vùng. Trong nội tỉnh có thuận lợi hơn về điều hành và đầu tư, nhưng nguồn lực công suy giảm và đô thị phát triển yếu thì quan hệ trung tâm ngoại vi trong tỉnh cũng khó phát huy. Ngoài ra, các chính quyền đô thị vệ tinh nhỏ càng kém tự chủ và khó đóng góp cho sự thay đổi của chuỗi sản phẩm giá trị gia tăng.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay xây dựng thành phố thông minh hơn không bắt chúng ta đi theo mô hình nào, nhưng muốn cạnh tranh hơn thì vẫn phải theo quy luật. Thương mại điện tử, gia tăng, làm việc tại nhà cũng hiệu quả, dịch vụ giáo dục và y tế từ xa phát triển sẽ giúp thu hẹp khoảng cách địa lý và giúp các đô thị vệ tinh cũng tiếp cận với hàng hóa và dịch vụ rẻ và nhanh hơn. Cùng với giá nhà và dịch vụ rẻ hơn, thời gian đi lại ngắn hơn và ít ô nhiễm hơn thì có lẽ ở đây “dễ sống hơn”. Tất nhiên không phải chỗ nào cũng giống nhau và việc phân bố lại hoạt động kinh tế và dân cư sẽ phụ thuộc vào tốc độ thu hút được việc làm mới. Điều này phụ thuộc vào cả doanh nghiệp và chính quyền với mục tiêu cuối cùng vì cư dân của mình và nơi mình phát triển. Nơi nào kết nối tốt hơn vào chuỗi giá trị gia tăng, khai thác không gian vùng hiệu quả, và thu hút được lao động sáng tạo sẽ thành công.
Các tỉnh và thành phố trong vùng TPHCM và Hà Nội cần phát triển thông minh để cấu trúc lại không gian vùng. Khu vực lõi cần giảm quá tải và thích ứng với mật độ cao. Khu vực ngoại vi, đô thị vệ tinh cần “làm nhà” cho các không gian sáng tạo và nhu cầu mới là xu hướng đi lên tất yếu. Các đô thị vệ tinh đại học là ý tưởng hay nhưng phải đảm bảo doanh nghiệp, cư dân đến đây không ách tắc và tốn kém và ở đây có đủ dịch vụ xã hội cơ bản. Thúc đẩy liên kết hợp tác nội vùng và thay đổi tư duy quản lý phát triển theo ranh giới hành chính sẽ giúp cơ cấu lại không gian vùng để giảm ách tắc và phát triển tràn lan.
Sự thay đổi sẽ như thế nào còn phụ thuộc vào khả năng thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực. Tuy nhiên, chắc chắn một hệ sinh thái kết nối hơn, giúp hợp tác hiệu quả hơn, sẽ khai thác tốt hơn nguồn vốn từ đất đai và hạ tầng cũng như vốn con người và xã hội. Trong đó, nguồn vốn xã hội dựa trên kết nối và hợp tác giữa các cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp và các đô thị là vấn đề cần lưu tâm khi xét tới phát triển các đô thị vệ tinh.
PV: Cuối cùng là câu hỏi dành cho TS. Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN Habitas). Theo Tiến sỹ, chính sách phát triển cho một thành phố phân tán phát triển các đô thị vệ tinh cần phải được nhìn nhận như thế nào?
Lý thuyết về Đô thị vệ tinh (ĐTVT) xuất hiện sau thời tiền công nghiệp tại Anh, khi các thành phố phát triển công nghiệp đã trở nên đông đúc và ô nhiễm một cách nhanh chóng… Các KTS với ước mơ về sự công bằng, xã hội lành mạnh đã vẽ ra mô hình các ĐTVT nằm ngoài thành phố trung tâm có khoảng giãn cách là những cánh đồng bao quanh thành phố và những thành phố mới xây trên những khu đất giá rẻ sẽ hứa hẹn không gian sống yên bình, lấy lại sự cân bằng cho những thành phố vốn đã quá tải do công nghiệp hóa.
Thực tế các ĐTVT đã từng bước hiện thực hóa và cho đến nay, nhiều quốc gia châu Âu đã hình thành mạng lưới các thành phố biệt lập và liên kết với nhau mà ranh giới/khoảng cách của nó được xóa nhòa bởi hệ thống giao thông kết nối tốc độ cao (đường sắt/đường bộ/hàng không và đường thủy …). Không chỉ Đức, Anh, Pháp mà hầu khắp châu Âu đều như vậy.
Tại châu Á (lấy Hàn Quốc là ví dụ) đã có những ĐTVT rất hiện đại, tuy không đông đúc nhưng vẫn là giải pháp để giảm áp lực cho các Siêu đô thị. Có thể thấy rõ là việc hình thành các ĐTVT này có vai trò chủ đạo của nhà nước rất mạnh mẽ, và rõ ràng là nguồn lực do nhà nước tập trung chiếm lĩnh những dự án đầu tư hạ tầng khổng lồ nhằm tạo ra các hấp lực hình thành ĐTVT, nhưng các chủ đầu tư bất động sản thứ phát đã phải trả đúng giá trị đất mà nhờ hạ tầng của nhà nước đầu tư đã tạo ra những cơ hội kinh doanh bất động sản trong các ĐTVT.
Quay trở lại mô hình ĐTVT bao quanh Hà Nội, các ĐTVT đang hút hết các nguồn lực đầu tư của nhà nước nhưng không tạo ra được hấp lực, sức sống cho ĐTVT… Nguyên nhân là thiếu động lực kết nối: Cần phải phát triển một tuyến đường sắt đô thị express cực mạnh nối thành phố trung tâm với ĐTVT, nhưng vẫn là tuyến đường bộ mà nạn tắc nghẽn khi vào trung tâm còn ám ảnh lâu dài. Các nguồn lực được chia thành những miếng bánh nhỏ cho các dự án hạ tầng thành phần mà không có phương tiện kết nối thì các dự án ấy sớm muộn trở thành những dự án không người, hoang phế.
Nếu thực sự mong muốn có ĐTVT thì giao thông kết nối mạnh cần ưu tiên hàng đầu, sau đó là một khu vực của ĐTVT nhưng cũng cần đầy đủ hạ tầng dịch vụ (sinh hoạt / học tập/ giải trí / chăm sóc y tế / tài chính ngân hàng….), việc làm, nơi ở và những hấp dẫn về môi trường cũng như chi phí thấp. Những khu vực đô thị độc lập tương đối ấy cộng với giao thông kết nối mạnh với đô thị trung tâm sẽ từng bước phát triển mở rộng thay vì các kế hoạch dàn mỏng, thiếu tập trung, không rõ trọng tâm ưu tiên như đang diễn ra hiện nay.
Vấn đề là phân vai rõ ràng trong việc hình thành ĐTVT trong nền kinh tế thị trường. Nếu nhà nước đủ mạnh về nguồn lực và thể chế thì thực hiện vai trò chỉ đạo tập trung các dự án hạ tầng kết nối và tạo lập môi trường kinh doanh, khai thác ĐTVT công bằng / minh bạch… phần còn lại để thị trường điều tiết. Nếu công việc khó khăn này giao ngay cho tư nhân thì với năng lực hạn chế và trách nhiệm xã hội thấp, ĐTVT mãi mãi chỉ là bản vẽ tô hồng còn thực tế là các dự án bất động sản manh mún phát triển tự phát dễ làm khó bỏ, kết quả là một siêu thành phố chắp lại từ những miếng vá loang lổ: Bài học nhãn tiền như đã xảy ra tại Manila (thủ đô Philippin)./.
(Thanh Huyền – Minh Ngọc thực hiện)