Khoa học công nghệ đã giải quyết được một số nhiệm vụ phát triển ngành Xây dựng
Theo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường – Bộ Xây dựng, sau 4 năm thực hiện, các nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) được Bộ Xây dựng phê duyệt đã bám sát các nhiệm vụ chủ yếu đề ra trong Chiến lược, bước đầu đã giải quyết được một số nhiệm vụ phát triển ngành Xây dựng theo chiều sâu và một số vấn đề thực tiễn đòi hỏi.
Một dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng hiện đại của Viglacera đầu tư tại Bình Dương.
Các kết quả nghiên cứu KHCN đã góp phần giúp ngành Xây dựng làm chủ được công nghệ thiết kế, thi công nhà cao tầng, các công trình giao thông, thủy lợi, các công trình công nghiệp có quy mô lớn và các công trình đặc biệt khác. Tiêu biểu có thể kể đến các công trình dân dụng cao 40-60 tầng, công trình thủy điện quy mô lớn như thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, các tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Hà Nội – Hải Phòng, các công trình công nghiệp lớn Nhiệt điện Vũng Áng, Lọc dầu Dung Quất, khí điện đạm Cà Mau, … góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
Nhiều kết quả nghiên cứu KHCN lĩnh vực vật liệu xây dựng đã hỗ trợ thúc đẩy tăng năng suất lao động và tạo ra nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng tính năng cao, thân thiện môi trường. Các sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất ở trong nước theo chủng loại đã chiếm lĩnh được 60-90% thị trường vật liệu xây dựng. Trong năm 2016, cả nước đã sản xuất được khoảng 76 triệu tấn xi măng; 24,6 tỷ viên gạch các loại; 520 triệu m2 gạch ốp lát các loại; 167 triệu m2 kính xây dựng; 12,9 triệu sản phẩm sứ xây dựng,… Các sản phẩm vật liệu xây dựng áp dụng KHCN mới bước đầu đã tạo dựng được thương hiệu và chất lượng trong nước và quốc tế. Kính tiết kiệm năng lượng low-E, gạch bê tông nhẹ khí chưng áp ACC được nghiên cứu phát triển (đến nay, gạch bê tông nhẹ khí chưng áp đã chiếm được khoảng 25% tổng sản lượng gạch không nung),…
Một số nhiệm vụ KHCN trọng điểm đã được nghiệm thu và kết quả nghiên cứu đã được ban hành kịp thời dưới dạng văn bản hướng dẫn của Nhà nước để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Ví dụ: Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng; Quyết định số 430/QĐ-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành “Chỉ dẫn kỹ thuật Xỉ gang và xỉ thép sử dụng làm vật liệu xây dựng”; TCVN 11833:2017 Thạch cao phospho dùng để sản xuất xi măng; Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình,…
Bộ Xây dựng hiện đang tích cực triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng chính phủ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đẩy mạnh một số nghiên cứu theo các cụm vấn đề sau:
Công nghệ thi công công trình xây dựng: phát triển và ứng dụng robot được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo, kết nối internet; ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM).
Công nghệ sản xuất sản phẩm cơ khí và vật liệu xây dựng: áp dụng công nghệ in 3 chiều (3D) để sản xuất chế tạo với hình dáng bất kỳ; phát triển và ứng dụng nhiều vật liệu xây dựng thông minh (độ bền, tuổi thọ cao, tiết kiệm năng lượng,…)
Quy hoạch xây dựng: áp dụng công nghệ vệ tinh, tích hợp dữ liệu trực tuyến thông qua internet trong công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng;
Phát triển đô thị: xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu thông tin kết nối về các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà ở để phát triển và quản lý đô thị (đô thị thông minh);
Tư vấn xây dựng: nâng cao kỹ năng tư vấn của các tổ chức, cá nhân để cập nhật, sử dụng thành thạo các ứng dụng về dữ liệu lớn (Big Data), vạn vật kết nối internet (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), robot thế hệ mới, in 3D, các vật liệu mới, công nghệ nano.
Hải Đăng/BXD