03/08/2017

Các công trình nghệ thuật công cộng nổi tiếng thế giới

Con người hiện đại sống trong những môi trường biến đổi nhanh chóng, bên cạnh những thiết bị liên lạc (iPhone, iPad, máy tính, truyền hình…) cũng luôn được cập nhập nhanh chóng. Sự tương tác và quan hệ giữa con người với nhau, do đó cũng biến chuyển; tuy nhiên, có một thói quen hành vi chưa bao giờ thay đổi: nhu cầu được giao lưu, tụ tập ở những khu vực công cộng, những nơi là của chung.

Việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật ở nơi công cộng là một chất xúc tác quan trọng trong việc tạo ra những tương tác xã hội có ý nghĩa, mang đến những chia sẻ thú vị, giúp con người chất vấn, phản ánh bản thân cũng như môi trường xung quanh.

Các tác phẩm nghệ thuật công cộng được làm từ chất liệu khác nhau, kích cỡ khác nhau, hình khối khác nhau – điều này thể hiện tính đa dạng về tính mỹ thuật cũng như phương pháp tiếp cận, sáng tác nghệ thuật công cộng. Đặc điểm chung của tác phẩm nghệ thuật công cộng là: chúng sử dụng và biến đổi các không gian đơn thuần, có sẵn, để tạo ra những trải nghiệm mới (có tính nghệ thuật, tương tác, chất vấn) cho người dân sử dụng không gian đó; từ đó kích hoạt các đối thoại dân sự, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa – nghệ thuật của người dân, xây dựng cũng như củng cố căn tính chung của cộng đồng và mối liên kết, sự chia sẻ giữa các cá thể của cộng đồng đó.

Nghệ thuật công cộng thường mang tính linh hoạt cao, có khả năng kết hợp với các lĩnh vực nghệ thuật khác như âm nhạc, trình diễn, kịch, video… để tạo ra các hoạt động biểu diễn, trưng bày nghệ thuật có tính tổng hòa, đa chiều, đa chất liệu. Từ không gian của một tác phẩm nghệ thuật, nó có thể trở thành không gian đa công năng, đa mục đích.

Tuy nhiên, cũng cần hiểu rõ ý nghĩa của việc sáng tạo nghệ thuật ở nơi công cộng. Quan niệm về không gian công cộng giờ không đơn giản chỉ những khu vực của chung nhất định. Các định nghĩa như “bên trong” tương đương với “riêng tư”, hay “bên ngoài” tương đương với “công cộng” không còn xác đáng ở thời điểm hiện tại. Sáng tạo nghệ thuật ở nơi công cộng không còn đồng nghĩa với việc sắp – đặt điêu khắc hoặc tượng đài (một khối tĩnh) ở một nơi nào đó, và nghiễm nhiên cho rằng tác phẩm sẽ trở thành một phần đời sống và đối thoại của công chúng. Để thực sự sáng tạo nghệ thuật nơi công cộng, nghệ sĩ và tác phẩm cần cân nhắc – ngay từ những bước đầu tiên – các yếu tố như: ngữ cảnh lịch sử, xã hội, không gian của nơi chốn; đồng thời ước muốn, nhu cầu và thực tế của cộng đồng sinh sống tại nơi chốn đó. Một tác phẩm nghệ thuật công cộng – ở thời điểm đương đại – cần làm nhiều hơn là tồn tại tĩnh, trong một khoảnh khắc vật chất, ở một địa điểm ngoài trời. Nó cần tham gia và sinh sống trong đời sống hằng ngày, cũng như đời sống tinh thần của cộng đồng, bằng cách trở thành chất xúc tác khiến người xem suy ngẫm, tưởng tượng, chiêm nghiệm, đặt câu hỏi, xem xét, chất vấn.

Trên thế giới, ở các quốc gia phát triển, nghệ thuật công cộng luôn được chú trọng. Một vài ví dụ về công trình nghệ thuật công cộng như:

Cloud Gate – Cổng mây

Tác giả: Anish Kapoor (người Anh, gốc Ấn). Kim loại chống rỉ. Cao 10m, ngang 13m, dài 20m. Ra đời năm 2006.

Nằm trong khuôn viên Công viên Thiên niên kỷ, được chính quyền thành phố Chicago (Mỹ) xây dựng với mục đích chào đón thiên niên kỷ mới, đồng thời tạo dựng một không gian vui chơi giải trí với tổ hợp vườn tược, khu vực trượt băng, phòng tranh, tác phẩm nghệ thuật công cộng… Cổng mây làm bằng chất liệu inox – có tính phản chiếu, và với hình dáng ellipse – có khả năng thay đổi hình ảnh phản chiếu, tạo cảm giác giống như khi đi vào nhà gương. Cổng mây được các nhà phê bình coi như cánh cửa kết nối giữa các cõi. Bề mặt bên trên của Cổng mây phản ảnh bầu trời và quang cảnh đô thị của Chicago.

Thời báo New York gọi Cổng mây là “một tác phẩm nghệ thuật phi thường” và là “nam châm thu hút khách du lịch” của Công viên Thiên niên kỷ. Năm 2016, lượng khách du lịch tới Chicago là 51 triệu, tăng 5% so với 2015, và số tiền họ chi tiêu tại đây là 14,9 tỉ USD. Cổng mây là một trong những nguyên nhân thu hút du khách.

Waste Landscape – Phong cảnh phế thải

Tác giả: Elise Morin & Clemence Eliard (người Pháp). Hơn 60.000 đĩa CD bỏ đi. 600m2. Ra đời năm 201. Trung tâm văn hoá Le Centquatre, Paris, Pháp.

Tác phẩm – được đan kết (bằng tay) từ hơn 60.000 đĩa CD bỏ đi, với tổng kích cỡ lên tới 600m2 – có thể được tưởng tượng như là những dãy núi, hay bờ biển tĩnh lặng, có tính chất hút ánh sáng và phản chiếu hình ảnh. Quy mô hoành tráng của tác phẩm, kèm theo thị giác lóng lánh, quyến rũ, không chỉ cho ta thấy khía cạnh nhỏ bé mà quan trọng của đồ vật thường nhật (chiếc đĩa CD), mà còn chất vấn vai trò của nghệ thuật trong các vấn đề xã hội (bảo vệ môi trường), đồng thời nâng cao nhận thức của công chúng trước vấn đề tiêu dùng hủy hoại môi trường.

Crown Fountain – Đài phun nước Crown

Tác giả: Jaume Plensa (người Tây Ban Nha). Hồ nước đá granite, hai màn hình LED, gạch thuỷ tinh, nước. Cao 15m. Ra đời năm 2004.

Tác phẩm được tài trợ bởi ông Lester Crown, một thương gia xuất hiện trong danh sách Forbes 400 từ năm 1982, cổ đông của những tập đoàn lớn như khách sạn Hilton, Rockefeller Center… Vì vậy tác phẩm mang tên ông để vinh danh. Đài phun nước Crown từ 2004 tới giờ đã trở thành một hình tượng văn hóa đại chúng tiêu biểu của Chicago, thu hút khách du lịch cũng như người dân. Mùa hè, người lớn, trẻ con sử dụng nó như một nơi giải nhiệt. Ở cả hai màn hình đối diện luôn hiện lên những khuôn mặt đối thoại với nhau. Đây là khuôn mặt của hơn 1.000 người dân Chicago, đến từ 75 nhóm dân tộc, xã hội và tôn giáo, ở các độ tuổi khác nhau – đại diện cho tính đa dạng và chấp nhận sự đa dạng – không những của Chicago mà cả của Mỹ. Thời báo Chicago miêu tả nó: đặc biệt thu hút, thân thiện với con người, là sự hòa quyện của công nghệ cao cấp và nghệ thuật đương đại.

As if it were already here –  Như thể nó đã sẵn ở đây

Tác giả: Janet Echelman (người Mỹ). 100 dặm dây bện, nặng khoảng 1 tấn. Ra đời năm 2015. Đường cao tốc Rose Kennedy Greenway, Boston, Mỹ.

Tác phẩm điêu khắc trên không này bao phủ khu vực trước kia là một con đường cao tốc, ngăn cách trung tâm thành phố với bờ biển. Hình dáng của tác phẩm lấy cảm hứng từ chính lịch sử của địa điểm nơi nó được trưng bày. Ba khối nhấp nhô tượng trưng cho “Tam Sơn” – vùng núi mà trong thế kỉ XVIII đã bị san bằng để xây dựng bến cảng Boston. Màu sắc của dây bện được lấy cảm hứng từ mã màu của sáu làn giao thông từng tồn tại ở đây trước khi dự án tái cấu trúc thành phố, mang tên Big Dig, diễn ra (dự án đã khôi phục không gian này thành không gian dành riêng cho người đi bộ).

Với cấu trúc bao gồm một mạng lưới được kết nối từ hơn nửa triệu nút, tác phẩm tuy hoành tráng về kích cỡ và sức mạnh, nhưng không kém tinh tế và mềm mại: chỉ một luồng gió hay thay đổi nhẹ về thời tiết cũng sẽ khiến cả khối tác phẩm đung đưa. Bên cạnh những tòa nhà chọc trời, tác phẩm như một điểm đối lập trước những khối kiến trúc thô ráp. Một biểu tượng của sự kết nối, của sức mạnh, được kiến tạo từ tính đoàn kết, đồng lòng và kiên cường.


Tại Việt Nam, nghệ sĩ Ly Hoàng Ly – từng theo học tại Học viện Mỹ thuật Chicago (Hoa Kỳ) đang thực hiện công trình nghệ thuật công cộng đầu tiên mang tên Thuyền nhà thuyền. Ấp ủ dự án này từ cách đây hơn 6 năm, trước sự đô thị hóa quá nhanh và con người cần có những không gian công cộng để thưởng thức cuộc sống, công trình Thuyền nhà thuyền của chị sắp ra mắt tại TP.HCM vào tháng 8. Công trình này có chất liệu bằng sắt, cao 3,8m, rộng 6,9m, dài 7,2m, nặng 23 tấn. Khi đặt ở nơi công cộng, mọi người có thể đi vào từ nhiều phía, có thể ngồi, uống cà phê, đọc sách; công trình có thể linh động trở thành một sân khấu, trình diễn âm nhạc.


Bill Nguyễn – Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory/Nguoidothi.net