26/10/2017

Xây dựng đô thị thông minh là chiến lược ‘2 cánh’

Phải ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển đô thị.

Sáng 25-10, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị quốc tế về TP thông minh năm 2017 với sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành trung ương và các tỉnh, TP cùng 500 đại biểu trong nước và quốc tế. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.

Quản lý không thể chỉ bằng kinh nghiệm

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết với mong muốn phát huy tối đa tiềm năng của TP, trong nhiều năm qua, lãnh đạo các cấp đã đặt mục tiêu cho TP.HCM phải phấn đấu vươn lên ngang tầm với các đô thị lớn của các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, đến nay tốc độ phát triển đô thị của TP.HCM vẫn còn chậm và khoảng cách “hiện đại hóa đô thị” so với các TP lớn trong khu vực vẫn còn khiêm tốn.

Do đó, theo ông Nhân, việc triển khai xây dựng đô thị thông minh đóng vai trò là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để hỗ trợ thúc đẩy TP phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đẩy nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách với các TP khác trong khu vực.

TS Eva Yi-Yuan Yueh đến từ Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á-châu Đại Dương (ASOCIO) chia sẻ hầu hết quốc gia trong khu vực đã phát động hoặc có kế hoạch thực hiện số hóa, tận dụng công nghệ thông tin để mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp (DN).

Xây dựng đô thị thông minh là chiến lược ‘2 cánh’ - ảnh 1
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: TL

4 mục tiêu của đô thị thông minh

Trình bày về quá trình xây dựng đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Dương Anh Đức cho biết việc xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh nhằm thực hiện bốn mục tiêu tổng quát. Đó là đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng muốn thực hiện được đô thị thông minh phải ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển đô thị một cách hiệu quả hơn như dân số đô thị tăng; hạ tầng lạc hậu, quá tải; đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng… “Việc quản lý TP lớn không thể bằng kinh nghiệm thông thường mà phải là quản lý có dự báo, phải thấy trước vấn đề khó khăn của TP và ngăn chặn không để xảy ra, tránh ách tắc, đảm bảo phát triển bền vững” – ông Nhân nói.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, giải pháp quyết định cho một TP thông minh là công dân của TP phải là chủ thể của đô thị thông minh, cùng với đó là đánh giá của người dân, sự hài lòng của người dân về việc đô thị thông minh đã làm đến đâu.

“Xây dựng đô thị thông minh là một chiến lược “hai cánh”. Quy hoạch thông minh TP  phát triển bền vững là trách nhiệm của nhà quản lý để quy hoạch TP phát triển bền vững. Cánh thứ hai là quản lý thông minh, quản lý các ngành, DN và công dân một cách thông minh. Tuy nhiên, cũng cần tùy thuộc vào từng địa phương để lựa chọn lĩnh vực nào trước hay sau” – ông Nhân nói.

Theo Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Dương Anh Đức, đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh nhằm phục vụ cho bốn chủ thể của đô thị.

Đối với chính quyền TP, đô thị thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các mặt và lĩnh vực hoạt động.

Đối với người dân, đô thị thông minh giúp cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân ra quyết định một cách tối ưu hơn, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân để người dân tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng TP.

Đối với DN, đô thị thông minh sẽ kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để DN hoạt động, cung cấp nhiều thông tin để DN có những quyết định kinh doanh chính xác, thông qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho DN so với các khu vực khác.

Đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kênh kết nối phản hồi thông tin để giúp họ tham gia một cách hiệu quả hơn vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.

TÁ LÂM / Theo PLO