20/07/2017

5 nhiệm vụ khoa học trọng tâm của ngành Xây dựng

 Tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ giữa Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Xây dựng đưa ra 5 nội dung trọng tâm cần có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ KHCN, kế hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.


Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ giữa Bộ Xây dựng và Bộ KH&CN.

Chuyển đổi và hoàn thiện mô hình, tiêu chuẩn

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Hồng Anh và các Cục, Vụ của Bộ KH&CN tiếp tục đồng hành, ủng hộ chủ trương và tạo điều kiện hỗ trợ chính sách cũng như tài chính theo quy định cho các tổ chức sự nghiệp khoa học ngành Xây dựng, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020, Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ và chuyển thành Cty cổ phần (CTCP). Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, Viện Kiến trúc Quốc gia và Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam vận dụng cơ chế hạch toán như doanh nghiệp, tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên và đầu tư. Viện Kinh tế xây dựng tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên. Đến năm 2030, cả 05 Viện thuộc Bộ Xây dựng là doanh nghiệp khoa học công nghệ, trong đó: 02 đơn vị là CTCP từ năm 2030, 03 đơn vị là CTCP từ năm 2025. Riêng Viện Kinh tế xây dựng chuyển sang hạch toán như mô hình doanh nghiệp đến năm 2025.


Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục đồng hành, ủng hộ các tổ chức sự nghiệp khoa học ngành Xây dựng.

Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng đang tiếp tục được hoàn thiện và sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ thời gian ngắn sắp tới, đã nhận được sự tham gia tích cực của Tổng cục Tiêu chuẩn đô lường chất lượng. Sau khi được phê duyệt, Đề án rất cần nhân lực và tài chính để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đề ra, trong đó sự phối hợp giữa Bộ Xây dựng và Bộ KH&CN là hết sức quan trọng, đảm bảo toàn bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng được hệ thống hóa khoa học và cập nhật đầy đủ, kịp thời khoa học công nghệ tiên tiến của ngành Xây dựng thế giới.

Để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần đẩy mạnh một số nghiên cứu như: Phát triển và ứng dụng robot được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo, kết nối internet, ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM); Áp dụng công nghệ in 3 chiều (3D) để sản xuất chế tạo với hình dáng bất kỳ, phát triển và ứng dụng nhiều vật liệu xây dựng thông minh (độ bền, tuổi thọ cao, tiết kiệm năng lượng,…); Áp dụng công nghệ vệ tinh, tích hợp dữ liệu trực tuyến thông qua internet trong công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng; Xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu thông tin kết nối về các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà ở để phát triển và quản lý đô thị (đô thị thông minh); Nâng cao kỹ năng tư vấn của các tổ chức, cá nhân để cập nhật, sử dụng thành thạo các ứng dụng về dữ liệu lớn (Big Data), vạn vật kết nối internet (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), robot thế hệ mới, in 3D, các vật liệu mới, công nghệ nano.


Đoàn công tác Bộ Xây dựng và Bộ KH&CN tại nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Viện Khoa học công nghệ xây dựng.

Hoàn thiện pháp lý và hỗ trợ các chương trình mục tiêu Quốc gia

Hai Bộ cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách đặc thù thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ ngành Xây dựng như: Nghiên cứu hoàn thiện Thông tư số 145/2009/TTLT-BTC-BKHCN ngày 17/7/2009 về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật; Hướng dẫn quy trình tuyển trọn (rút gọn), sử dụng kinh phí kkhoa học công nghệ đối với các doanh nghiệp sản xuất ngành Xây dựng; Xây dựng cơ chế, ban hành những chính sách thí điểm giao kinh phí sự nghiệp khoa học về Quỹ phát triển khoa học công nghệ của ngành Xây dựng để chủ động trong việc xét chọn và ký hợp đồng thực hiện, phát huy được vai trò và chức năng của Quỹ trong thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển.

Hai Bộ cũng tiếp tục triển khai phối hợp chỉ đạo, quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước và trọng điểm cấp Bộ ngành Xây dựng như: Nghiên cứu, đổi mới toàn diện công tác lập quy hoạch đô thị ở Việt Nam; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo dây chuyền thiết bị và công nghệ sản xuất gạch bê tông khí chưng áp, công suất 200.000 m3/năm; Nghiên cứu sử dụng tro bay nhiệt điện kết hợp với cát mặn, nước mặn và cốt sợi thuỷ tinh FRP trong công trình hạ tầng ven biển và hải đảo; Hỗ trợ triển khai Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong thiết kế, xây dựng và quản lý công trình xây dựng.


Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong thiết kế, xây dựng và quản lý công trình xây dựng cần được hai Bộ tiếp tục triển khai, phối hợp chỉ đạo, quản lý.

Tiếp tục hỗ trợ thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị” và “Chương trình KC.01/16-20: Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử về vấn đề quy hoạch và quản lý phát triển đô thị”.

Hỗ trợ các đề xuất thuộc Chương trình sản phẩm quốc gia (Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 27/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia): Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thử nghiệm hai mẫu cần trục tháp xây dựng; Các đề tài cần triển khai thuộc Chương trình KC.02/16-20 về Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới; Các đề tài cần triển khai thuộc Chương trình KC.05/16-20 về Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng.

Đặc biệt, hỗ trợ cho đề xuất thuộc Chương trình KC.08/16-20 về Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai.

Thanh Nga/BXD