24 đề xuất sáng tạo “Tái thiết không gian bị chuyển đổi trong Đô thị cho phố Phùng Hưng”
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – “Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Khoa Quy hoạch Đô thị và Nông thôn”, Khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã tổ chức Workshop “Tái thiết không gian bị chuyển đổi trong Đô Thị”, địa điểm thiết kế: Tuyến phố Phùng Hưng (đoạn từ Ga Long Biên – Nút giao phố Phùng Hưng với đường Trần Phú). Đối tượng tham gia: Sinh viên các trường đại học đào tạo chuyên ngành Kiến trúc, Quy hoạch, Đô thị trên địa bàn Hà Nội.
Khai mạc vào ngày 3/10/2017 với sự tham gia của 43 nhóm đến từ ĐH Kiến trúc, ĐH Xây Dựng, Viện Đại học Mở, ĐH Phương Đông, ĐH Lâm Nghiệp, ĐH Kinh doanh và Công nghệ…
Theo đúng kế hoạch, BTC đã tổ chức 5 Tiểu ban để kiểm tiến độ và chấm sơ tuyển vào ngày 17/10/2017. Tổng số nhóm dự thi là 43 nhóm; Nhóm đến tham gia dự thi là 29 nhóm. BTC đã chọn ra 24 nhóm đi tiếp vào vòng 2, trong đó có 10 nhóm xuất sắc có số điểm cao nhất, đảm bảo các tiêu chí do BTC đưa ra: (1) Y tưởng sáng tạo; (2) Khối lượng, nội dung nghiên cứu; (3) Hình thức trình bày; (4) Khả năng thuyết trình; (5) Tính khả thi. BTC mong muốn các nhóm vượt qua vòng tiến độ sẽ tiếp tục triển khai phương án thiết kế của nhóm mình để hoàn thiện ý tưởng và đến ngày 30/10/2017 BTC sẽ có 1 buổi chấm kín chọn ra một số phương án cuối cùng xuất sắc nhất để bảo vệ vào buổi bế mạc 31/10/2017.
Các thầy cô giám khảo trong tiểu ban 5 và các bạn sinh viên đang trình bày
Các nhóm thí sinh chủ yếu tập trung vào khu vực vòm cầu từ Cửa Đông đến cầu Long Biên; Cả tuyến: mở rộng từ nút giao Trần Phú đến cầu Long Biên hoặc tập trung vào một không gian cụ thể trong phạm vi tuyến. Các nhóm bằng cách tiếp cận khác nhau nhưng đều chung quan điểm tôn trọng giá trị lịch sử, hồi sinh không gian di sản đô thị trong lòng thủ đô, phục hồi không gian rỗng phía dưới vòm cầu đã xây bịt kín do tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự khu vực. Không chỉ bảo tồn nguyên trạng, hay giới hạn bài học trong nhà trường mà còn cập nhật những công công nghệ/kỹ thuật tiên tiến từ các nguồn thông tin mở để: “Xanh hoá các khối bê tông, đa dạng các không gian chức năng cho từng mái vòm, sử dựng chất liệu, thủ pháp đa dạng để nâng tầm nghệ thuật đương đại trên nền tảng kết cấu vòm đá cổ điển. Những đề xuất mới mẻ đã đánh thức lại một không gian lịch sử với một sức sống mới, sôi động hơn nhưng không làm mất đi cảm xúc về nơi chốn ngay tại không gian xưa trong lòng Hà Nội.
Các đề xuất không chỉ quan tâm đến hình khối, màu sắc mà còn tiếp cận các chủ đề: Văn hoá truyền thống; Đối thoại lịch sử – hiện đại; Tâm linh; Nghệ thuật…với mong muốn liên kết một không gian chức năng trong không gian tuyến tính dài gần 3km. Mặc dù thời gian chưa đầy 3 tuần, nhưng các nhóm đã có các tiếp cận tổng thể và toàn diện về không gian trên tuyến, nhận diện được các đặc trưng của từng khu vực để chia ra các chủ đề phù hợp nhưng vẫn phải đảm bảo tính gắn kết. Đây là một phương pháp nghiên cứu khá quan trọng, đóng góp cho việc nghiên cứu chiến lược và định hướng hoạt động của tuyến trong thực tiễn và tương lai.
Bên cạnh các phương án thực hiện bài bản cũng có một vài phương án đi sâu hơn vào những phương pháp nghiên cứu đô thị mới đó là tăng cường sự tham gia cộng đồng và chia sẻ không gian.
Nhóm “ Đối thoại với đường phố” đã dầy công tham khảo ý kiến của các cư dân đang sinh sống, kinh doanh trên phố để tái thiết không gian tại đây mang lại cơ hội sinh kế tốt hơn, vệ sinh, an ninh đường phố tốt hơn hơn, kết nối cộng động bền chặt hơn, sinh hoạt đường phố vui hơn.
Sinh viên đến phố Phùng Hưng để “đối thoại với phố phường và người hàng phố”
Nhóm “Lũy Hoa” đã phát triển, gia tăng giá trị kiến trúc cảnh quan từ ý tưởng tích hợp tuyến đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị của “City Solution”: từ một phố gầm cầu thành đường phố thương mại đồng thời gia tăng an toàn cho người đi bộ, xe đạp, vừa bảo lưu không gian đô thị lịch sử nhưng đáp ứng nhu cầu tiện nghi và hấp dẫn hiện đại để đề xuất giải pháp thiết kế cảnh quan đô thị qua một ngã tư đường phố.
Hình phối cảnh mô phỏng tuyến ĐSĐT số 1 đi trên vỉa hè phố Phùng Hưng (đã tạm dừng 2014) và đề xuất thiết kế cảnh quan, tạo nên những “Lũy Hoa” trên đường phố – dựa trên giải pháp tích hợp ĐSĐT &ĐSQG do City Solution đề xuất 2017
Tuy mới chỉ là những ý tưởng sơ bộ cho một không gian nhỏ của Hà Nội, nhưng đã khởi đầu cho một cuộc thảo luận lớn là làm thể nào để tạo sức sống mới lại một không gian đô thị lịch sử trong một thành phố hiện đại, phát triển nhanh, đối mặt với rất nhiều thử thách. Có thể nhận ra cả 24 đề xuất nhiều gợi ý thiết thực đóng góp với hy mong muốn TP Hà Nội, quận Hoàn Kiếm có thêm cách nhìn đa chiều trong việc tái thiết không gian đường phố Phùng Hưng. Được biết ngoài những phương án đã đạt giải cao sẽ công bố sau ngày 31/10/2017, toàn bộ 24 nhóm dự thi sẽ tiếp tục được mời tham gia hiện thực hóa ý tưởng thiết kế KGCC thông qua một cuộc so tài mới có tên “Vì một ngày mai Hà Nội vui sống” do UN Habitat kết nối với các đối tác tổ chức, tài trợ.
Ban tổ chức Workshop cũng rất kỳ vọng các nhóm thí sinh sẽ giữ ngọn lửa đam mê để cho ra những sản phẩm tốt nhất, có chất lượng đem lại nhiều giá trị thực tiễn cho thành phố Hà Nội.
Trần Huy Ánh