18/07/2017

Tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản

 Về việc đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, mới đây Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1542/BXD-VLXD gửi Bộ Công thương.

Chỉ thị số 03/CT-TTg nhằm kịp thời giải quyết những vướng mắc; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý Nhà nước về khoáng sản và đưa hoạt động khoáng sản và đưa hoạt động khoáng sản dần đi vào nề nếp, đồng thời tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 03, Bộ Xây dựng đã chủ động việc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung được giao theo thẩm quyền.


Quản lý chặt chẽ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng góp phần làm giảm đáng kể tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. (ảnh minh hoạ)

Việc ra soát Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng, Quy hoạch khoáng sản làm xi măng cũng được Bộ Xây dựng thực hiện rất kịp thời, góp phần đưa nhiều mỏ khoáng sản có quy mô công nghiệp vào thăm dò, khai thác kịp thời, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Làm giảm đáng kể tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, hạn chế việc chồng lấn với các quy hoạch thuộc các lĩnh vực khác, tạo thành hành lang pháp lý đưa hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng còn tổ chức kiểm tra và thẩm định công nghệ của 19 dự án nhà máy chế biến khoáng sản và đã có báo cáo thẩm định gửi các cơ quan liên quan làm cơ sở cho việc xem xét bổ sung vào quy hoạch, đưa vào danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc cấp phép hoạt động khoáng sản cho doanh nghiệp.

Bên cạnh việc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về mức độ chế biến cho khoáng sản làm vật liệu xây dựng phù hợp với thực tiễn thì Bộ Xây dựng cũng đã giao cho các đơn vị chuyên môn thực hiện việc rà soát, tổng hợp để lập các quy hoạch khoáng sản mới thay thế, dự kiến sẽ hoàn thành để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV năm 2017 như: Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng chủ yếu ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, hợp nhất và thay thế Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 9/1/2012.

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2025, hợp nhất và thay thế Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm xi măng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 1065/QĐ-TTg.

Về việc đánh giá chung về tình hình khai thác, chế biến các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản làm xi măng thì theo số liệu điều tra, khảo sát thì khoáng sản làm vật liệu xây dựng của Việt Nam có tiềm năng tương đối lớn và có thể đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong thời gian lâu dài. Sản lượng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở nước ta không ngừng tăng nhanh, từ năm 2006 đến năm 2015 sản lượng khai thác, chế biến tăng gần gấp ba lần.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 03, Bộ Xây dựng cũng đã gặp phải một số khó khăn vướng mắc như: Về công tác cấp phép hoạt động khoáng sản khi các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động khoáng sản sẽ có những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc cấp phép thăm dò khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân phải đảm bảo điều kiện phù hợp với năng lực chế biến và dự án chế biến khoáng sản phải được Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương thẩm định công nghệ chế biến. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp làm thủ tục cấp Quyết định chủ trương đầu tư dự án (trước đây là giấy chứng nhận đầu tư) tại địa phương thì UBND các tỉnh lại yêu cầu doanh nghiệp phải xác định rõ nguồn nguyên liệu cung cấp cho dự án (phải có quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản làm nguyên liệu cho dự án nhà máy chế biến khoáng sản). Ngược lại, nếu doanh nghiệp đã đầu tư dự án nhà máy chế biến nhưng khi có kết quả thăm dò mỏ khoáng sản lại không đảm bảo yêu cầu về trữ lượng, chất lượng để khai thác làm nguyên liệu thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Với nội dung này, Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp tháo gỡ như sau: Doanh nghiệp khi đầu tư dự án nhà máy chế biến khoáng sản phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư và phải có đề xuất về nguồn nguyên liệu dự kiến để được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Sau khi có báo cáo kết quả thăm dò và căn cứ vào trữ lượng mỏ khoáng sản được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia phê duyệt thì doanh nghiệp xem xét cân đối lại quy mô công suất nhà máy chế biến cho phù hợp với công suất khai thác theo trữ lượng được phê duyệt; đồng thời tiến hành điều chỉnh lại chủ trương đầu tư (nếu có) và hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án nhà máy chế biến. Sau khi doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục cần thiết thì các đơn vị, ban ngành sẽ tiến hành thẩm định công nghệ chế biến theo thẩm quyền được giao.

Về việc xuất khẩu khoáng sản đá ốp lát dạng khối nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản đá ốp lát, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 407/TB-VPCP ngày 17/12/2012 Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về quy định xuất khẩu khoáng sản, xử lý hồ sơ hoạt động khoáng sản tồn đọng và công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khoáng sản; Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh đã tiến hành kiểm tra, xác nhận lượng đá hoa dạng khối tồn kho của 13 doanh nghiệp trên địa bàn 02 tỉnh Yên Bái và Nghệ An với tổng khối lượng là 321.644 m3 và đã có văn bản hướng dẫn cho các doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu đá hoa trắng với tổng khối lượng là 81.618 m3.

Ngoài ra, căn cứ vào khoản 7, Điều 3 của Luật Khoáng sản 2010, để có chính sách xuất khẩu khoáng sản trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế – xã hội và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quy định cấm xuất khẩu đá khối làm ốp lát (bao gồm đá granit, đá hoa, đá vôi, đá gabro, đá bazan,…) tại Chỉ thị số 03 bởi: Tiềm năng về khoáng sản đá làm ốp lát ở Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên chất lượng qua khai thác, chế biến thường là các sản phẩm ốp lát thông thường, có màu sắc và mỹ quan không cao, giá trị thấp trong khi nhu cầu trong nước cũng không tiêu thụ hết. Việc đầu tư dây chuyền chế biến đá ốp lát ngoài chi phí đầu tư lớn (trung bình khoảng 6-7 USD/m2), giá thành sản xuất cao thì cũng ảnh hưởng đến việc sử dụng đất đai, gây ô nhiễm môi trường,…

Bên cạnh đó, việc tháo gỡ khó khăn trong việc xuất khẩu đá khối làm ốp lát sẽ góp phần phát huy những lợi thế về tiềm năng, giá trị khoáng sản sẵn có tại các địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, đầu tư, đổi mới công nghệ khai thác, chế biến tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo việc làm ổn định và đảm bảo an sinh xã hội. Với việc cho phép xuất khẩu đá khối làm ốp lát, nhà nước cũng thu về một khoản thuế từ hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp (thuế xuất khẩu đá khối là 30% và đá ốp lát là 0-5%), đồng thời các doanh nghiệp nhờ xuất khẩu được sản phẩm cũng thu về một khoản ngoại tệ để tái đầu tư và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuyết Hạnh/BXD