Triển lãm nghệ thuật KOHLER Bold. Art. với chủ đề “Đa văn hóa”
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Tối 11/8, Triển lãm nghệ thuật KOHLER Bold. Art. với chủ đề “Đa văn hóa” đã chính thức được “vén màn” với sự góp mặt của các tác phẩm của các nghệ sĩ đến từ các quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương và Trung Đông.
Đại diện Việt Nam – nữ nghệ sĩ Lập Phương tham gia chương trình với tác phẩm độc đáo và giàu ý nghĩa mang tên “Mẹ tròn con vuông”. Tác phẩm lấy cảm hứng từ mối quan hệ giữa biển cả và bạch tuộc – người mẹ sinh ra loài sinh vật đẹp đẽ và thông minh bậc nhất. Tác phẩm “Mẹ Tròn Con Vuông” diễn đạt cặp khái niệm “Trời tròn – Đất vuông” – đại diện cho tín ngưỡng tôn kính của người Việt Nam. Chứa trong mình nhiều yếu tố mang tính đối lập, tác phẩm này diễn tả những bất đồng khó hoà hợp trong bối cảnh đa văn hoá: “tích cực hay tiêu cực, giữ trọn bản sắc quốc gia hay hoà nhập toàn cầu”.
Triển lãm mà Kohler tổ chức nhằm mục đích tạo sân chơi bổ ích nơi những nghệ sĩ đầy tài năng có thể tự do thể hiện và thỏa sức sáng tạo.
13 nghệ sĩ trẻ đều dưới 30 tuổi đến từ các quốc gia: Úc, Trung Quốc, Indonesia, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines, Việt Nam và các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đã kể lại những câu chuyện về xu hướng đa văn hóa tại đất nước của họ bằng ngôn ngữ điêu khắc thông qua các tác phẩm nghệ thuật của mình.
Những tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo dành cho triển lãm lần này phản ánh tác động của xu hướng đa văn hoá lên cuộc sống thường ngày, làm tiền đề cho những ý tưởng sáng tạo trong phạm trù văn hóa và nghệ thuật. Các nghệ sĩ thể hiện quan điểm và cảm xúc của họ thông qua những tác phẩm nghệ thuật. Tất cả tác phẩm đều được chế tác bằng những loại nguyên liệu mà Kohler sử dụng trong sản xuất.
Bên cạnh đó, tại triển lãm, Kohler cũng cho trưng bày 3 mẫu hoa văn đạt giải thưởng cao trong cuộc thi thiết kế KOHLER Design Challenge – “Cảm hứng nghệ thuật từ Kiến trúc”. Các mẫu thiết kế đặc biệt được lấy cảm hứng từ các kiến trúc nổi tiếng trên khắp thế giới và được chuyển tải lên các chậu rửa đặt trên bàn của Kohler.
Triển lãm nghệ thuật Bold. Art 2017 sẽ mở cửa miễn phí cho quan khách đến tham quan từ nay đến ngày 17/8/2017 tại Nhà Triển Lãm – Số 93 Đinh Tiên Hoàng, Thành phố Hà Nội.
Cùng chiêm ngưỡng 13 tác phẩm:
Nhà điêu khắc người Úc, Oliver Tanner với tác phẩm “Kết nối đan xen” mô tả tiến trình dịch chuyển, phát triển và hoà nhập của các cộng đồng xã hội riêng biệt
Nguồn cảm hứng cho tác phẩm điêu khắc này đến từ ý tưởng “Không có gì mạnh mẽ hơn sự dịu dàng”, sáng tạo dựa trên triết lí của Lão Tử: “Vạn vật trên thế gian không có thứ gì mềm mại như nước, nhưng lại không có gì đủ mạnh để thắng được nước”. Tác phẩm “Sức mạnh của nước” của nghệ sĩ người Trung Quốc Da Chuan.
Một thành phố đa văn hoá như Hồng Kông hội tụ nhiều phong cách sống khác nhau, kể cả sự đa dạng trong lĩnh vực thể thao. Nguồn cảm hứng để Yiu Chun Wa làm nên tác phẩm “Thẳng – Móc – Thẳng” này là từ Muay Thái – bộ môn võ thuật cổ truyền Thái Lan.
Tác phẩm “Như thể chẳng có gì xảy ra” của Serim Lee (Hàn Quốc) cho thấy một sự đối lập trong xã hội Hàn Quốc hiện đại. Tác giả kết hợp sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau như sợi thuỷ tinh, gạch, gỗ và nhựa nhằm ẩn dụ cho sự đa dạng của văn hoá Hàn Quốc ngày nay.
Tác phẩm “Xoắn Đôi” của nghệ sĩ Kotaro Sakazume (Nhật Bản) thể hiện hình hài của hai bản thể hoà quyện với nhau trong một mảnh đất sét duy nhất.
Tác phẩm “Sắc màu Thịnh vượng” của Uji Handoko Eko Saputro (Indonesia) được truyền cảm hứng sáng tạo từ những sự khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ và tín ngưỡng trong quá trình theo đuổi mục tiêu thịnh vượng chung.
“Mối lương duyên văn hoá” của Anniketyni Madian (Malaysia) đại diện cho thời khắc gặp gỡ trở thành mối lương duyên giữa các chủng tộc, tôn giáo và nền văn hoá khác nhau.
Tác phẩm “Đa chủng tộc” đến từ Dubai tượng trưng cho các nền văn hoá khác biệt, tìm đến nhau và cùng phát triển trong hoà bình.
Hình dáng của khối điêu khắc này được truyền cảm hứng từ các cụm tinh thể pha lê, nhằm ẩn dụ cho bức tranh xã hội Philippines hiện tại – nơi các chủng tộc, nền văn hóa và tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau cùng chung sống trong hoà bình. Genavee Lazara, nữ nghệ sĩ 22 tuổi là tác giả của tác phẩm “Hội tụ” này.
Tác phẩm “Eilian” của nghệ sĩ người Thái Lan, Eiair
Trong văn hoá Trung Hoa, vòng tròn là biểu tượng của sự thành công và toàn vẹn. Tác phẩm “Tan chảy”mang hình dạng một vòng tròn lớn, ôm trong mình nhiều vòng tròn nhỏ hơn. Glendy lấy cảm hứng từ chính quê hương Đài Loan của mình – nơi các nền văn hoá độc lập tìm đến và kết nối với nhau xuyên suốt chiều dài lịch sử phát triển của đất nước.
Nghệ sĩ Tan Sao Qi đã tái hiện thành công bối cảnh Singapore thời kì lập quốc bằng cách nhào nặn tác phẩm của mình thành hình các con thuyền nhằm minh hoạ cho quá trình phát triển của chủ nghĩa đa văn hoá xuyên suốt những năm đầu tiên trong lịch sử đảo quốc Singapore.