22/12/2014

Đem tài sản chiếm đoạt để… cổ phần hóa

Sau khi đã tổ chức phá, hủy hoại tài sản của dân, chiếm đoạt gần 100m2 nhà, đất sử dụng hàng chục năm, Cty CP du lịch dịch vụ Hoàn Kiếm (Hà Nội) còn đưa số diện tích này vào cổ phần hóa để chia nhau.

 

Cho mượn… mất nhà?

Năm 1958, gia đình cụ Tạ Văn Huy và Phạm Thị Châu – chủ sở hữu ngôi nhà 2 tầng với tổng diện tích đất 154m2, số 38 Hàng Giầy (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) – cho tổ sấy chuối khô Gia Định của ông Nguyễn Đức Thành – cán bộ miền Nam tập kết mượn 52m2 mặt tiền tầng 1, gồm 2 phòng để làm cơ sở sản xuất.

Theo giấy mượn nhà do ông Nguyễn Đức Thành lập ngày 15.6.1958, tổ sấy chuối mượn 3 năm và “trong thời gian này tổ đồng ý cho ông bà Huy tham gia sản xuất như thành viên của tổ”.

dulich

Cty CP du lịch dịch vụ Hoàn Kiếm (Hà Nội) ngang nhiên xâm phạm tài sản của công dân hàng chục năm qua.

Theo trình bày của ông Tạ Tuyên (cháu nội của cụ Tạ Văn Huy và Phạm Thị Châu), đến năm 1961, khi tổ sấy chuối Gia Định di chuyển đi, Ủy ban hành chính (UBHC) Hoàn Kiếm lại đề nghị gia đình cụ Huy cho mượn 3 phòng mặt tiền tầng 1 với tổng diện tích 62m2.

Ông Tạ Tuyên cho biết: “Sau một thời gian sử dụng, thay vì trả lại nhà cho gia đình tôi, UBHC Hoàn Kiếm lại giao diện tích mượn của gia đình cụ Huy cho Xí nghiệp quản lý nhà Hoàn Kiếm. Năm 1962, Xí nghiệp quản lý nhà Hoàn Kiếm cho nhà ăn tập thể Hàng Giầy (sau đổi tên thành Cty ăn uống Đồng Xuân, nay là Cty CP du lịch dịch vụ Hoàn Kiếm) thuê cho đến nay”. Ngoài diện tích 62m2 tầng 1, mặt tiền nhà 38 Hàng Giầy, Cty ăn uống Đồng Xuân còn được thuê toàn bộ nhà 36 Hàng Giầy.

Cho đến năm 1967, gia đình cụ Huy vẫn sử dụng toàn bộ diện tích còn lại của ngôi nhà 38 Hàng Giầy và duy trì lối đi ra mặt đường Hàng Giầy.

Đứng trên pháp luật

Trong thời gian từ năm 1968 – 1969, cán bộ của Cty ăn uống Đồng Xuân ngang nhiên xây bịt lối đi của gia đình cụ Huy ra mặt đường Hàng Giầy. Trắng trợn hơn, nhóm người này đã phá tường ngăn giữa nhà 36 và 38 Hàng Giầy để chiếm toàn bộ khu nhà 2 tầng phía sau gồm nhà ở, công trình phụ và sân trời với tổng diện tích đất khoảng 92m2. Từ đây, gia đình cụ Huy chỉ còn lại gần 9m2 cầu thang để đi lên tầng 2 và buộc cơi nới công trình phụ để sinh hoạt.

Sau khi bị đập phá và lấn chiếm nhà, gia đình cụ Huy đã liên tục có đơn kêu cứu gửi chính quyền, cơ quan chủ quản của Cty ăn uống Đồng Xuân. Ngày 30.7.1981, Sở Quản lý ăn uống (UBND TP.Hà Nội) đã có CV số 659 AU/KTCB yêu cầu Cty ăn uống Đồng Xuân trả lại diện tích lấn chiếm của gia đình cụ Huy, nhưng Cty này vẫn trây ỳ không trả.

Đến ngày 10.9.1983, Sở Nhà đất Hà Nội tiếp tục có CV số 547 NĐ/CS yêu cầu Cty ăn uống Đồng Xuân trả lại đất lấn chiếm. CV số 547 xác định rõ: “Trong quá trình sử dụng nhà thuê của Nhà nước, Cty ăn uống Đồng xuân đã vi phạm hợp đồng, phá bỏ tường ngăn cách giữa nhà 36 và 38 Hàng Giầy… việc làm của Cty gây nên sự bất minh và làm cản trở đến sinh hoạt bình thường của gia đình ông Huy bà Châu, nên ông bà đã khiếu nại đến các cơ quan nhà nước từ nhiều năm qua”.

Điều đáng ngạc nhiên, việc làm vi phạm pháp luật của một số cán bộ Cty ăn uống Đồng Xuân không bị xử lý theo pháp luật và cũng không ai bị kỷ luật. Không những thế, sau khi đập bỏ công trình phụ, nhà vệ sinh của gia đình cụ Huy, Cty này còn xây dựng trái phép một khu văn phòng 2 tầng.

Ngày 14.4.1992, Xí nghiệp quản lý nhà Hoàn Kiếm còn hợp thức hóa diện tích lấn chiếm của gia đình cụ Tuyên cho Cty Đồng Xuân bằng Hợp đồng thuê nhà số 194. Trên cơ sở này, năm 2001 khi tiến hành cổ phần hóa, Cty CP du lịch dịch vụ Hoàn Kiếm đã không ngần ngại đưa cả diện tích nhà đất đã chiếm đoạt của gia đình cụ Huy vào làm tài sản chia cổ phần.

Sau khi nhận được đơn khiếu nại của ông Tạ Tuyên, ngày 26.11, PV Báo Lao Động đã đến trụ sở của Cty CP du lịch dịch vụ Hoàn Kiếm tại 36-38 Hàng Giầy để tìm hiểu sự việc. Tuy nhiên, khi PV Báo Lao Động hỏi giám đốc và Ban giám đốc Cty, các nhân viên trong văn phòng đều trả lời lạnh lùng: “Không có ở đây”.

 

Theo Lao động