Vì sao các công trình xây dựng tại Nhật Bản không gây ô nhiễm tiếng ồn và bụi bẩn?
Theo các chuyên gia môi trường, tiếng ồn là nguyên nhân gây ảnh hưởng sức khoẻ lớn thứ 2 sau bụi. Tiếng ồn gây ra bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ các công trình xây dựng.
Công trình xây dựng tại Nhật (ảnh minh họa từ internet)
Tiếng ồn không tích lũy trong môi trường như ô nhiễm các chất độc nhưng nó tác động vào con người và có thể để lại hậu quả lâu dài. Ngoài ảnh hưởng đến cơ quan thính giác, ô nhiễm tiếng ồn còn gây rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, suy giảm nhận thức ở trẻ em…
Tại Nhật, có rất nhiều công trình đang được xây dựng. Những con đường xung quanh công trình xây dựng này luôn làm bạn bè quốc tế ngưỡng mộ bởi rất sạch sẽ, không dính bụi đất, không có tiếng ồn.
Vì sao họ làm được như vậy?
Những tấm chắn chống ồn
Xung quanh khu công trình xây dựng được bao kín bởi những tấm chắn cao chừng 3m. Công dụng của những tấm chắn này là làm giảm tiếng ồn, chặn âm thanh phát ra từ công trình.
Máy đo độ ồn tại công trình xây dựng
Để không làm xấu hình ảnh đô thị, người ta dán hình ảnh đẹp mắt về dự án công trình và cảnh vật thiên nhiên, về di sản, về văn hóa của địa phương. Điều này không tạo sự khó chịu cho người đi bộ mà còn qua đó, có thể quảng bá hình ảnh đất nước, con người Nhật Bản.
Những tấm chắn tại một công trình xây dựng Nhật Bản (ảnh internet)
Những tấm chắn này cũng cho phép người ta có thể nhìn được vào bên trong bởi thi thoảng, cách một đoạn lại có những tấm kính trong suốt. Có lẽ đó là vừa để cho mọi người có thể biết về tiến độ công trình, đồng thời đó cũng là hoạt động công khai. Ngoài ra, những tấm chắn ấy còn có nhiệm vụ gắn vào đó những cái máy đo độ ồn và độ rung. Sự sắp đặt này có chủ ý tại những địa điểm khác nhau của công trình.
Điều này là công khai cho công chúng biết độ ồn và độ rung. Nếu thấy vượt ngưỡng cho phép, người ta có thể đặt kiến nghị chủ công trình. Mọi chủ đầu tư đều phải tuân thủ theo luật xây dựng và các luật liên quan.
Những chiếc xe chở đất
Trong công trình, đương nhiên không thể thiếu những chiếc xe chở đất nhưng vì sao lại không thấy bụi bẩn? Là bởi vì bánh xe không trực tiếp chạm vào nền đất. Công nghệ Nhật Bản luôn hướng tới sự tiện lợi nên họ đã thiết kế những đoạn đường trên không. Những chiếc máy xúc thực hiện chức năng của mình là xúc đất từ bên dưới đổ vào xe.
Thế nên, đất bụi rất hạn chế chạm vào bánh xe và bỏ xe. Nếu có thì trước khi chạy vào đường phố, chúng đã được gột rửa một cách cẩn thận, sạch sẽ tinh tươm thì mới được phép di chuyển.
Ý thức trách nhiệm
Trong thập niên 1960, tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh đã làm cho Nhật Bản phải chịu những áp lực lớn từ các vấn đề môi trường. Điều đó buộc các nhà quản lý môi trường của Nhật Bản phải sớm tìm kiếm các giải pháp về chính sách, nhằm giảm thiểu ô nhiễm.Chính phủ Nhật Bản đã phải tiến hành các giải pháp để cải thiện hệ thống pháp luật và thiết lập cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Chính phủ đã ban hành những quy định pháp luật nghiêm ngặt về tiêu chuẩn phát thải chất thải, kiểm soát ô nhiễm…. Đặc biệt coi trọng chính sách giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức nỗ lực ngăn chặn.
Bên cạnh một hệ thống chính sách kiểm soát ô nhiễm nghiêm ngặt, các cấp chính quyền địa phương, cũng như nhân dân rất nỗ lực trong việc làm sạch môi trường. Có hàng nghìn tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường, hàng trăm cơ quan truyền thông về môi trường. Khắp nơi đâu đâu cũng có các thông điệp về bảo vệ môi trường tràn ngập trên các dãy phố, trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, tác động vào nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân vì môi trường trong sạch. Chính vì thế, ngay tại nơi có các công trình xây dựng, không bao giờ vấn đề ô nhiễm về tiếng ồn hay bụi bẩn có thể xảy ra.
Khánh Phương/BXD