Vì sao việc phát triển gạch không nung còn hạn chế?
Định hướng sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) thay thế gạch đất sét nung của Chính phủ là đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng vì sao sau 7 năm triển khai thực hiện, Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 (Chương trình 567) vẫn còn nhiều hạn chế?
Các địa phương vẫn thiếu các giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường sản xuất và sử dụng VLXKN
Đà Nẵng: Các nhà sản xuất còn bị đơn độc
Theo phân tích của Vụ trưởng Vụ VLXD Phạm Văn Bắc, một trong những nguyên nhân là do một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến Chương trình 567 hoặc chưa có giải pháp cụ thể, hữu hiệu nhằm tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung…
Đề cập việc phát triển VLXKN trên địa bàn TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Đức Lợi (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho biết: Trước năm 2010, Đà Nẵng chỉ có một nhà máy gạch bê tông, công suất 10 triệu viên QTC/năm. Nhưng đến nay, TP đã có đến 13 DN sản xuất gạch không nung (GKN) với tổng công suất thiết kế 200 triệu viên QTC/năm, trong đó có 2 DN đầu tư ra ngoài TP. Và hiện cũng có nhiều DN đang xúc tiến đầu tư.
Theo ông Lợi, Đà Nẵng khuyến khích đầu tư các dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu vừa và lớn; đầu tư sản xuất gạch bê tông bọt hiện đại, công nghệ cơ giới hóa ở mức cao. Riêng đối với gạch nhẹ AAC, Đà Nẵng không đầu tư công nghệ sản xuất mà chỉ sử dụng gạch nhẹ AAC do các DN vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung cung ứng.
Ông Lợi thừa nhận trong quá trình triển khai Chương trình 567, Đà Nẵng gặp một số khó khăn. Đơn cử, nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn còn hạn chế nên nhập các dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình hoặc thấp, thiếu đồng bộ. Công tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và tiếp thu công nghệ chưa tốt. Các DN chưa đầu tư nghiên cứu và cải tiến trang thiết bị trong sản xuất VLXKN phù hợp với sức lao động của người Việt Nam.
“Chúng ta cần nghiên cứu để tạo ra sản phẩm có kích thước và trọng lượng phù hợp với sức lực người lao động chứ không phải chỉ mua công nghệ nước ngoài về áp dụng. Nếu sản phẩm không phù hợp với sức người lao động sẽ giảm năng suất thì ngay nhà thầu cũng quay lưng với VLXKN” – Ông Nguyễn Đức Lợi phân tích.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác khiến việc phát triển VLXKN trên địa bàn Đà Nẵng còn hạn chế là chưa chú ý quan tâm trong việc tuyên truyền hiệu quả, cần thiết phải sản xuất và tiêu thụ VLXKN trong xã hội, dẫn đến tình trạng các cơ sở sản xuất thì đơn độc, người sử dụng mang tính tùy thích theo sự hiểu biết chủ quan. Các DN khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư, ưu đãi về chuyển giao công nghệ.
TP.HCM: Sản lượng VLXKN chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng
Tương tự như câu chuyện của TP Đà Nẵng, TP.HCM cũng đặc biệt quan tâm Chương trình phát triển VLXKN và đã tổ chức xây dựng hành lang pháp lý phát triển VLXKN một cách bài bản. TP đồng thời thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền và vận động; tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng VLXKN trong quá trình sản xuất, lưu thông trên thị trường và sử dụng trong công trình xây dựng…
Ông Nguyễn Minh Thái (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết: Với nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, tính lũy kế từ năm 2013 đến năm 2016, TP.HCM có 806 dự án, công trình thuộc đối tượng bắt buộc sử dụng VLXKN, trong đó 163 dự án đã sử dụng VLXKN. Với nhu cầu sử dụng VLXKN ngày càng tăng, số lượng DN sản xuất VLXKN tại TP ban đầu chỉ có 4 cơ sở nay đã tăng lên đến 19 cơ sở.
Cũng giống như TP Đà Nẵng, ông Thái cho biết, TP.HCM cũng còn một số mặt hạn chế trong quá trình triển khai Chương trình 567. Cụ thể, TP chưa có giải pháp hiệu quả trong việc đẩy mạnh đầu tư sản xuất VLXKN trên địa bàn. Số lượng và sản lượng các cơ sở sản xuất VLXKN trên địa bàn chưa thể đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây.
TP cũng chưa có giải pháp hiệu quả trong việc kiểm soát chặt chẽ về giá của các sản phẩm VLXKN và chất lượng của các loại phụ kiện đi kèm khi thi công, để bảo vệ lợi ích và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm này. Số lượng các cơ sở sản xuất VLXKN vẫn còn ít, nên dễ dẫn đến tình trạng độc quyền của nhà sản xuất, có thể gây khó khăn cho các chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng công trình trong quá trình áp dụng.
Đối với các công trình xây dựng nhỏ, riêng lẻ, Chương trình 567 chưa thực sự được hưởng ứng, do hiệu quả kinh tế chưa cao, nhận thức của chủ đầu tư về loại vật liệu này chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư và các nhà thầu chưa quan tâm đến việc nghiên cứu, suy xét, đưa ra các yêu cầu và giải pháp kỹ thuật để kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào và trong quá trình thi công; cũng như đánh giá nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục các khiếm khuyết. Chưa có nhiều các DN sản xuất VLXKN có hệ thống nhân lực và bộ phận kỹ thuật đủ năng lực, chủ động, tích cực đeo bám công trình, hướng dẫn kỹ thuật thi công vật liệu và phụ kiện, xử lý kỹ thuật kịp thời đối với những trường hợp sự cố nứt, thấm… Tại một số công trình xây dựng đã xảy ra các hiện tượng nứt, gây tâm lý e ngại về việc sử dụng GKN.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Thái, VLXKN là loại vật liệu mới, thi công đòi hỏi đồng bộ nguyên vật liệu và thiết bị. Trong khi đó, hiện nay, công nhân xây dựng đã quen với việc thi công gạch đất sét nung, chưa thành thạo trong việc thi công VLXKN, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình cũng như khả năng áp dụng VLXKN trong thực tế.
Quý Anh – Linh Anh/BXD