Hội thảo đối thoại chính sách: “Thúc đẩy giảm phát thải các-bon trong khu vực đô thị”
Đô thị là trung tâm của các hoạt động kinh tế – xã hội và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, tăng trưởng đô thị thiếu kiểm soát, phát thải khí nhà kính cao cùng với thực trạng chi phí năng lượng tăng, nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng đã và đang tạo áp lực lên chính quyền đô thị. Điều này làm giảm sức tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến công cuộc giảm đói nghèo và giảm chất lượng sống trong đô thị, đồng thời là một yếu tố làm tăng nhiệt độ toàn cầu cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Nhiều chuyên gia cho rằng những thành phố hiện nay đang đi tiên phong về mô hình phát triển giảm phát thải sẽ thu hút đầu tư nhiều hơn trong tương lai gần, giảm chi phí năng lượng và xây dựng nên một đô thị toàn diện, hiệu quả, sạch đẹp, phục vụ đời sống và việc làm của người dân. Chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc triển khai định hướng phát triển phát thải thấp, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển dịch kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh trong tương lai. Trong những năm qua, UN-Habitat đã và đang hỗ trợ chính quyền địa phương tại các quốc gia đang phát triển để tích hợp mục tiêu giảm phát thải các-bon vào tất cả các lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị.
Về bối cảnh trong nước, từ tháng 5/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) xây dựng “Nghị định về Lộ trình và phương thức để Việt Nam tham gia hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính toàn cầu”. Quá trình xây dựng có sự tham vấn các Bộ ban ngành trung ương, các cơ quan địa phương, thể chế Nhà nước và tư nhân, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia độc lập, nhằm đảm bảo tính hiệu quả của Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)1. Trong đó, vai trò của khu vực đô thị đối với các hành động, giải pháp giảm nhẹ phát thải là không thể thiếu.
Trên cơ sở đó, những văn bản pháp lý và chiến lược của Bộ Xây dựng về định hướng phát triển xanh, giảm phát thải trong đô thị như Kế hoạch Tăng trưởng Xanh (GGAP), Chiến lược Phát triển Đô thị Quốc gia (NUDS), v.v… cần có sự thống nhất với Nghị định và kế hoạch hành động để triển khai NDC của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đó mang lại kết quả tích cực và khả thi.
Với mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết các thách thức trong khu vực đô thị, UN-Habitat thông qua dự án “Tăng cường phối hợp các cấp thúc đẩy phát triển các-bon thấp” (V-LED) tổ chức Hội thảo đối thoại chính sách về “Thúc đẩy giảm phát thải các-bon trong khu vực đô thị” phối hợp với Viện Chính sách khoa học và công nghệ Hàn Quốc (STEPI) và hỗ trợ kỹ thuật từ Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học Công nghệ.
Hội thảo được tổ chức trong ba ngày từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 7 năm 2017, gồm phiên đối thoại chính sách (1 ngày) và họp kỹ thuật Chương trình ART mở rộng (2 ngày). Địa điểm: Hội trường tầng 1, Khách sạn Daewoo, Hà Nội.
Thông qua đối thoại chính sách ngày 19 tháng 7, các cơ quan chính phủ, đại diện chính quyền địa phương và các tổ chức trong nước và quốc tế có cơ hội thảo luận cách tiếp cận phát triển giảm phát thải trong khu vực đô thị trên cả hai khía cạnh, (1) cơ chế, chính sách quản lý với các công cụ và hướng dẫn hỗ trợ; (2) các thực tiễn điển hình tại địa phương về sáng kiến giảm phát thải khí nhà kính. Từ đó, các đại biểu cùng trao đổi về những thách thức trong việc lồng ghép mục tiêu giảm phát thải trong chiến lược và quy hoạch phát triển đô thị, đồng thời gợi mở những hướng đi mới, giải pháp sáng tạo để huy động đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác quốc tế cho các thành phố tại Việt Nam.
Về Chương trình Nghiên cứu và Công nghệ dành cho các quốc gia APEC (ART) mở rộng diễn ra trong hai ngày 20 và 21 tháng 7: Với những tác động nhanh chóng của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là ở khu vực APEC, các quốc gia đang rất cần giải pháp công nghệ cho phép đánh giá, dự báo một cách chính xác và hiệu quả các hiện tượng thời tiết. Ngoài ra, với việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường xuống cấp và tác động từ các hiện tượng khí hậu, các quốc gia cũng rất cần các giải pháp công nghệ sạch, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như năng lượng tái tạo, nước sạch và nông nghiệp thông minh. Cho đến nay, APEC đã khởi xướng một số ý tưởng, ví dụ như xây dựng Khu phố Xanh ở Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam, hỗ trợ người nông dân ở các quốc gia APEC đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua Tổ Công tác về Hợp tác Kỹ thuật Nông nghiệp APEC, và hỗ trợ các quốc gia APEC xây dựng năng lực dự báo khí hậu thông qua cung cấp thông tin, nghiên cứu về khí hậu, cùng với hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Khí hậu APEC.
Trong bối cảnh như vậy, các quốc gia APEC cần phối hợp với nhau, tiếp tục nỗ lực trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, do đó chương trình Nghiên cứu và Công nghệ APEC (ART) sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng. Với tư cách một trong những nền tảng đối thoại chính sách hiệu quả nhất của Nhóm Cơ chế Đối tác chính sách KH&CN và Đổi mới APEC (PPSTI), chương trình ART 2017 được xây dựng với mục tiêu tìm kiếm giải pháp trong thúc đẩy hợp tác về công nghệ khí hậu. Với sự hỗ trợ và hợp tác tích cực từ Ban Thư ký APEC Việt Nam, chương trình ART 2017 đã được tổ chức thành công tại Hà Nội (trong hai ngày 12 và 15 tháng 5 năm 2017), nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong việc xác định cung – cầu về công nghệ khí hậu của các quốc gia APEC, xác định các lĩnh vực cần thảo luận như khoa học và dự báo khí hậu, áp dụng thông tin về khí hậu trong nông nghiệp, vai trò của đổi mới và quảng bá công nghệ khí hậu, và tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là các nhà khoa học nữ và doanh nhân.
Chương trình ART mở rộng, đóng vai trò như một nền tảng đối thoại chính sách, mỗi một năm sẽ tập trung vào quốc gia đăng cai tổ chức chương trình. Năm nay, chương trình ART mở rộng sẽ tập trung vào Việt Nam, với mục tiêu xác định nhu cầu, và các giải pháp công nghệ khí hậu cho quốc gia này, thông qua các hội thảo chuyên sâu xây dựng ý tưởng, với sự tham gia của các chuyên gia từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức chính phủ. Đặc biệt, chương trình năm nay sẽ được đồng tổ chức với Văn phòng UN-Habitat Việt Nam, để thảo luận một trong những lĩnh vực cần đến công nghệ và giải pháp sáng tạo về khí hậu: phát triển đô thị.
Hai ngày họp kỹ thuật không chỉ khuyến khích nghiên cứu và phát triển các đề xuất dự án về phát triển đô thị liên quan đến biến đổi khí hậu, mà còn khuyến khích các nền kinh tế APEC, đặc biệt là Việt Nam, hợp tác với các chuyên gia từ các quốc gia thành viên khác và các tổ chức quốc tế để xây dựng dự án, huy động tài trợ và triển khai.
Mục tiêu:
Mục tiêu chung:
– Xác định vai trò của khu vực đô thị trong việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)
– Giới thiệu quy trình và các thực tiễn điển hình về giảm phát thải khi nhà kính trong khu vực đô thị
– Thảo luận về những đóng góp của khu vực đô thị trong việc xây dựng văn bản pháp quy, chính sách và chiến lược hướng đến phát triển giảm phát thải
Nội dung thảo luận chính:
– Giới thiệu bối cảnh về phát triển giảm phát thải tại Việt Nam: các cam kết quốc gia, các văn bản pháp lý, khung chính sách có lien quan và các dự án thí điểm tại địa phương
– Thảo luận cách thức lồng ghép những chính sách, quy định mới về giảm phát thải vào chiến lược phát triển thành phố để đạt được mục tiêu giảm phát thải ở cấp địa phương
– Cung cấp các ví dụ điển hình về giảm phát thải ở địa phương (cấp thành phố)
– Tổng hợp ý kiến từ các thành phố và các bên liên quan khác về nhu cầu triển khai phát triển giảm phát thải tại địa phương? Cách thức thực hiện mục tiêu đó tại khu vực đô thị?
Chương trình dự kiến:NGÀY 1: THỨ TƯ 19/7/2017 08:00-08:30 Đăng ký đại biểu
10:00-10:05 Chụp ảnh lưu niệm / Nghỉ giải lao
11:00-12:00 Phiên toàn thể Điều phối: UN-Habitat, Lãnh đạo Cục BĐKH, STEPI
12:00-13:30 Ăn trưa tại Khách sạn Daewoo
15:15-15:30 Nghỉ giải lao
16:30-16:50 Tổng kết bế mạc
16:50-18:00 Chương trình ART mở rộng 2017 / Chủ đề: Hội thảo xây dựng các đề xuất dự án / Đại biểu: Đại diện các TP ở Việt Nam, các viện nghiên cứu, đơn vị chức năng của các Bộ ban ngành đối tác của STEPI NGÀY 2: THỨ NĂM 20/7/2017 10:00-12:00 Trình bày đề xuất dự án / Các chuyên gia từ các tổ chức Chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học tại Việt Nam trình bày định hướng nghiên cứu và tìm kiếm đối tác địa phương để triển khai, huy động nguồn lực quốc tế. NGÀY 3: THỨ SÁU 21/7/2017 08:30-10:00 Thảo luận nhóm & Dự thảo PCP III |
Đăng ký tham gia:
Thông tin đăng ký xin vui lòng gửi về UN-Habitat, Trợ lý dự án: chị Đặng Việt Hà
Tel: 0976110003, Email: ha.dang1@unhabitatvietnam.org