Làng Masouleh thuộc hạt Fuman, tỉnh Gilan của Iran, nằm trên dãy núi Alborz ở độ cao 1.000 m, khá gần bờ biển Caspian. Ngôi làng cổ độc nhất vô nhị ở xứ sở Ba Tư đã tồn tại và đứng vững hơn 1.000 năm kể từ khi thành lập vào khoảng năm 1006, với tên gọi lúc đầu là Masalar và Khortab.
Trên chặng đường thực hiện giấc mơ đi xe máy vòng quanh thế giới, Trần Đặng Đăng Khoa có cơ hội ghé thăm Masouleh.
Khu chợ Bazaar ở trung tâm ngôi làng gồm nhiều quán ăn và quầy lưu niệm.
Nơi đây có kiến trúc rất độc đáo, cả ngôi làng tựa lưng vào vách núi. Sau nhiều lần binh biến và bị các bộ tộc khác tấn công, ngôi làng chuyển chỗ dần đến vị trí hiện tại, cách nơi khởi nguồn khoảng 6 km.
Do vị trí đặc thù và cách xây dựng, sân của nhà này đồng thời sẽ là mái của nhà phía dưới và ngược lại.
Theo lời Đăng Khoa, Masouleh là ngôi làng duy nhất ở Iran cấm xe máy do đặc thù đường đi nguy hiểm và nhiều cầu thang. Chàng trai quê Tiền Giang cũng chia sẻ rằng nếu đi Masuleh, đừng chỉ quanh quẩn ở khu trung tâm phía dưới, mà hãy chịu khó leo cầu thang lên khu phía trên sẽ có nhiều góc đẹp không ngờ.
Theo truyền thống, những ngôi nhà sẽ được phủ ngoài bằng đất sét vàng để nhìn rõ hơn trong sương mù. Trên các khung cửa sổ thường trồng hoa, mang lại vẻ thơ mộng, cổ tích, đậm chất Ba Tư cho ngôi làng.
Cảnh vật nơi đây mang vẻ đẹp hoài cổ, nhuốm màu thời gian.
Trải qua năm tháng, dân số trong làng càng lúc càng ít, chỉ còn dưới 1.000 người do thanh niên đã đi nơi khác lập nghiệp. Người dân bắt gặp trong làng hầu như là người già. Họ chủ yếu nói tiếng Taleshi hay gặp ở vùng giáp biển Caspian này.
Toàn cảnh làng Masouleh ở sườn phía Tây. Ngôi làng giờ đây là nơi nghỉ mát ưa chuộng của dân Iran ở phía bắc nhờ khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao. Nguyên nhân là gió từ biển Caspian thổi vào Iran gặp dãy Alborz bị chặn lại ngay vị trí làng Masouleh.
Những lối đi nhỏ hẹp ở tầng trên khu Kasha-sar – nơi nhà ở chính của dân làng. Khu phía dưới dùng để phục vụ khách du lịch.
Một quán trà và shisha ở làng Masouleh.
Cửa hàng lưu niệm ngập tràn các món đồ cho khách du lịch lựa chọn.
Sau hơn 60 ngày đi qua khoảng 10.000 km, Trần Đặng Đăng Khoa đã hoàn thành một nửa chặng đường từ TP.HCM đến Paris (Pháp). Anh đã đi qua các nước Campuchia, Thái Lan, Nepal, Ấn Độ, Pakistan và đang dừng chân ở Iran.
Ánh Ngọc / Ảnh: Trần Đặng Đăng Khoa
(Zing.vn)