Theo ước tính, hiện trên trái đất có 7 tỉ người trong đó có hơn một nửa sống ở đô thị. Và 40 – 70% là tỷ lệ phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của con người ở khu vực đô thị. Trong đó, năng lượng chiếm 26%, còn giao thông là 13%.
Tính riêng tại Việt Nam, trong giai đoạn 1990 – 2010, tổng phát thải các-bon từ đốt nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng tăng 602%. Các ngành công nghiệp lớn ở Việt Nam là ngành thâm dụng năng lượng và gây ô nhiễm môi trường, bao gồm: Xi măng, thép, công nghiệp hóa chất… Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển ấn tượng về kinh tế là tốc độ tăng cao của nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Theo Viện Nghiên cứu năng lượng (Bộ Công Thương), nhu cầu năng lượng tăng trung bình 18% giai đoạn 2010 – 2030, với sự phụ thuộc ngày càng lớn hơn vào nguồn tài nguyên không tái tạo là than (42%) và dầu – khí (23%) để sản xuất điện năng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Và, nếu vẫn dựa vào tài nguyên không tái tạo thì từ một nước xuất khẩu các tài nguyên hoá thạch dạng rắn và lỏng như hiện nay, Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu than, dầu và khí đốt chỉ trong vài thập kỷ tới.
Tại Hội thảo “Đối thoại chính sách thúc đẩy giảm phát thải trong đô thị” được tổ chức mới đây do UN-Habitat, Bộ TN&MT và Viện Chính sách khoa học và công nghệ Hàn Quốc phối hợp tổ chức mới đây, hàng loạt đề xuất chuyển đổi từ nền kinh tế xám sang kinh tế xanh của các thành phố lớn đã nhận được sự phản biện thẳng thắn từ các nhà khoa học. Chẳng hạn, với Quảng Ninh, mục tiêu giảm 7,02 triệu tấn các-bon vào năm 2020, tương ứng giảm 22,5% so với năm 2010. Với tốc độ như hiện nay, mục tiêu này sẽ khó có thể thành hiện thực khi mà địa phương này vẫn nâng công suất khai thác và sử dụng nguyên liệu hóa thạch.
Hay như Hà Nội, việc gia tăng khai thác quỹ đất, tạo lập BĐS tràn lan đang gây sức ép lên hạ tầng: Nạn ô nhiễm sông hồ, tắc nghẽn giao thông, khói bụi ô nhiễm, ngập úng và lãng phí đất đai…
Ở khu vực trung tâm miền Trung, Đà Nẵng cũng đang đứng trước việc khó lựa chọn ưu tiên nào cho phát triển: Lựa chọn nào giữa phát triển du lịch với việc gìn giữ cảnh quan thiên nhiên…(?!).
Hướng tới xây dựng các đô thị xanh, phát triển các-bon thấp sẽ là một xu thế tất yếu trên thế giới trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống có thể khai thác dựa vào nguồn nhiên liệu hoá thạch sẽ ngày một cạn kiệt, với giá cả biến động thất thường. Đối với Việt Nam, để xây dựng một nền kinh tế xanh, trước hết cần xây dựng “ý thức xanh” trong cộng đồng, tiêu dùng các sản phẩm xanh, cần phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và ít ô nhiễm để bổ sung nguồn năng lượng truyền thống hiện đang khai thác.
Để thực hiện những ưu tiên này, các nhà hoạch định, nhà quản lý cần hướng cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ đô thị; có giải pháp tiếp cận nguồn tài chính tư nhân và khuyến khích khu vực tư nhân cung cấp các dịch vụ hạ tầng; chú trọng giảm nghèo và tăng trưởng bao trùm. Tăng cường khả năng tiếp cận nhà ở phù hợp với điều kiện thu nhập và tăng cường khả năng tiếp cận tài chính về nhà ở; bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Ngọc Lý/BXD