Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất: Thuê tư vấn chuyên ngành quốc tế đảm bảo tính khách quan, độc lập
Sau khi nghiên cứu báo cáo và các đề xuất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc thuê tư vấn chuyên ngành quốc tế nghiên cứu, rà soát quy hoạch và xây dựng phương án mở rộng cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ Xây dựng nhận thấy việc thuê tư vấn chuyên ngành quốc tế cơ bản tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đảm bảo tính khách quan, độc lập. Các đề xuất vủa tổ chức thực hiện của Bộ GTVT đề xuất cũng phù hợp với các quy định hiện hành.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ một số nội dung:
1. Về phương án thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT đã dự kiến sơ bộ 02 phương án. Cụ thể:
– Phương án 1: Thuê đơn vị tư vấn nước ngoài tiến hành đánh giá việc sử dụng đất cho hàng không; khảo sát, lập điều chỉnh quy hoạch CHKQT Tân Sơn Nhất (không bị giới hạn về quy hoạch sử dụng đất) nhằm nâng cao công suất khai thác, phù hợp với tốc độ phát triển vận tải và kế hoạch xây dựng CHKQT Long Thành.Kết quả nghiên cứu của phương án này sẽ độc lập với kết quả nghiên cứu trước đây, tuy nhiên, thời gian thực hiện cần dự kiến khoảng 12 tháng (sau khi tuyển chọn tư vấn) do phải điều tra khảo sát mới, với kinh phí dự kiến khoảng 40-50 tỷ đồng.
– Phương án 2: Thuê đơn vị tư vấn nước ngoài tiến hành đánh giá việc sử dụng đất cho hàng không; nghiên cứu, đánh giá thẩm tra, phản biện kết quả nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch của Công ty tư vấn thiết kế xây dựng hàng không ADCC và đề xuất phương án nâng cấp, mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất trong điều kiện không bị giới hạn sử dụng đất, để nâng cao công suất của cảng, phù hợp với tốc độ phát triển vận tải và kế hoạch xây dựng CHKQT Long Thành.Phương án này tận dụng được kết quả khảo sát, nghiên cứu trước đây nhưng vẫn đảm bảo tính khách quan, trung thực, với thời gian thực hiện dự kiến khoảng 4 tháng (sau khi tuyển chọn tư vấn), kinh phí dự kiến khoảng 10-15 tỷ đồng.
Phương án thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch CHKQT Tân Sơn Nhất sẽ đảm bảo tính khách quan, độc lập. (Ảnh minh họa)
2. Về nguồn vốn: Trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, chưa thể bố trí ngay, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ đầu tư phát triển của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam để thực hiện.
3. Về tổ chức thực hiện: Để đáp ứng tiến độ theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận các nội dung:
– Cho phép Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan tổ chức lập quy hoạch; giao Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam với vai trò là người khai thác cảng là Chủ đầu tư để tiến hành thuê tư vấn nước ngoài đánh giá việc sử dung đất cho hàng không tại cảng; nghiên cứu, đánh giá, thẩm tra, phản biện hồ sơ quy hoạch và phương án nâng cấp mở rộng phù hợp cho CHKQT Tân Sơn Nhất (phương án 2 nêu trên);
– Cho phép tiến hành các thủ tục chỉ định thầu đơn vị lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện (dự kiến một trong các đơn vị tư vấn đến từ Pháp, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ… đã tham gia thi tuyển kiến trúc Nhà ga hàng khách CHKQT Long Thành).
Để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đề xuất của Bộ GTVT về nội dung này, Văn phòng Chính phủ đã gửi văn bản đề nghị các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, UBND TP HCMcó ý kiến đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực được giao quản lý.
Sau khi nhận được công văn số 6383/VPCP-CN củaVăn phòng Chính phủ ngày 20/6/2017 về việc thuê tư vấn chuyên ngành quốc tế nghiên cứu, rà soát quy hoạch và xây dựng phương án mở rộng cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu và có ý kiến như sau:
Về phương án thuê đơn vị tư vấn nước ngoài, Bộ Xây dựng nhận thấy phương án 1 cơ bản tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 273/TB-VPCP ngày 16/6/2017 của Văn phòng Chính phủ và bảo đảm tính độc lập, khách quan. Tuy nhiên, Bộ GTVT cần thống nhất với đơn vị tư vấn để rút ngắn thời gian thực hiện.
Về nguồn vốn, Bộ thống nhất với kiến nghị của Bộ GTVT về việc sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ đầu tư phát triển của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam để tổ chức thực hiện.
Về tổ chức thực hiện, theo Bộ Xây dựng, việc giao Cục Hàng không Việt Nam tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11; Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay; Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30/6/2016 của Bộ GTVT quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.Việc giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam là Chủ đầu tư để tiến hành thuê tư vấn nước ngoài cũng phù hợp, các trình tự thực hiện chuẩn bị đầu tư tuân thủ quy định tại Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng. Do yêu cầu về tiến độ, thống nhất tiến hành thủ tục lựa chọn chỉ định thầu đơn vị tư vấn nước ngoài theo quy định pháp luật và yêu cầu về uy tín, kinh nghiệm, năng lực.
Theo Báo Đầu tư, trong phương án mới nhất Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Phương án tháng 5), tổng diện tích Sân bay Tân Sơn Nhất trong quy hoạch điều chỉnh sẽ được mở rộng từ 574,4ha hiện hữu lên 617,05ha, trong đó, quy hoạch các công trình dân dụng quản lý, đất dùng chung dân dụng – quốc phòng do hàng không dân dụng quản lý là 566,66ha; quy hoạch các công trình liên quan đến hàng không dân dụng trên phần đất quốc phòng là 50,39ha.
Ngoài việc có thêm một số các công trình thuộc khu bay, thoát nước, điểm nhấn quan trọng nhất trên phần diện tích do hàng không dân dụng quản lý là việc Bộ GTVT đề xuất bổ sung vào quy hoạch Nhà ga hành khách phục vụ hàng không dân dụng (Nhà ga hành khách T4) với công suất thiết kế khoảng 15 triệu hành khách/năm, nâng tổng công suất của Sân bay Tân Sơn Nhất lên 43-45 triệu hành khách/năm. Để đảm bảo hoạt động khai thác, trên phần đất do dân dụng quản lý, Bộ GTVT quy hoạch 80 – 85 vị trí đậu khai thác phục vụ hành khách. |
Phương Liên/BXD