07/09/2017

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo xử lý tình trạng “biến tướng” đất nông nghiệp tại phường Mễ Trì

Mặc dù Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp trái mục đích tại khu vực ven đại lộ Thăng Long (thuộc phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) nhưng nhiều tháng trôi qua, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra ngang nhiên khiến dư luận bức xúc.


Cảnh hoạt động nhộn nhịp bên trong khu đất nông nghiệp bị sử dụng sai phép.

Khu đất nông nghiệp Đằng Xung – Đằng Khoai, nằm ven đại lộ Thăng Long thuộc địa bàn phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm rộng hàng nghìn m², trước đây là điểm nóng của tình trạng xây dựng với trạm trộn bê tông không phép, gây nhức nhối trên địa bàn. Năm 2014, với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền TP. Hà Nội và quận Nam Từ Liêm, các trạm trộn bê tông trên bị cưỡng chế, xóa bỏ.


Một trạm cân trong khu đất nông nghiệp sai phép.

Điều đáng nói, sau khi mặt bằng đất nông nghiệp được trả lại nguyên trạng thì chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND phường Mễ Trì phải tăng cường quản lý, giám sát để chống tái diễn tình trạng sử dụng sai mục đích thì chỉ trong một thời gian ngắn, khu đất này lại bị “xẻ thịt” sử dụng sai mục đích.


Khu đất nông nghiệp này cũng là nơi tập kết các máy móc, thiết bị.

Theo đó, trên diện tích hàng nghìn m², nhiều sân bóng nhân tạo được xây dựng quy mô, đầy đủ với hệ thống chiếu sáng bằng đèn cao áp. Cách đó không xa, một khu đất khác được sử dụng làm bãi tập kết vật liệu xây dựng, sắt vụn, cốp pha… nhộn nhịp với xe tải vào ra hàng ngày.

Cũng trên khu đất này, nhiều gara sửa chữa ô tô cũng được xây dựng và hoạt động ngày đêm. Đặc biệt hơn, phần gần với đại lộ Thăng Long, có 2 trạm cân với công suất 100 và 150 tấn được quảng cáo hoạt động 24/24.

Sân bóng rộng hàng ngàn m² được trang bị đầy đủ thiết bị chiếu sáng trên đất nông nghiệp.

Trước tình hình trên, ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân và báo chí, ngày 22/6/2017, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm kiểm tra, kiên quyết xử lý những điểm vi phạm trật tự xây dựng tại khu vực này (nếu có); báo cáo Thành ủy, UBND Thành phố trước ngày 10/7/2017.

Sau chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, UBND quận Nam Từ Liêm cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo phường Mễ Trì kiểm tra, xử lý. Đến lúc này, UBND phường Mễ Trì mới lên kế hoạch về việc cưỡng chế công trình vi phạm.


Một xe tải cỡ lớn chở vật liệu xây dựng đang qua cổng tôn để vào khu đất.

Báo cáo của UBND phường Mễ Trì cho biết, ngày 6-7/7/2017, phường Mễ Trì đã tổ chức cưỡng chế các công trình, cụ thể: Tháo dỡ 2 công trình nhà gạch và 25 công trình nhà tạm; tạm giữ 15 container; các tài sản còn lại chủ đầu tư tự tháo dỡ và di chuyển.

Cũng theo báo cáo, kết thúc buổi cưỡng chế, đơn vị này đã rào tôn chống tái lấn chiếm và giao Công an phường quản lý, bảo vệ rào rôn theo thẩm quyền. Cơ quan này cũng đề nghị UBND quận chỉ đạo Cty Điện lực Nam Từ Liêm không cung cấp điện cho các đối tượng vi phạm.

Báo cáo của UBND phường Mễ Trì thể hiện quyết liệt xử lý là vậy, nhưng trên thực tế, chỉ một thời gian rất ngắn sau ngày cưỡng chế, hoạt động tái lấn chiếm của các công trình trái phép trên đất nông nghiệp lại tiếp tục diễn ra rầm rộ.


Bên trong là một bãi tập kết vật liệu lớn.

Quan sát của phóng viên chiều 6/9 tại khu vực trên cho thấy, bãi tập kết vật liệu, sắt vụn… vẫn hoạt động rầm rộ bên trong, bên ngoài cổng rào tôn vẫn được mở rộng với nhiều chuyến xe nhộn nhịp ra vào; hai trạm cân vẫn mở cửa đón xe vào cân; sâu vào bên trong, một số người thợ hàn đang thực hiện công việc của mình bằng việc hàn xì, sửa chữa trên những thanh sắt… mọi thứ diễn ra ngang nhiên như một “đại công trường”.

Trong vai một người cần đặt sân đá bóng, phóng viên vào tận khu vực được cho là nơi quản lý sân bóng để giao dịch thì được hướng dẫn gọi vào số “đường dây nóng” để nếu có nhu cầu. Liên lạc qua số máy được cung cấp là 016832058xx, một người đàn ông tên Việt nhận là người quản lý sân bóng cho biết, các giờ vàng (từ 17-20h) các buổi tối đều kín lịch, muốn sử dụng phải đặt giờ sớm hoặc muộn hơn. Chi phí tiền sân cho mỗi giờ thường từ 300 – 500 ngàn đồng.

Theo tìm hiểu, trên diện tích đất nông nghiệp này, một phần đã được giao cho các hộ dân nhưng những hộ dân này không canh tác mà tự ý cho một số người thuê, những người này thực hiện san lấp mặt bằng rồi sử dụng hoặc tiếp tục cho thuê lại theo giá thị trường. Với vị trí “đắc địa” vì nằm giáp đại lộ Thăng Long, gần đối diện với Trung tâm Hội nghị quốc gia, cách đường vành đai 3 chừng chưa đến 1km nên mặt bằng ở đây trở thành vị trí “vàng” với giá cho thuê cao, tính như vậy, diện tích đất nông nghiệp này đã bị trục lợi với giá trị rất cao. Số tiền này được đưa vào túi ai thì vẫn là một “ẩn số”.


Bãi tập kết sắt thép cũng chiếm một diện tích đất lớn.

Anh Nguyễn Tuấn (ngụ tại khu đô thị An Khánh, Hoài Đức) cho biết: “Tôi thường xuyên tham gia giao thông trên đại lộ Thăng Long và thường xuyên chứng kiến cảnh đông đúc, lộn xộn trước cảnh xe cộ ra vào khu đất, nhiều hôm còn gây ra cảnh ùn tắc cục bộ, rất mất an toàn giao thông”.

Thực tế trong những năm vừa qua trên địa bàn Hà Nội nói chung, diện tích đất nông nghiệp ven đô thị, có vị trí thuận tiện về giao thông hoặc đất thuộc các dự án chưa triển khai đã được một số cá nhân, tổ chức tự ý sử dụng làm nhà xưởng, sân bóng, gara sửa chữa ô tô, bãi tập kết vật liệu… thậm chí là xây dựng các công trình bê tông kiên cố. Tình trạng này đã làm cho tình hình vi phạm trật tự xây dựng, an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy trở nên phức tạp.

Trên thực tế đã diễn ra nhiều vụ hỏa hoạn gây thiệt hại về người và tài sản cho chính những người vi phạm và cả cộng đồng. Do đó, chủ trương xử lý triệt để những công trình vi phạm được lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, đặc biệt là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo rất quyết liệt, thường xuyên.

Trở lại sự việc vi phạm tại phường Mễ Trì cho thấy, chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã rất rõ ràng, nhưng việc xử lý của chính quyền quận, phường còn bộc lộ nhiều hạn chế, thụ động dẫn đến tình trạng hàng ngàn m² đất nông nghiệp vẫn đang bị “xẻ thịt” sử dụng trái mục đích.

Bao giờ tình trạng vi phạm sẽ chấm dứt? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và dư luận về những tồn tại này? Câu trả lời xin nhường cho các cơ quan chức năng quận Nam Từ Liêm và phường Mễ Trì.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Nguyễn Nguyễn/BXD