Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư
Vừa qua, Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri TP HCM do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 517/BDN về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Ảnh minh họa.
Nội dung kiến nghị: Quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 25 của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/1016 (Quy chế 02): “Trường hợp Ban quản trị tòa nhà chung cư quyết định việc bảo trì phần sở hữu chung của tòa nhà chung cư thì phải được 100% thành viên Ban quản trị đồng ý, trừ trường hợp có thành viên vắng mặt vì lý do bất khả kháng” gây khó khăn cho hoạt động của Ban quản trị các chung cư trong việc bảo trì phần sở hữu chung trong trường hợp chỉ cần 01 thành viên không đồng ý cũng không thực hiện được, trong khi đại đa số người dân sống tại chung cư đều đồng ý việc bảo trì. Do đó, kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét sửa đổi quy định trên cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các Ban quản trị chung cư.
Về vấn đề trên, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 2085/BXD-QLN gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với nội dung như sau: Sau khi Quốc hội thông qua Luật Nhà ở số 65/2014/QH13, quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư có nhiều nội dung mới được bổ sung như quy định về việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư; việc thành lập hoặc không thành lập Ban quản trị, về mô hình hoạt động, thành phần, quyền và trách nhiệm của Ban quản trị…Để triển khai hướng dẫn Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 Quốc hội đã giao Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quản lý, sử dụng nhà chung cư. Thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư (gọi tắt là Quy chế 02).
Theo quy định tại khoản 3 Điều 109 của Luật Nhà ở 2014 thì “Ban quản trị nhà chung cư có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì đúng mục đích, đúng hạng mục cần bảo trì theo kế hoạch bảo trì đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua hằng năm. Việc sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung phải có hóa đơn tài chính, có thanh toán, quyết toán theo quy định của pháp luật về tài chính và phải báo cáo Hội nghị nhà chung cư. Thành viên Ban quản trị nhà chung cư có quyết định sử dụng kinh phí không đúng quy định thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại”.
Xuất phát từ yêu cầu nêu trên, tại điểm a khoản 3 Điều 25 của Quy chế 02 đã quy định đối với quyết định chi tiêu kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì phải được 100% thành viên Ban quản trị đồng ý, trừ trường hợp bất khả kháng. Quy định này của Quy chế 02 là nhằm bảo đảm sự đồng thuận, nhất trí cao và tăng cường vai trò trách nhiệm của các thành viên Ban quản trị khi triển khai các quyết định đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua.
Trước khi ban hành Quy chế 02, Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để lấy ý kiến đóng góp của các địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó có quy định về tỷ lệ biểu quyết khi thông qua các quyết định của Ban quản trị nhà chung cư. Hầu hết các ý kiến tham gia góp ý đều nhất trí với quy định về tỷ lệ biểu quyết này.
Qua theo dõi việc thi hành Luật Nhà ở số 65/2014/QH13, Quy chế 02 nói chung và quy định nêu trên cho thấy, quy định này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều chủ đầu tư, đông đảo cư dân đang sinh sống trong các nhà chung cư. Trường hợp các thành viên Ban quản trị không thống nhất được theo quy định nêu trên thì có thể tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường nếu có đơn đề nghị của trên 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao để yêu cầu hội nghị nhà chung cư xem xét, quyết định.
Đối với ý kiến của cử tri TP HCM đề nghị xem xét sửa đổi điểm a, khoản 3, Điều 25 của Quy chế 02, Bộ Xây dựng xin ghi nhận để tổng hợp tình hình và xem xét, sửa đổi vào thời điểm thích hợp.
Đoan Trang/BXD