Người Nhật Bản quan niệm về phong thủy ra sao?
Lý thuyết phong thủy được truyền vào Nhật Bản từ khoảng thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên. Lúc đó, cơ quan quản lý về phong thủy được gọi là “âm dương liêu”, thầy phong thủy được gọi là “âm dương sư” (onmyouji). Dưới thời kỳ Edo, phong thủy trở nên hết sức phổ biến.
Phong thủy Trung Quốc chia thành hai mặt là phong thủy dương trạch và phong thủy âm trạch. Phong thủy dương trạch nghiên cứu về môi trường sống lý tưởng cho người sống; phong thủy âm trạch nghiên cứu về vị trí an táng lý tưởng cho người đã khuất.
Người Trung Quốc đặc biệt coi trọng phong thủy âm trạch, bởi họ quan niệm rằng, hình hài con người có được là nhờ cha mẹ sinh ra, cha mẹ là cái gốc của con cháu, bởi vậy, nếu hài cốt của cha mẹ được bảo vệ thì con cháu được che chở.
Tương tự, phong thủy khi truyền vào Nhật Bản cũng chia làm hai mặt “gia tướng” và “mộ tướng” tương ứng. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, người ta coi trọng “gia tướng” hơn “mộ tướng”.
Nhiều người cho rằng, sự khác biệt này đến từ sự khác biệt trong quan niệm về quan hệ gia đình của người Trung Quốc và người Nhật.
Thế nhưng, “đại đồng tiểu dị”, xét về nội dung cụ thể, “gia tướng” của Nhật Bản lại có nhiều điểm khác biệt so với phong thủy dương trạch.
Phạm vi nội dung của gia tướng rất rộng, không chỉ gồm tính toán phương vị cát hung và các vấn đề về phương vị, mà đôi khi, “tướng nhà” (gia tướng) của người Nhật còn kết hợp cả tướng tay, tướng mặt… nữa.
Gia tướng cũng bao gồm cả tính toán phương vị ngày giờ cát hung khi ra khỏi cửa hoặc khởi hành đi đâu đó. Người Nhật rất chú ý ngày tốt kiêng kỵ ngày xấu.
Trên nhiều loại lịch ở Nhật đều có ghi chú cát hung ở dưới. Trong đó, ngày Đại An là ngày Hoàng Đạo, mọi sự đều hanh thông, cát lợi. Còn ngày Phật Diệt là ngày cực xấu, mọi chuyện đều không được như ý, làm gì cũng cần phải tránh ngày này.
Ngoài ra, do khác biệt rất lớn về mặt địa lý, quan niệm về phương vị của thuật gia tướng Nhật Bản khác biệt rất nhiều so với thuật phong thủy Dương trạch. Phong thủy Dương trạch lấy “tọa Bắc triều Nam” làm cơ sở, trong khi thuật gia tướng coi trọng trục Tây Bắc – Đông Nam.
Phong thủy Nhật Bản phân chia cố định cát hung cho các quẻ trong Bát quái, ví dụ như, họ cho rằng quẻ Tốn quẻ Càn là đại cát, quẻ Cấn quẻ Khôn là đại hung. Người Nhật quan niệm, cả thảy 90 độ hướng Đông Nam phương Tốn là hướng cát lợi nhất, gọi là phong môn.
Hướng Bắc là hưu môn, không thích hợp bố trí cửa sổ, hướng Đông là tật môn, hướng Nam là cảnh môn, hướng Đông Bắc là quỷ môn, hướng Tây Bắc là thiên môn, hướng Tây Nam là bệnh môn.
Trục Đông Bắc – Tây Nam là trục quỷ môn, tức là trục hung nhất, không thích hợp xây cửa, nhà vệ sinh trên trục này. Từ hai trục này và các phương vị cát hung, kết hợp các tướng khác, tổng hợp lại để định cát hung.
Với người Nhật, một ngôi nhà lý tưởng có cửa chính hướng ra phương Đông, Đông Nam hoặc Nam (tốt nhất là hướng Đông Nam), như thế mới đón được nhiều ánh nắng vào nhà.
Trước cửa trồng nhiều cây cối hoa cỏ, vừa làm đẹp cho ngôi nhà, vừa tạo ra sự chuyển hóa âm dương liên tục, tạo sinh khí cho ngôi nhà.
Nếu hướng cửa chính quay về phía Bắc, đây là hướng rất ít ánh nắng và đầy âm khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và mối quan hệ của bạn với mọi người xung quanh.
Có thể chữa bằng cách để lối vào nhà luôn sáng qua đêm, đặt hoa giả màu sắc tươi sáng rực rỡ trước cửa nhà. Nếu hướng cửa chính quay về phía Đông Bắc, hướng này còn gọi là quỷ môn, là hướng hung nhất trong quan niệm của người Nhật.
Tốt nhất là chuyển cửa chính sang hướng khác, còn nếu không được, cần đặc biệt cẩn thận trước cửa nhà mình, đặt cây cối hoặc muối biển trước cửa để tránh tà, màu sắc chủ đạo của khu vực cửa nhà nên là màu trắng, tuyệt đối không để vật gì có màu đen hoặc màu sẫm trong khu vực này.
Hướng Tây tượng trưng cho đường tài lộc của gia chủ, nếu cửa chính quay về hướng Tây tức là tiền bạc trong nhà sẽ chảy ra ngoài hết. Nếu không thể thay đổi hướng cửa, có thể trang trí trước cửa bằng hoa cỏ có màu vàng tươi.
Ngoài ra, phong thủy Nhật Bản còn trọng yếu tố “tứ thần”. Đầu tiên là yếu tố nước, cát lợi nhất là có nước từ hướng Đông chảy đến rồi xuôi về hướng Tây Nam. Nước từ hướng Đông tới gọi là Thanh Long thủy, nếu không có dòng chảy thì có thể trồng chín cây liễu để thay thế.
Phía Tây có đường lớn là Bạch Hổ, nếu không có đường thì thay bằng cây thù. Phía Nam có ao đầm là Chu Tước, nếu không có ao đầm thì thay bằng chín cây quế. Phía Bắc có núi là Huyền Vũ, nếu không có núi thì thay bằng ba cây khoai.
Vậy là đủ tứ thần cư ngụ, đem lại may mắn, bình yên cho người sống trong nhà. Trước khi khởi công xây nhà, người Nhật cũng mời thầy đến xem đất, xem ngày giờ, làm lễ đầy đủ.
Trân Hoàng Ly
(Đầu tư Bất động sản)