25/08/2017

Hội thảo “Nâng cao hiệu quả sử dụng đất xây dựng đô thị”

Ngày 23/8/2017, tại Hà Nội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam (viết tắt là Tổng hội) tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả sử dụng đất xây dựng đô thị”. Dự hội thảo có nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Kiểm, Nguyễn Hồng Quân, ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội và đông đảo chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực xây dựng trên toàn quốc.

Ông Trần Ngọc Hùng phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Ngọc Hùng cho biết, hiện nay, hiệu quả sử dụng đất đô thị ở Việt Nam còn thấp, thể hiện ở tỷ lệ khoảng 2.100 người/km2 – rất thấp so với các nước trong khu vực châu Á, bình quân khoảng 10.000 người/km2. Cả nước vẫn còn nhiều đất đô thị trong các đô thị để hoang hóa, nằm ở các dự án treo hoặc chậm triển khai, nhà liền kề, biệt thự để hoang, tỷ lệ lấp đầy các chung cư còn thấp. Việt Nam vẫn tập trung quá lớn vốn đầu tư, sử dụng đất đô thị xây dựng nhà ở, trong khi việc dành quỹ đất và kinh phí cho hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật rất hạn chế dẫn đến ùn tắc giao thông, úng ngập. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh không phát triển, các dự án treo và triển khai ì ạch vì không thu hút người dân đến sinh sống và làm việc.

Bên cạnh đó, việc sử dụng đất đô thị trong các khu nội đô cũ còn bất cập, nhiều trường hợp chạy theo lợi nhuận của thị trường, phục vụ cho lợi ích của chủ đầu tư và người liên quan. Nhiều nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm, công sở phải di dời ra khỏi nội đô đã biến thành các dự án nhà ở siêu lợi nhuận trong khi thiếu đất làm hồ điều hòa,vườn hoa, cây xanh, nhà trẻ, trường học, hạ tầng kỹ thuật, làm tăng mật độ dân số, trái với chủ trương giảm mật độ dân số trong nội đô. Nhiều bệnh viện trung tâm đã quá tải lại được cấp phép cấp kinh phí xây mở rộng, dẫn đến dồn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vào trung tâm thành phố gây quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Nhiều cơ quan công sở, công trình dịch vụ xây dựng tập trung vào trung tâm nội đô, các dự án khách sạn của các doanh nghiệp lớn ở trung tâm, thành phố, góp phần làm ách tắc giao thông.

Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Trần Ngọc Hùng, Việt Nam cần tập trung nguồn vốn và nguồn lực để đẩy mạnh việc lập, duyệt quy hoạch chi tiết; ban hành kịp thời các quy chế quản lý sau khi quy hoạch được duyệt, đặc biệt là việc quản lý mật độ sử dụng đất, chiều cao, việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch phải thực hiện nghiêm theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng; tập trung rà soát lại quy hoạch nhằm tăng cường dành đất đô thị cho công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng giao thông, đưa ra quy định trong việc sử dụng đất của các nhà máy, công sở… khi di dời khỏi nội đô chỉ dành cho công trình hạ tầng xã hội, đặc biệt là xây dựng nhà trẻ, vườn hoa cây xanh, công trình phục vụ cộng đồng, không cấp giấy phép xây dựng nhà ở tại các mảnh đất vàng này; thực hiện nghiêm việc hạn chế xây dựng các dự án ở khu nội đô theo quy hoạch để không làm tăng dân số nội đô, hạn chế ùn tắc giao thông, úng ngập.

Mặt khác, nhà nước cần tập trung nguồn vốn cho các dự án hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là giao thông, chống ngập úng; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra việc thực hiện sử dụng đất đô thị theo quy hoạch, kể cả kiểm tra việc thực hiện của cơ quan quản lý có thẩm quyền trong việc cấp phép dự án không theo quy định, đến các tổ chức cá nhân thực hiện dự án, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm; rà soát và xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật các dự án treo; rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến sử dụng đất đô thị đặc biệt là cơ chế thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng; tập trung rà soát cải cách thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng, đặc biệt là xây dựng trên đất đô thị.

Tại hội thảo, các diễn giả đã đề cập nhiều nội dung liên quan đến sử dụng đất đô thị, và đưa ra những ý kiến thảo luận sôi nổi, nhằm đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị ở Việt Nam. Trình bày tham luận “Giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với đất xây dựng đô thị ở Việt Nam”, PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh cho biết, hiện nay Việt Nam chưa nghiên cứu làm rõ được một số nội dung như: Phân loại đất xây dựng đô thị; đánh giá tổng hợp, phân hạng quỹ đất xây dựng đô thị; việc xác định sức chứa hoặc quy mô đô thị tối ưu; chọn đất xây dựng đô thị; lựa chọn mô hình đô thị bền vững, thích nghi; phân vùng chức năng, chia lô và quy hoạch sử dụng đất xây dựng đô thị; xác định hệ thống các chỉ số sử dụng đất xây dựng đô thị.

Quang cảnh hội thảo

Theo PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh, năng lực quản lý nhà nước đối với đất xây dựng đô thị sẽ được nâng cao nếu những vấn đề tồn tại trong quản lý và sử dụng đất được giải quyết tốt, trong đó nổi bật là: Chính sách định cư; quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị; cơ sở pháp lý và công cụ quản lý đất xây dựng đô thị; mô hình chính sách đầu tư phát triển đất xây dựng đô thị, định giá đất và phí về đất, lệ phí, thuế nhà và đầu tư xây dựng công trình gắn liền với quyền phát triển trên đất; tổ chức bộ máy quản trị đất xây dựng đô thị.

PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh đưa ra các giải pháp có tính định hướng như sau: Xây dựng chính sách định cư bền vững nhằm tạo tiền đề để nâng cao hiệu quả sử dụng đất xây dựng đô thị; cải cách hệ thống quy hoạch, gắn kết quy hoạch sử dụng đất đai với quy hoạch đô thị; hoàn thiện cơ sở pháp lý và công cụ quản lý đất xây dựng đô thị; xây dựng chính sách và đa dạng hóa các mô hình phát triển và sử dụng đất xây dựng đô thị, gắn với quyền phát triển trên đất; nâng cao năng lực quản trị đất xây dựng đô thị.

Kết luận hội thảo, ông Trần Ngọc Hùng cho biết, những ý kiến thảo luận, góp ý của các chuyên gia, các đại biểu tham dự hội thảo sẽ được Tổng hội tổng hợp làm thành bản kiến nghị gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước liên quan nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của đất đô thị, vì nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng các đô thị xanh, văn minh hiện đại, xây dựng đất nước công nghiệp, giàu mạnh./.
Trần Đình Hà/BXD